Giáo dục

Trường mầm non phải xem lại dạy kỹ năng sống cho trẻ đã phù hợp chưa

Lãnh đạo phòng giáo dục mầm non Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM lưu ý với lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo, giáo viên mầm non các quận, huyện, TP Thủ Đức trong hội nghị sáng 4-1.

Trẻ mầm non tại TP.HCM trong giờ chơi tự do - Ảnh: MỸ DUNG

Tại buổi bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ quản lý và giáo viên mầm non với chủ đề "Hướng dẫn tổ chức các hoạt động giáo dục dinh dưỡng, sức khỏe và bảo đảm an toàn cho trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non" sáng 4-1, bà Lương Thị Hồng Điệp - trưởng phòng giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - lưu ý rằng trong bối cảnh hiện nay, giáo viên mầm non cần tự có ý thức bảo vệ mình.

Theo đó, trong công tác đón, trả trẻ, giáo viên cần xem trẻ có vết gì trên cơ thể khi cha mẹ giao đến và trước khi trả trẻ cho cha mẹ.

Điều này nhằm vừa bảo vệ trẻ, để giáo viên có sự quan tâm, sâu sát hơn nữa đối với mỗi trẻ, vừa có thể giúp giáo viên đỡ gặp những phiền toái trong trường hợp những tổn thương trên cơ thể trẻ không phải do giáo viên, nhà trường gây ra.

"Việc triển khai những phương pháp giáo dục, chăm sóc trẻ đều cần xuất phát từ tình yêu thương đối với trẻ", bà Điệp nhấn mạnh.

Trước thực tế các trường hiện vẫn gặp khó khăn trong thực hiện nhiều nội dung giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện triển khai cách thức thực hiện đến tận các giáo viên.

Theo đó, để thực hiện việc dạy kỹ năng tốt, các trường cần bám sát mục tiêu chương trình giáo dục mầm non rồi lựa chọn phương pháp, nội dung cho phù hợp.

Những nội dung nào diễn ra thường ngày trong các nội dung học tập của trẻ thì trường không tổ chức hoạt động kỹ năng sống nữa. Những nội dung nào ít gặp trong những giờ học thường xuyên thì tổ chức hoạt động học riêng. Ví dụ, hoạt động phòng cháy chữa cháy có thể tổ chức thành hoạt động riêng.

Các trường phải xem lại chương trình dạy kỹ năng sống cho trẻ có phù hợp hay không. Nếu mời trung tâm tham gia dạy kỹ năng sống cho trẻ, cần xem xét kỹ nội dung dạy và hiệu trưởng là người phải chịu trách nhiệm về các nội dung, chương trình kỹ năng được chọn. Những trung tâm kỹ năng sống có giấy phép thành lập và có giấy phép hoạt động.

"Khi tổ chức dạy kỹ năng sống, phải dạy những kỹ năng phù hợp với lứa tuổi của bé. Cần dạy những kỹ năng cần thiết, thân thuộc và trước mắt như kỹ năng an toàn…", bà Lương Thị Hồng Điệp lưu ý.

Tác giả: MỸ DUNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP