Lê Văn Phúc năm nay 25 tuổi, quê ở Yên Định, Thanh Hóa. Tốt nghiệp kỹ sư Công nghệ kỹ thuật xây dựng Đường sắt – Metro của Trường ĐH Giao thông Vận tải nhưng không tìm được công việc như ý, Phúc quyết định tới Công ty Cổ phần Đào tạo Công nghệ Việt Nhật VJTech - nơi hứa hẹn đào tạo và đưa người sang Nhật làm việc, để tìm kiếm cơ hội xuất ngoại.
Phúc cho biết, vào cuối năm 2015, khi tới Công ty VJTech, Phúc được tư vấn đăng ký khóa học tiếng Nhật 6 tháng. Trong quá trình học, công ty sẽ giới thiệu các cơ hội phỏng vấn xin việc làm tại các công ty của Nhật cho Phúc. Khoản tiền 1.000 USD (khoảng hơn 20 triệu đồng) Phúc đóng khi đăng ký học sẽ trở thành phí tư vấn khi Phúc xin được việc.
Tới khoảng tháng 3/2016, Phúc lại được công ty tư vấn đăng ký tham gia Chương trình "Đào tạo tiếng Nhật nâng cao 3 tháng cho kỹ sư, kỹ thuật viên". Công ty cam kết, trong thời gian học viên học tập và thực hành tại Nhật Bản sẽ được chu cấp toàn bộ chi phí ăn ở và giới thiệu các cơ hội phỏng vấn xin việc. Đổi lại, Phúc phải đóng khoản tiền cọc là 5.500 USD (khoảng hơn 100 triệu đồng) với lời hứa hẹn, sẽ được trả lại nếu trong 3 tháng "học" tại Nhật không xin được việc làm.
Trước khi sang Nhật để được "đào tạo nâng cao tiếng Nhật", Phúc lại được công ty VJTech yêu cầu ký một bản hợp đồng với Công ty cổ phần HUMAN CREATE Nhật Bản, được cho là đối tác của VJTech tại Nhật với mức lương 210.000 Yên (khoảng hơn 40 triệu đồng). Trong cam kết mà công ty ký với Phúc cũng khẳng định, mức lương của công việc mà công ty này giới thiệu cho Phúc sẽ không thấp hơn mức lương ký với HUMAN CREATE.
Tuy nhiên, sau khi sang Nhật Bản, Phúc không những không được "đào tạo nâng cao" mà còn bị đưa vào khách sạn làm công việc tạp vụ, từ dọn dẹp phòng, cọ rửa nhà vệ sinh cho tới rửa chén bát và phụ bếp từ sáng cho tới tối. "Hàng ngày, chúng em phải làm việc tới 11-12 tiếng đồng hồ nhưng hoàn toàn không được trả một đồng lương nào như trong hợp đồng" - Phúc nói.
Phúc cho biết, sau khi xảy ra tình trạng nêu trên đã nhiều lần gọi điện cho lãnh đạo Công ty VJTech để yêu cầu công ty mở lớp đào tạo, giới thiệu các cơ hội phỏng vấn xin việc đồng thời trả tiền lương cho công việc hiện tại đang phải làm tuy nhiên không được công ty đáp ứng.
Kết thúc 3 tháng "đào tạo nâng cao" tại Nhật Bản mà không , ngày 16/9, Phúc trở về Việt Nam. Theo cam kết ký trước đó, Phúc tới Công ty VJTech để đòi lại số tiền 5.500 USD đã "đặt cọc" để tham dự chương trình đào tạo tiếng Nhật nâng cao tại Nhật Bản.
"Theo cam kết ký với ông Bùi Trọng Hưởng, Giám đốc Công ty VJTech, công ty sẽ trả lại khoản tiền đặt cọc của em sau 15 ngày kể từ ngày tôi trở về Việt Nam. Tuy nhiên, cho tới nay, sau rất nhiều lần tới công ty, ông Hưởng và lãnh đạo công ty vẫn tìm cách lần lữa không trả".
Xác nhận lời kể của Lê Văn Phúc, Nguyễn Cao Đồng, quê ở tỉnh Thái Bình, tốt nghiệp ngành Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cũng cho biết đã phải đóng 5.000 USD để tham gia chương trình đào tạo tiếng Nhật nâng cao tại Nhật Bản trong vòng 3 tháng của VJTech và là người cùng làm việc với Phúc tại một khách sạn tại Nhật Bản.
Phúc và Đồng cũng cho biết, không chỉ có riêng 2 bạn mà có tới hơn 20 học viên khác cũng đóng tiền để tham dự chương trình "đào tạo nâng cao tiếng Nhật" và không được Công ty VJTech trả lại tiền. Nhóm hơn 20 bạn này đã tập hợp nhau, nhiều lần tới công ty để đòi khoản tiền đặt cọc suốt 2 tháng nay nhưng không thành công. Vì vậy, Phúc và các bạn đã quyết định viết đơn gửi tới báo chí và các cơ quan chức năng.
Công ty đã ngừng hoạt động
Theo phản ánh của Phúc và nhóm học viên, sáng 1/12, phóng viên tìm tới địa chỉ của Công ty Cổ phần Đào tạo Công nghệ Việt Nhật tại tầng 4, Tòa nhà VAPA, số 4B Tôn Thất Thuyết, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội. Tuy nhiên, địa điểm này đã được chuyển đổi thành văn phòng của một công ty khác. Website của công ty cũng trong tình trạng không truy cập được.
Hỏi thăm nhân viên tại đây, chúng tôi mới được biết, Công ty Cổ phần VJTech không thanh toán tiền thuê văn phòng nên đã bị ban quản lý tòa nhà lấy lại văn phòng. Tuy nhiên, tại phòng hành chính của công ty mới vẫn còn một chiếc bàn làm việc của ông Bùi Trọng Hưởng, Giám đốc Công ty VJTech.
Theo lời kể của nhân viên này thì công ty có yêu cầu giữ nguyên chiếc bàn của ông Hưởng. Tuy nhiên, ông Hưởng rất ít khi lên ngồi và thời gian gần đây thì không hề thấy xuất hiện. Trước đó, chúng tôi có liên hệ với ông Hưởng để làm việc nhưng ông Hưởng không bắt máy.
Lê Văn Phúc cho biết, sau khi mình và nhóm bạn nhiều lần tới công ty để đòi quyền lợi, ông Hưởng có viết một bản cam kết sẽ giải quyết tiền đặt cọc của nhóm hơn 20 học viên tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật nâng cao vào ngày 1/12.
Tuy nhiên, sau rất nhiều lần gọi điện, nhắn tin, ông Hưởng vẫn không chịu xuất hiện. Ngược lại, trao đổi trên điện thoại, ông Hưởng còn yêu cầu nhóm học viện phải triệu tập được các thành viên hội đồng quản trị của công ty thì mới tới làm việc.
Theo chỉ dẫn của nhóm học viên tới công ty để đòi tiền đặt cọc, phóng viên gặp được ông Nguyễn Văn Hùng, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần VJTech hiện đang làm việc tại một công ty du học tại cùng tòa nhà.
Ông Hùng cho biết, theo ông được biết, thì tới 31/10 vừa qua, Công ty VJTech đã dừng tất cả các giao dịch. Còn với các trường hợp của học viên còn nợ tiền đặt cọc như Phúc và Đồng thì hội đồng cổ đông đang đợi báo cáo tài chính công ty gửi lên để chốt lại mới có thể giải quyết được.
"Hiện tại chúng tôi vẫn chưa có báo cáo tài chính của công ty. Trong các báo cáo trước đó, nhiều khoản ông Hưởng trình lên không có hóa đơn chứng từ nên hội đồng cổ đông không thông qua được" - ông Hùng cho hay.
Tìm kiếm thêm về công ty VJTech, chúng tôi khá bất ngờ khi phát hiện mặc dù tên chính thức là Công ty Cổ phần Đào tạo Công nghệ Việt Nhật, song trên website, fanpage Facebook, công ty lại có danh xưng: Học viện Công nghệ Việt Nhật (VJTech Academy) với khẩu hiệu rất hút khách: "Học là có việc làm".
Chưa hết, vào khoảng tháng 8/2015, Công ty VJTech còn được giới thiệu khá hoành tráng trên một chương trình truyền hình của Hà Nội với dự án 1.200 kỹ sư công nghệ sang Nhật làm việc. Theo đó, ngoài sinh viên đã tốt nghiệp, VJTech còn đào tạo cả học sinh tốt nghiệp THPT để đưa sang Nhật làm việc.
Tuy nhiên, với tình trạng của Công ty VJTech hiện tại, Phúc, Đồng và những người cùng chung cảnh ngộ có lẽ sẽ khó đòi lại khoản tiền đặt cọc vốn không nhỏ với họ và gia đình. Trao đổi với phóng viên, Phúc tỏ ra hối hận khi đã vội vã tin vào những lời quảng cáo "trên trời" của VJTech.
"Giờ em và các bạn chỉ mong rút được hồ sơ và nhận lại tiền đặt cọc để ổn định công việc và cuộc sống" - Phúc cay đắng nói.
Tác giả bài viết: Lê Văn
Nguồn tin: