Giáo dục

Tuyển sinh thạc sĩ giảm sút

Năm 2021, nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ, số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển rơi rụng dần

GS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM, cho biết năm 2021, trường có kế hoạch tuyển hơn 300 chỉ tiêu cho 12 ngành đào tạo thạc sĩ nhưng kết quả không đạt.

Nhiều trường chỉ tuyển được 50%

Trường ĐH Mở TP HCM có 12 chương trình đào tạo thạc sĩ (chương trình trong nước), gồm: Quản trị kinh doanh, kinh tế học, tài chính - ngân hàng, lý luận và phương pháp dạy học bộ môn tiếng Anh, kỹ thuật xây dựng, quản lý xây dựng, luật kinh tế, xã hội học, công nghệ sinh học, kế toán, khoa học máy tính, ngôn ngữ Trung Quốc. Trong 12 ngành này, một số ngành người học ít có nhu cầu như xã hội học, công nghệ sinh học nên kết quả tuyển sinh rất ít.

Thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh sau đại học tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM sáng 28-11 (Ảnh: NGUYÊN THẢO)

Trường ĐH Tài chính - Marketing (UFM) mỗi năm tổ chức 2 đợt thi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ. Năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên trường không thể tổ chức đợt thi tháng 6, chỉ còn 1 đợt thi vào tháng 12.

TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết vì không tổ chức đợt thi tháng 6 nên lượng hồ sơ thí sinh nộp vào đã rơi rụng dần. Tính đến nay, trường đã nhận được gần 200 hồ sơ trong khi có 200 chỉ tiêu cho 2 chương trình đào tạo thạc sĩ. Nếu tỉ lệ thí sinh trúng tuyển đạt 70% số dự thi thì năm nay, trường cũng chỉ tuyển được hơn 100, tức khoảng 50% chỉ tiêu.

Theo TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, chỉ tiêu mỗi năm ở trường là trên 500 thạc sĩ cho 13 chương trình đào tạo. Các năm chưa có dịch bệnh, trường tổ chức thi 2 đợt (đợt 1 vào tháng 5 hoặc 6, đợt 2 vào tháng 11) cũng tuyển được 200-300 chỉ tiêu. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh nên vừa qua, trường mới tổ chức thi đợt 1 với hơn 100 thí sinh trúng tuyển. Thời gian còn lại của năm 2021 chỉ còn hơn 1 tháng nên rất khó tổ chức tuyển sinh đợt 2.

Tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, khoảng giữa tháng 12-2021, trường mới tổ chức thi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ nhưng lượng hồ sơ hiện tại chỉ vài chục bộ.

Nguồn tuyển ít, không đều

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho biết tuyển sinh thạc sĩ những năm qua ở trường đều khó khăn do nguồn tuyển không nhiều, lại không đồng đều giữa các ngành. Chẳng hạn năm nay, trường có kế hoạch tuyển sinh đào tạo thạc sĩ 16 ngành với 400 chỉ tiêu nhưng kế hoạch tổ chức thi phải dời nhiều lần do ảnh hưởng dịch bệnh. Hiện tại, lượng hồ sơ thí sinh nộp vào cũng khá nhưng lại không đồng đều giữa các ngành. Một số ngành như kinh tế, quản lý đất đai, khoa học cây trồng, chăn nuôi thú y có nguồn tuyển tốt; các ngành còn lại không nhiều.

Theo TS Nguyễn Trung Nhân, nguồn tuyển đào tạo thạc sĩ không đều ở các khối ngành, chuyên ngành của Trường ĐH Công nghiệp TP HCM. Trong khi khối kinh tế tuyển sinh khá thuận lợi vì nguồn tuyển dồi dào thì khối kỹ thuật công nghệ chỉ tuyển được 5 - 7 học viên/lớp nhưng trường vẫn tổ chức đào tạo để cung ứng nguồn nhân lực.

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng cho biết quy chế mới về tuyển sinh thạc sĩ sẽ áp dụng từ năm 2022, trong đó quy định sinh viên tốt nghiệp ĐH loại khá, giỏi sẽ được miễn thi chuyên môn đầu vào. Hy vọng với việc áp dụng quy chế mới sẽ mở rộng thêm nguồn tuyển vì hiện nay, nhiều thí sinh vẫn ngại thi đầu vào.

Nhiều yếu tố tác động

GS-TS Nguyễn Minh Hà cho rằng do dịch Covid-19, nhiều người bị ảnh hưởng công việc lẫn thu nhập nên kế hoạch học thạc sĩ cũng phải tạm gác lại. Nhu cầu học thạc sĩ hiện nay cũng không nhiều, thường những người thiên về nghiên cứu, giảng dạy mới có nhu cầu. Nguồn tuyển ít nhưng rất nhiều trường tổ chức đào tạo thạc sĩ. Ngoài ra, trường ĐH chỉ được tổ chức đào tạo tại cơ sở chính và phân hiệu (nếu có) nên chỉ tuyển sinh được người học tại chỗ.

Tác giả: Huy Lân

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP