Trong tỉnh

Triển khai mô hình giáo dục pháp luật, kỹ năng sống không nên 'quá cứng'

Triển khai mô hình giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong trường học trên địa bàn là yêu cầu cấp thiết, nhiệm vụ thường xuyên.

Công an tỉnh Nghệ An cùng Sở GD&ĐT ký kết phối hợp xây dựng, triển khai mô hình giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong trường học trên địa bàn. Ảnh: Hồ Lài


Sáng 12/3, Công an tỉnh Nghệ An cùng Sở GD&ĐT ký kết phối hợp xây dựng, triển khai mô hình giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong trường học trên địa bàn.

Thiếu tướng Bùi Quang Thanh – Giám đốc Công an tỉnh và ông Thái Văn Thành Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đồng chủ trì lễ ký kết.

Dự lễ ký kết về phía đại diện Bộ GD&ĐT có ông Nguyễn Xuân An Việt – Phó Vụ trưởng Vụ Công tác chính trị HSSV. Về phía tỉnh Nghệ An bên cạnh đại diện 2 ngành công an, giáo dục còn có lãnh đạo Tỉnh đoàn, các sở, ban, ngành liên quan; đại biểu đến từ các huyện, thành, thị trong tỉnh.

Yêu cầu cấp thiết

Nghệ An hiện có hơn 1.500 đơn vị trường học từ cấp mầm non đến THPT, với hơn 870 nghìn học sinh. Những năm qua, công tác phối hợp giữa Công an tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo luôn được lãnh đạo 2 ngành đặc biệt quan tâm, xây dựng, duy trì hiệu quả.

Minh chứng rõ nét là đông đảo cán bộ, giáo viên và học sinh chấp hành nghiêm luật pháp, an ninh trường học luôn được bảo đảm ổn định. Không có các vụ việc phức tạp, gây ảnh hưởng lớn, dư luận xấu, nhiều mái trường đã trở thành hình mẫu, điển hình trong học tập, văn minh, an toàn, thân thiện, hạnh phúc.

Lễ ký kết với sự tham gia của 2 ngành công an, giáo dục cùng các ban ngành liên quan, lãnh đạo các huyện, thành, thị tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài

Phát biểu khai mạc lễ ký kết, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nhận định, cả nước nói chung và địa bàn tỉnh nói riêng còn xảy ra một số vụ việc mất an ninh, trật tự, liên quan đến ma túy, tín dụng đen, bạo lực học đường… Thực tiễn đó tác động không nhỏ đến các nhà trường cũng như công tác dạy và học trên địa bàn tỉnh.

Từ thực tiễn và yêu cầu đó, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An thống nhất chỉ đạo, tổ chức xây dựng mô hình “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong các trường học trên địa bàn tỉnh”. Mô hình triển khai đồng loạt tại 4 cấp học (Mần non, Tiểu học, THCS và THPT) tại các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An phát biểu tại lễ ký kết. Ảnh: Hồ Lài

Mục tiêu của mô hình nhằm chủ động động phòng ngừa và nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật trong học sinh, có kỹ năng sống tốt hướng đến xây dựng nhân cách, ý thức công dân trong thời đại mới.

Xây dựng môi trường an ninh, an toàn trong trường học, trong đó nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh. Nhất là pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, phòng cháy chữa cháy, kỹ năng sử dụng mạng an toàn, xây dựng văn hóa ứng xử đúng mực trên không gian mạng.

Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật từ sớm, từ xa. Hạn chế tối đa các nguyên nhân, điều kiện, thiệt hại do vi phạm pháp luật liên quan đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường.

Rèn luyện kỹ năng sống giúp nhằm xử lý, ứng phó với các tình huống nguy hiểm, các mối đe dọa từ các loại tội pháp và vi phạm pháp luật gây ra.

Giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) Nghệ An ký cam kết tại buổi ra mắt mô hình điểm giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống. Ảnh: Hồ Lài

Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng nhấn mạnh, song song với dạy học, công tác giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống cho cán bộ, công nhân viên, học sinh là yêu cầu hết sức cấp thiết, trở thành nội dung học tập, rèn luyện thường xuyên. Từ chủ trương mục tiêu trên, lãnh đạo hai ngành đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tổ chức rà soát, khảo sát, đánh giá thực tiễn, thảo luận và đi đến thống nhất rất cao về chủ trương, nội dung, quy trình, cách thức, phương pháp xây dựng, tổ chức thực hiện mô hình.

Triển khai quyết liệt để có hiệu quả thực chất

Mô hình “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong các trường học” trên địa bàn sẽ được ngành công an và giáo dục phối hợp thực hiện với nhiều giải pháp.

Cụ thể như xây dựng các mô hình cấp tỉnh, cấp huyện với sự tham gia của các nhà trường. Ngành công an chủ trì xây dựng Cẩm nang cầm tay với các chuyên đề pháp luật; xây dựng các video, phần mềm ứng dụng tuyên truyền phổ biến pháp luật; tổ chức học kỳ công an, các phiên tòa giả định xét xử vụ án liên quan đến học sinh, thanh thiếu niên…

Thiếu tướng Bùi Quang Thanh - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An tin rằng, với sự phối hợp của 2 ngành, mô hình sẽ triển khai quyết liệt, đem lại hiệu quả thực chất. Ảnh: Hồ Lài

Ngành giáo dục xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa; bộ tiêu chí đảm bảo trường học an toàn; bộ tiêu chí thi đua khen thưởng phê bình gắn với trách nhiệm của giáo viên nhà trường khi có học sinh vi phạm. Đồng thời triển khai các chương trình, cuộc thi tìm hiểu pháp luật, ký cam kết thực hiện mô hình ở các trường học…

Tại lễ ký kết, các đại biểu cũng trình bày nhiều tham luận, ý kiến về giải pháp để triển khai mô hình có hiệu quả, thực chất trong thực tế. Trưởng phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh Nghệ An nhấn mạnh đến vai trò phối các nhà trường trong tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông, đặc biệt là trong học sinh.

Lễ ra mắt mô hình điểm cấp tỉnh "Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng", thành phố Vinh, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài

Đại diện ngành giáo dục thành phố Vinh chia sẻ giải pháp linh hoạt sáng tạo trong giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh như mô hình ngày học pháp luật, tiết học pháp luật, nhóm zalo tuyên truyền pháp luật… phù hợp với từng cấp học, trường học. Tổ chức các CLB hoạt động ngoại khóa nâng cao kỹ năng sống cho học sinh.

Ông Lô Thanh Nhất – Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương lại nêu thực tế tại địa bàn vùng núi cao, việc giải quyết việc làm cho lao động địa phương rất khó khăn, nên người Tương Dương đi làm ăn xa rất nhiều. Trẻ được giao lại cho ông bà hoặc lớn chăm bé. Khi đi học, phần lớn các em dân tộc thiểu số ở bán trú hoặc nội trú trong trường. “Chúng tôi nhận thấy giáo dục pháp luật và kỹ năng sống do công an chủ trì cùng với ngành giáo dục là rất thiết thực. Nhiều vấn đề an ninh lương thực, tôn giáo, tệ nạn xã hội, ma túy, nguy cơ buôn bán người… được địa phương đặt lên hàng đầu. Nếu giáo dục cho học sinh một cách bài bản từ nhỏ sẽ nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho các em”, ông Lô Thanh Nhất nói.

Học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng ký cam kết chấp hành pháp luật. Ảnh: Hồ Lài

Nhiều đại biểu cùng chung ý kiến quá trình triển khai không nên quá cứng mà lồng ghép các hoạt động phù hợp với tâm sinh lý học sinh từ mầm non đến phổ thông. Đồng thời nên gắn với thi đua, khen thưởng đơn vị làm tốt, tăng cường truyền thông để mô hình lan tỏa hơn nữa.

Phát biểu bế mạc lễ ký kết, thiếu tướng Bùi Quang Thanh – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, mô hình đã được 2 ngành nghiên cứu, xây dựng khoa học, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, vừa mang tính phổ quát, vừa mang tính thực tiễn. Qua đó nhằm xây dựng kỹ năng, nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong trường học. Đặc biệt trang bị kiến thức, tạo sức “đề kháng” cho học sinh khi đối diện và xử lý các vấn đề trong xã hội đúng quy định pháp luật. Lãnh đạo 2 ngành tin tưởng mô hình này sẽ lan tỏa, trở thành phong trào thi đua giữa các nhà trường, học sinh trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới, xây một thế hệ tương lai.

Lãnh đạo ngành giáo dục và ngành công an Nghệ An tặng quà cho Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Hồ Lài

Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cũng đề nghị xây dựng, nâng cao mô hình thành đề án để huy động các ngành trong hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Phối hợp thực hiện hiện thật và triển khai quyết liệt, hiệu quả thực chất. Bên cạnh đó có tổ chức sơ kết, tổng kết qua từng giai đoạn nhằm đánh giá việc thực hiện mô hình, khen thưởng khen thưởng các đơn vị làm tốt.

Sau lễ ký kết, các đại biểu cùng đến dự hội nghị ra mắt mô hình điểm giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An). Ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng lãnh đạo các cơ quan TP Vinh tham dự lễ ra mắt cùng hàng nghìn giáo viên, học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và các trường học trên địa bàn.

Tại buổi ra mắt, giáo viên, học sinh nhà trường đã ký cam kết thực hiện các nội dung của mô hình. Lãnh đạo ngành giáo dục và công an cũng tặng quà là bình chữa cháy; “Cẩm nang cầm tay” – với nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; mũ bảo hiểm… cho nhà trường, học sinh.

Mô hình tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng là mô hình điểm cấp tỉnh, cùng với đó sẽ xây dựng mô hình cấp huyện ở 100% trường THPT, mô hình cấp xã ở các trường mầm non, tiểu học, THCS.

Tác giả: Hồ Lài

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP