Tập thể cán bộ giáo viên Trường Mầm non Cổ Lũng (Bá Thước, Thanh Hóa). |
Tuy nhiên, với kinh nghiệm từ phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi, nhiều địa phương tự tin về đích đúng hạn.
Nhiều thách thức với giáo dục vùng khó
Bá Thước là một trong những huyện vùng núi cao của tỉnh Thanh Hóa, với tổng số 24 trường mầm non, 52 điểm trường. Trong đó, nhiều trường có từ 5-6 điểm lẻ.
Mặc dù, là một huyện thuộc vùng sâu, vùng xa song những năm qua tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp của địa phương này luôn đạt 100%. Đối với trẻ trong độ tuổi mẫu giáo từ 3-4 tuổi đạt tỷ lệ từ 85-87%.
Ông Nguyễn Cơ Thạch - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bá Thước cho biết, sở dĩ tỷ lệ huy động trẻ 3-4 tuổi ra lớp chưa đạt mức tối đa cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
“Một trong những khó khăn của huyện Bá Thước đó là nhiều điểm trường cách xa trung tâm, cơ sở vật chất, phòng học thiếu thốn gây khó khăn cho việc dồn điểm trường. Trong khi đó, ở các điểm trường này chưa thể tổ chức bếp ăn bán trú, nên tỷ lệ huy động trẻ ra lớp chưa cao”, ông Thạch chia sẻ.
Theo ông Thạch, hiện nay Bá Thước không còn tình trạng phòng học tranh tre nứa lá, tuy nhiên vẫn còn phòng học tạm. Theo thống kê sơ bộ, hiện địa phương này vẫn còn thiếu khoảng 70 phòng học. Đây là một trong những thách thức khi triển khai đề án Phổ cập GDMN trẻ 3-4 tuổi.
Ngoài ra, phần lớn phụ huynh trong độ tuổi lao động đều đi làm ăn xa, trẻ được gửi cho ông, bà chăm sóc, nuôi dưỡng. Trong khi, gia đình lại ở xa trung tâm, vì vậy, tỷ lệ trẻ ra lớp cũng chưa được chuyên cần.
Cô và trò Trường Mầm non Cổ Lũng (Bá Thước, Thanh Hóa). |
“Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã chỉ đạo các nhà trường sàng lọc những trường hợp trẻ ra lớp chưa chuyên cần, nắm bắt điều kiện hoàn cảnh. Từ đó, phối kết hợp với chính quyền địa phương động viên, đồng thời kêu gọi hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn”, ông Thạch nói.
Bên cạnh khó khăn, huyện Bá Thước cũng sẵn có những thuận lợi khi triển khai đề án Phổ cập GDMN trẻ 3-4 tuổi. Trong đó phải kể tới kinh nghiệm được đúc rút trong quá trình triển khai phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi.
Ngoài ra, địa phương này cũng có lợi thế về đội ngũ giảng dạy. Trên cơ sở đó, ngành GD huyện Bá Thước phấn đấu sẽ "về đích" đúng hạn khi triển khai phổ cập GDMN trẻ 3-4 tuổi.
Cần thêm thời gian
Cô Hà Thị Như - Hiệu trưởng Trường Mầm non Cổ Lũng (huyện Bá Thước, Thanh Hóa), cho biết: Dù là địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa song tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi mẫu giáo từ 3-5 tuổi những năm qua của nhà trường luôn đạt 100%.
“Về đội ngũ giảng dạy, Trường Mầm non Cổ Lũng cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học...
Vì vậy, với giáo dục vùng khó tôi cho rằng cần có thêm thời gian để triển khai công tác tuyên truyền tới người dân, các bậc phụ huynh của trẻ. Đồng thời, chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi để triển khai thành công đề án”, cô Như chia sẻ.
Cũng theo cô Như, hiện nay nhà trường mới tổ chức bếp ăn bán trú ở điểm trường chính. Trong khi ở khu lẻ tại bản Eo Điếu và bản Ấm Khuyn vẫn chưa có bếp ăn bán trú, do số lượng trẻ ít lại ở xa trung tâm nên gây khó khăn cho việc dồn điểm trường.
Thách thức là vậy, song cô Như cho rằng từ công tác phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi đã giúp nhà trường đúc rút được nhiều kinh nghiệm, để triển khai thành công đối với trẻ 3-4 tuổi.
“Từ việc triển khai phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi có thể thấy được tầm quan trọng của công tác phổ cập GDMN. Thông qua đó giúp nhà trường, gia đình và xã hội liên kết chặt chẽ trong việc đưa trẻ ra lớp đúng độ tuổi.
Khi triển khai công tác phổ cập, chúng tôi cũng nhận được sự đồng thuận của nhân dân, cha mẹ của trẻ. Từ đó, giúp nhà trường nắm rõ được số lượng cũng như độ tuổi của trẻ”, cô Như cho hay.
Cô và trò tại điểm trường khu Kít, Trường Mầm non Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa). |
Cũng là ngôi trường thuộc vùng núi của tỉnh Thanh, nhưng những năm qua tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi ra lớp của Trường Mầm non Mường Lý (Mường Lát, Thanh Hóa) luôn đạt 100%.
Đối với đề án Phổ cập GDMN trẻ 3-4 tuổi, cô Lê Thị Thư - Hiệu trưởng Trường Mầm non Mường Lý cho rằng, thách thức đối với giáo dục vùng khó nói chung và Mường Lý nói riêng đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học.
“Về hệ thống phòng học hiện nay của nhà trường đa số đã kiên cố, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng so với yêu cầu. Tại khu lẻ ở bản Kít hiện vẫn đang mượn phòng học của trường tiểu học. Đồ dùng, đồ chơi hiện nay cũng mới cơ bản đáp ứng nhu cầu ở khu chính, còn ở các điểm lẻ vẫn còn thiếu.
Nhà trường đã có kế hoạch đề xuất xây thêm phòng học. Đồng thời, phối kết hợp với chính quyền địa phương, nhân dân và cha mẹ của trẻ để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã hội hóa nhằm thực hiện thành công phổ cập GDMN trẻ 3-4 tuổi”, cô Thư chia sẻ.
Năm học 2022-2023, Trường Mầm non Mường Lý có tổng số 223 trẻ, với 17 nhóm lớp. Tỷ lệ trẻ là con em người đồng bào dân tộc Mông chiếm tới 80%, còn lại là dân tộc Thái, Mường và số ít con em người dân tộc Kinh.
“Trước hết đó là lợi thế trong công tác tuyên truyền tới người dân và phụ huynh học sinh về tầm quan trọng của bậc học, để cha mẹ của trẻ có thể đồng hành cùng nhà trường. Trong các buổi sinh hoạt ở các thôn, bản, Phòng GD huyện thường xuyên cử cán bộ, nhà trường xuống tận nơi để nắm bắt tình hình và trao đổi với người dân, phụ huynh học sinh...", ông Nguyễn Cơ Thạch - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Bá Thước (Thanh Hóa). |
Tác giả: Toán - Đức
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn