Giáo dục

Lại “nóng” vấn đề đổi mới thi và tuyển sinh

Một trong những “kỷ lục” chưa có tiền lệ đã xảy ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ năm 2021, đó là có nhiều ngành học lấy điểm chuẩn tăng đến 9 điểm so với năm 2020; có ngành 30 điểm vẫn không đậu.

Như vậy, trên thực tế, công tác tuyển sinh với nhiều năm thay đổi, đổi mới nhưng vẫn chưa đạt được sự kỳ vọng của xã hội. Nhiều trường hiện phải xử trí bằng việc phải tuyển bổ sung đợt 2 tuỳ theo chỉ tiêu và điều kiện từng trường.

Rớt “trên đỉnh cao”

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong đợt 1 xét tuyển ĐH năm nay, có 265 ngành có mức điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên. Nhiều nhất là khối Kỹ thuật - Công nghệ với 70 ngành, khối Sư phạm có 64 ngành, khối Kinh doanh và Quản lý (42 ngành), Xã hội và Nhân văn (32 ngành), Pháp luật (10 ngành).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ năm 2021 với nhiều ngành học lấy điểm chuẩn tăng chóng mặt so với năm 2020. Ảnh minh hoạ

Đặc biệt, có 30 ngành học có mức điểm chuẩn tăng 9-11 điểm. Các trường như ĐH Hồng Đức, Học viện Chính trị CAND, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) xuất hiện mức chuẩn từ 30 điểm trở lên. Thực trạng điểm số như vậy đã vượt khỏi dự tính của nhiều thí sinh, nhiều em bị trượt hết nguyện vọng.

Điểm chuẩn cao nhất năm 2021 thuộc về ngành Xây dựng lực lượng Công an nhân dân (CAND) của Học viện Chính trị CAND, lên tới 30, 34 điểm với nữ (khối C00). Xếp thứ 2 trong khối các trường Công an là ngành Nghiệp vụ An ninh của Học viện ANND với mức 29,99 điểm, áp dụng cho thí sinh nữ ở địa bàn 1 (10 tỉnh miền núi phía Bắc) dự thi khối A01.

Trong khi đó, ngành Công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) lấy điểm chuẩn 28,75. Còn tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh có điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin ở mức 28,25 (khối A00) và 28,75 (khối A01, D01, D90).

Đặc biệt ở nhóm ngành sư phạm, năm nay điểm chuẩn tăng đến 9 điểm so với năm 2020. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ở ngành Sư phạm toán, Sư phạm tiếng Anh điểm chuẩn lấy 28. Ngành Giáo dục chính trị cũng có điểm chuẩn tăng tới tận 9 điểm so với 2020. Ngành Giáo dục công dân cũng tăng đến 6,75 điểm.

Th.S Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh ) nhận định, nguyên nhân là các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT cũng giảm, dẫn đến điểm chuẩn phương thức này tăng cao.

Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh) thì cho rằng, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay dễ hơn, điểm thi cao hơn năm ngoái. Ngoài ra, thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH nhiều hơn 100.000 thí sinh (so với năm 2020) nên góp phần đẩy điểm chuẩn lên rất cao.

Thực tế trên khiến dẫn tới một tình huống là không ít trường năm nay phải xét tuyển bổ sung. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã quyết định xét tuyển bổ sung đợt 2 nhiều ngành đào tạo ĐH hệ chính quy dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ở đợt xét này, trường thông báo tuyển hơn 100 chỉ tiêu cho 5 ngành khối sức khỏe gồm: điều dưỡng, dinh dưỡng, kỹ thuật hình ảnh y học, khúc xạ nhãn khoa và y tế công cộng.

Để đăng ký xét tuyển, TS cần có điểm 3 môn theo tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) từ 21,35 - 24,9 điểm, tùy ngành. Thí sinh cũng cần xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên của năm học lớp 12. Riêng ngành khúc xạ nhãn khoa, điều kiện cần còn là điểm thi môn tiếng Anh đạt từ 7 điểm trở lên.

Khoa Y (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng thông báo xét tuyển bổ sung 3 ngành ĐH hệ chính quy gồm: Y khoa, Dược học và Răng - Hàm - Mặt (chương trình chất lượng cao). Ở đợt xét bổ sung, Khoa Y xét dựa vào điểm trung bình cộng 3 môn toán, hóa, sinh trong 3 năm THPT từ 8,0 trở lên và có học lực giỏi lớp 12 (hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8,0 trở lên). Đồng thời, học sinh cần có điểm trung bình cộng của điểm trung bình các môn trong 3 năm THPT từ 8,1 trở lên.

Tại trường ĐH Nguyễn Tất Thành thông báo xét tuyển bổ sung ngành y khoa, dược học, y học dự phòng, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm. Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh xét thêm 5% chỉ tiêu tất cả các ngành dựa vào học bạ. Các thí sinh cần có điểm trung bình cộng 3 năm THPT từ 8,0 trở lên. Các em có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, đạt giải thưởng học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố được ưu tiên.

Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh cũng có một thông báo xét tuyển mới (phương thức xét tuyển 7.2 theo đề án tuyển sinh của trường). Tuy nhiên được biết, trường không xét tuyển bổ sung với tất cả các thí sinh mà chỉ xét những trường hợp đã đăng ký dự thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đợt 2 và có đăng ký xét tuyển vào trường theo phương thức này.

Đợt xét tuyển này nhằm tạo điều kiện cho các thí sinh được xét tuyển vào trường trong bối cảnh đợt 2 kỳ thi đánh giá năng lực không được tổ chức do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đổi mới thi và tuyển sinh vẫn là vấn đề “nóng” và cấp thiết

Đã có ý kiến chuyên gia cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu “2 trong 1” năm nay đã tiếp tục nảy sinh nhiều bất cập. Điểm thi tốt nghiệp THPT ngày càng không thật sự phù hợp để phân loại học sinh giỏi, xuất sắc nhằm mục tiêu xét tuyển ĐH. Việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH chỉ là phương án tạm thời trong thời điểm giao thời, khi nhiều trường ĐH chưa tổ chức được kỳ thi tuyển sinh riêng.

Thế nhưng dù đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh, nhưng hầu hết trường vẫn phụ thuộc rất lớn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, bởi đây là cách tiết kiệm, hiệu quả và chưa thể thay thế. Nhưng cũng đã đến lúc phải thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT và phương thức tuyển sinh của các trường. Một trong hướng đưa ra đó là cần có sự liên kết để có kỳ thi chung, hoặc sử dụng chung kết quả của một kỳ thi được đảm bảo chất lượng…

Chia sẻ với PV Báo CAND, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 nói: “Gần một triệu thí sinh "dùi mài kinh sử" chờ ngày "ứng thí". Đã có rất nhiều "sĩ tử" ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa đạt các điểm cao gần như tuyệt đối. Đó là một niềm tự hào về học sinh của chúng ta.

Đáng ra sau những tin vui về điểm số sẽ là những bữa tiệc chung vui, san sẻ thành quả rực rỡ ấy, thế nhưng "cái kết" lại thật bất ngờ! “Danh vị” thủ khoa với những 29,5 điểm, bất ngờ là... vẫn rớt. Hy vọng thời gian tới ngành Giáo dục của chúng ta có các chiến lược phù hợp và ổn định hơn trong ra đề thi, kiểm tra đánh giá, trong thi tuyển, xét tuyển để các em có điều kiện học tập và phát triển hơn”.

Cũng theo ý kiến của TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh, nếu mơ ước không thành thì các em cũng cần bình tĩnh, suy nghĩ tích cực. Quy chế cho phép các trường tuyển sinh nhiều đợt. Các thí sinh nên cân nhắc năng lực sở trường bản thân phù hợp với ngành nghề nào, đậu để học và thỏa khát khao đam mê nghề nghiệp chứ không phải chỉ để vào ĐH.

Tác giả: Huyền Nga

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP