Trong tháng, có 60 TTHC nội bộ đã công bố; 11 TTHC nội bộ đã được phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ. HĐND, UBND tỉnh không ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC.
Cùng với đó, hoàn thành việc xây dựng, kết nối, tích hợp kho dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; hoàn thành việc kết nối giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tỉnh để phục vụ việc chia sẻ kết quả, hồ sơ giải quyết TTHC.
Về tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định và hành vi hành chính, có 07 phản ánh, kiến nghị đã được tiếp nhận và xử lý đúng hạn; không có phản ánh, kiến nghị đã xử lý quá hạn, không có phản ánh, kiến nghị đang xử lý.
Tuy nhiên, việc tiếp nhận TTHC hiện nay được thực hiện trên nhiều Hệ thống thông tin giải quyết và cơ sở dữ liệu khác nhau; việc chia sẻ thông tin mới thực hiện được ở mức độ tra cứu, dẫn đến việc thống kê, theo dõi, giám sát của địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Hồ sơ tiếp nhận trực tuyến còn thấp, mới chủ yếu thuộc các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, lĩnh vực Hộ tịch cấp xã.
Việc đánh giá theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đánh giá chi tiết từng Sở, ngành cấp tỉnh và từng đơn vị cấp huyện, cấp xã dẫn đến việc công khai định kỳ hàng tháng trên Cổng Thông tin điện tử và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh về danh sách cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức người lao động giải quyết hồ sơ chậm muộn, nhũng nhiễu, tiêu cực còn chưa chính xác. Vì thế, UBND tỉnh đã giao Văn phòng UBND tỉnh và các Sở, ngành liên quan theo dõi, phân tích các chỉ số của địa phương để tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh đôn đốc, phê bình kịp thời đối với các Sở, ngành, địa phương thực hiện chưa đúng việc tiếp nhận hồ sơ TTHC, có hồ sơ chậm hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.
Trong tháng 2, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các nhiệm vụ thường xuyên trong công tác cải cách TTHC theo yêu cầu của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy; tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan để kết nối, đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống. Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác làm sạch dữ liệu, cập nhật, khai thác, sử dụng dữ liệu của các hệ thống; tiếp tục thực hiện đơn giản hoá TTHC, TTHC nội bộ theo kế hoạch đề ra; thực hiện tổng hợp, đánh giá kết quả các Chương trình, Kế hoạch, Đề án.
Hiện số hồ sơ lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm (đất đai) trên địa bàn tỉnh rất nhiều, trung bình mỗi năm Văn phòng Đăng ký đất đai, các Chi nhánh của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh phải giải quyết khoảng hơn 100.000 hồ sơ (năm 2023, số hồ sơ giải quyết là 105.872). Theo công bố tại Quyết định số 2546/QĐ-BTP ngày 26/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc công bố TTHC mới ban hành, TTHC bị bãi bỏ trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, thời hạn giải quyết của hồ sơ TTHC lĩnh vực này phải giải quyết trong ngày làm việc (không phải trường hợp phải kéo dài). Tuy nhiên, trong số đó, nhiều hồ sơ tiếp nhận trong khoảng thời gian từ 13h30 đến trước 15h hàng ngày thì phải trả trước 17h cùng ngày, với lượng hồ sơ rất nhiều và thời gian giải quyết ít, khó đảm bảo đúng theo thời gian quy định. Do đó, UBND tỉnh kiến nghị Bộ TN&MT quy định chặt chẽ và đảm bảo tính khả thi hơn về thời gian giải quyết (thay thời hạn giải quyết ngay trong ngày làm việc bằng thời hạn giải quyết là 1 ngày làm việc). Đồng thời, trong trường hợp chưa sửa đổi được văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi thời hạn giải quyết tại Quyết định số 2546/QĐ-BTP, đề nghị Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, chấp nhận đối với kết quả các hồ sơ này sẽ trả vào thời gian của ngày làm việc tiếp theo để đảm bảo việc đánh giá được chính xác.
Tác giả: Kim Oanh (tổng hợp)
Nguồn tin: nghean.gov.vn