Thể thao

Trung Quốc trong sự ghẻ lạnh tại Olympic Rio 2016

Bất chấp việc vẫn là một trong hai cường quốc thể thao đứng đầu thế giới, những người Trung Quốc vẫn không giành được sự yêu mến từ giới hâm mộ tại Olympic Rio 2016.


VĐV Trung Quốc cầm cờ đi cổ vũ cho đồng đội ở môn đi bộ. Ảnh: H.Đ

Olympic Rio 2016 đang tạo nên nhiều hình ảnh đẹp trên khán đài khi các CĐV đến từ toàn thế giới đồng lòng dành sự cổ vũ cho những VĐV đến từ đoàn thể thao người tị nạn, những quốc gia lâm cảnh khốn khó như Venezuela và đơn giản nhất, cả những người đã phải vượt khó để hoàn thành bài thi của mình.

Có mặt nhiều ngày ở nhà thi đấu bơi lội, tôi cảm nhận một bầu không khí thật ấm áp, tràn đầy tinh thần mã thượng của sân chơi Olympic khi những VĐV bơi các nội dung đường dài về chót, chậm hơn đối thủ tới cả… 2 vòng được ủng hộ nhiệt liệt khi chạm đích nơi đây. Đó là vẻ đẹp của thể thao, nơi tôn vinh những sự nỗ lực không ngừng của mỗi con người.

Nhưng vẫn có một ngoại lệ trong sự cổ vũ dành các VĐV người Trung Quốc. Khi các VĐV đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới ăn mừng chiến thắng, gần như họ chỉ được tán thưởng bởi các CĐV nhà, còn lại chỉ là một thái độ dửng dưng trên khán đài, thậm chí là có phần ghẻ lạnh.

Việc các VĐV Trung Quốc không được ưa thích vì những tật xấu của mình vốn không phải chuyện xa lạ gì, điển hình như kình ngư Sun Yang, người vừa giành HCV nội dung 200m tự do. Ở Giải vô địch bơi lội thế giới 2015, Sun Yang đã bị các HLV của các nước Brazil, Argentina và Nam Phi chỉ trích về thói thô lỗ của mình khi anh bị tố “có hành động bạo lực với cả những VĐV nữ”. Đến Olympic 2016, kình ngư 24 tuổi này vẫn không chừa tật xấu khi quấy phá đồng nghiệp người Úc Mack Horton trong lúc tập luyện, dẫn đến một cuộc “đấu võ mồm” ồn ào giữa giới truyền thông lẫn các VĐV hai nước.

Nhưng yếu tố khiến người Trung Quốc không được ưa thích nhất là những bê bối liên quan đến việc doping. Trước thềm Olympic, các VĐV bơi Trung Quốc đã bị các đồng nghiệp tẩy chay khi không chịu tập chung hồ ở Úc (tuyển bơi lội Trung Quốc thường tập huấn tại đây). Lý do rất rõ ràng, các kình ngư Úc không muốn đứng chung hàng với những đồng nghiệp dính bê bối doping của mình. Đến Olympic này, sự kỳ thị đó lại được bới lên.

Không chỉ người Úc, một số VĐV khác cũng thể hiện sự khó chịu với Sun Yang vì bê bối doping được ém nhẹm trong quá khứ của kình ngư này. “Sun Yang, anh ấy tiểu ra thứ nước màu tím”, kình ngư người Pháp Camille Lacourt ám chỉ đối thủ sử dụng doping.


CĐV Trung Quốc trên khán đài xem cầu lông. Ảnh: H.Đ

Và làn sóng nghi ngờ càng mạnh hơn khi mới đây, kình ngư 18 tuổi Chen Xinyi bị phát hiện có mẫu thử dương tính với chất cấm tại Olympic Rio. Chen chưa có thành tích đáng kể gì ở Olympic nhưng từng giành đến 3 HCV ở Asian Games và được xem là siêu sao bơi lội mới nổi sau Ye Shiwen (cũng là một người luôn bị nghi ngờ sử dụng doping).

Troy Williamson, một phóng viên tự do người Thụy Điển nói: “Tôi luôn muốn viết về tất cả các chân dung nhà vô địch ở Olympic, những câu chuyện về sự nỗ lực vượt khó của họ. Nhưng có một số ngoại lệ như những người Trung Quốc chẳng hạn, chúng ta phải đợi một thời gian dài từ các phòng thí nghiệm doping để biết chiếc huy chương của họ có phải là trung thực hay không”.

Chỉ trích của các đồng nghiệp, nghi ngờ, mỉa mai từ giới truyền thông, VĐV Trung Quốc còn nhận luôn sự ghẻ lạnh của các CĐV. Nếu điều này là không lạ với những CĐV đến từ Mỹ, Úc… thì ngay cả những người dân địa phương Brazil vốn “trung lập” cũng thể hiện thái độ tương tự. Gilberto, một CĐV đến xem bơi lội nói: “Tôi không thích Sun Yang, tôi không rõ về vụ doping nhưng anh ta đánh phụ nữ và đó là một sự sỉ nhục”.

Trong những ngày đầu của Olympic, các CĐV Trung Quốc luôn là một lực lượng rất đông đảo và cuồng nhiệt. Nhưng sự ồn ào quá mức, cách cư xử thiếu văn minh nơi công cộng của họ đã khiến nhiều CĐV bực mình. “Khi tôi đến sân cầu lông, các CĐV Trung Quốc lấn sang chỗ ngồi của chúng tôi mà không có nổi một tiếng “làm ơn”. Đến khu đi bộ, những lá cờ của họ cũng quá to, kềnh càng và làm vướng víu mọi người, họ chẳng cần đếm xỉa gì đến ai. Đi đâu họ cũng ồn ào và chen lấn”, ông Neto – một CĐV địa phương bực tức nói khi bị một nhóm VĐV Trung Quốc đến cổ vũ cho đồng đội chen lấn trong khu vực CĐV.

Càng về sau, sự lạnh nhạt với những CĐV Trung Quốc càng rõ nét trên các khán đài, đa phần khán giả Trung Quốc ngồi biệt lập so với mọi người trong khi những lá cờ Nhật, Mỹ và cả Argentina được trộn lẫn, hòa cùng nhau trong khu vực của những người Brazil.

Tác giả bài viết: Huy Đăng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP