Món quà biển cả
Được thiên nhiên ưu đãi bờ biển dài, ngư trường rộng lớn, Hà Tĩnh nổi tiếng với những món ngon chế biến từ hải sản, khiến du khách một lần được thưởng thức sẽ nhớ mãi. Trong đó, mực nhảy (còn gọi cách khác là mực nháy) Vũng Áng được du khách "săn đón" nhất.
Loại hải sản này được bán tại khu vực nhà bè ở xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và có từ hàng chục năm nay. Theo đó, sau khi được đánh bắt (chủ yếu là câu), con mực sẽ được kéo vào bờ rồi nuôi nhốt dưới các lồng bè.
Khác với những loại mực thông thường ở các vùng biển khác, mực nhảy Vũng Áng ngon nức tiếng, bởi khách hàng được trực tiếp bắt những con mực còn đang bơi trong lồng, khi bỏ vào chậu vẫn còn bật nhảy tanh tách.
Khu vực nhà bè ở xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) |
Ông Chu Văn Hộ, chủ một bè bán mực nhảy tại khu vực Eo Bạch, thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ, món mực nhảy này có từ hàng chục năm nay, và được bán quanh năm. Trong đó, thời điểm con mực được đánh giá ngon nhất là khoảng từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch.
"Sở dĩ con mực ở đây ngon là bởi vì nó sống ở môi trường nước biển sâu và mặn. Hơn nữa sau khi đánh bắt xong, con mực được đưa về nuôi nhốt trong môi trường nước biển rất sạch. Chính vì thế mà con mực ở đây luôn tươi ngon và béo ngọt", ông Độ cho biết.
Các chủ nhà bè kinh doanh nhà hàng chuyên mực nhảy tại xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, giá mỗi kg mực nhảy dao động từ 500.000 - 700.000 đồng. Tuy nhiên, cũng có nhiều thời điểm giá lên tới 800 nghìn đồng, thậm chí gần 1 triệu đồng/kg.
Chủ các nhà hàng cho biết, món mực nhảy ở đây ngon nhất là khi vừa vớt lên từ lồng nuôi, rửa sạch để nguyên con đem luộc, hấp bia, hoặc kho gừng. Vị ngọt và béo, độ giòn của con mực còn tươi nguyên khiến mực nhảy Vũng Áng không thể lẫn với mực vùng khác.
|
Ngoài ra, mực nhảy Vũng Áng có thể làm món gỏi. Những con mực to nhất, bơi khỏe nhất được đầu bếp lựa chọn, bỏ hết các bộ phận, chỉ lấy phần thân có màu trong suốt để làm gỏi. Món gỏi mực ăn kèm với rau thơm, các loại gia vị và nước chấm đặc biệt do từng nhà hàng pha chế khiến thực khách xuýt xoa khi ăn.
Anh Lê Vũ Minh, một thực khách từ Hà Nội cho biết, món mực nháy Vũng Áng, Hà Tĩnh như một đặc sản “khó cai” không chỉ đối với anh mà với nhiều du khách khi đã về đây được thưởng thức một lần. Nhiều năm nay, cứ đến mùa mực nháy (tháng 5 âm lịch), ít nhất một lần trong năm anh cùng gia đình, bạn bè tìm vào khu nhà bè Kỳ Lợi để thưởng thức món hải sản này.
"Tôi ăn hải sản, nhất là món mực ở khá nhiều nơi, nhưng riêng món mực nhảy ở Vũng Áng thì không ở đâu có thể sánh được bởi độ tươi ngon và vị mực rất riêng. Tôi thường ăn mực hấp và gỏi, cả hai món này đều rất ngon", anh Minh tâm sự.
Ông Lê Xuân Vượng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Lợi cho biết, món mực nhảy ở vùng ven biển Kỳ Anh có truyền thống từ lâu và hiện có 18 hộ làm chuỗi nhà hàng chuyên kinh doanh loại hải sản này. Mỗi năm đón hàng ngàn lượt khách trong và nước ngoài về khu vực nhà bè này tham quan và thưởng thức món đặc sản mực nhảy ở khu vực cảng biển phía Đông-Nam thị xã Kỳ Anh này.
Ông Lê Xuân Vượng cũng cho biết, lúc đầu món mực nhảy được một số hộ dân mở hàng quán tự phát dọc vệ đường ven biển, Sau khi Khu kinh tế Vũng Áng được quy hoạch lại thì chính quyền đã dành hẳn một khu vực ở Eo Bạch để cho các hộ kinh doanh nhà hàng, phát huy tiềm năng mực nhảy Vũng Áng, tạo nên nguồn thu nhập cho người dân.
Mang mực nhảy Vũng Áng vào bờ
Theo chính quyền xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh cho biết, ngoài những hộ kinh doanh các nhà hàng tại khu vực Eo Bạch ra thì từ nhiều năm nay ngư dân làng chài Hải Phong, xã Kỳ Lợi cũng kiếm sống bằng nghề khai thác mực nhảy. Ban đầu chỉ có một vài hộ gia đình nhỏ lẻ đi câu mực đem bán kiếm sống qua ngày, đến nay khu vực Eo Bạch đã có tới hàng trăm hộ theo nghề này.
|
“Từ ngày dịch vụ mực nhảy Vũng Áng nở rộ, dân biển trong vùng nhà nhà sắm thuyền câu mực. Thu nhập từ nghề câu mực nhảy khó có nghề nào sánh bằng. Mỗi cân mực ướp đá đánh bắt xa bờ hiện có giá bán từ 70-80 ngàn đồng, trong khi mỗi cân mực nhảy (khoảng 25 con) giá bán từ 250-300 ngàn đồng. Nếu gặp hôm thời tiết đẹp, mỗi thuyền câu 2 người câu được 2,5-3kg mực nhảy, gặp buổi xấu trời cũng được vài ba chục con, mỗi con 10 ngàn, đếm mực lấy tiền” – ông Nguyễn Văn Nhân, một ngư dân làng chải Hải Phong tỏ ra thú vị kể nghề câu mực gia truyền của mình suốt nhiều năm nay.
Ngư dân hành nghề câu mực tại khu vực Vũng Áng cho biết, hiện nay mỗi gia đình trong làng chài Hải Phong và các làng lân cận đều trang bị riêng cho gia đình một chiếc thuyền có công suất 12CV đến 120CV để phục vụ cho chuyến đi câu và thu gom mực. Mùa chính vụ các gia đình đều ra biển câu mực. Mực được người dân mang về nuôi trong lồng bè, và cấp cho các nhà hàng để phục vụ cho du khách.
Ông Nguyễn Đức Giao - ngư dân ở làng chài Hải Phong chia sẻ, hiện nay, mực nhảy Vũng Áng đã tạo được thương hiệu và trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách cả nước. Nhờ đó ngư dân cũng có điều kiện để ra khơi câu mực về bán và có nguồn thu nhập nâng cao đời sống.
Về phương thức đánh bắt ông Giao cũng cho biết, phương tiện câu mực cũng rất đơn giản, các gia đình chỉ cần sắm chiếc thuyền có công suất 12CV đến 120CV, đèn chụp, chùm cần câu là đêm đêm ra biển cách bờ 5-7 hải lý buôn câu…
“Ngày trước, do nhận thức chưa cao nên nhiều ngư dân đánh bắt mực bằng những phương pháp gây nên sự hủy diệt đối với môi sinh của mực. Ngày nay, chúng tôi đã biết khuyên nhau lựa chọn phương thức đánh bắt sao cho thân thiện với môi trường nhất có thể. Chúng tôi đều sử dụng phương thức câu vào ban đêm, có sử dụng hệ thống ánh sáng điện nhưng không dùng loại bóng cao áp gây nổ mắt mực và gây sức ép đối với mực sơ sinh. Sau khi câu, chúng tôi cho mực vào khoang nước biển dự trữ trên thuyền rồi sáng mai trở về bán lại cho các nhà hàng, nhiều thì bán ra các khu chợ địa phương. Bằng phương thức ấy, sản phẩm mực khi đến tay người tiêu dùng vẫn đảm bảo được độ tươi ngon, giá cả nhờ đó mà cũng cao hơn”, ông Trần Văn Phương, một ngư dân chia sẻ.
Tác giả: Châu Anh
Nguồn tin: vietnamfinance.vn