Trong tỉnh

Tiến hành tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc công tác PCCC

Sáng 12/9, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới cấp huyện. Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Trong 5 năm (từ 2017 - 2021), toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Thời gian qua, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, khó lường, tần suất ngày càng cao, nhất là các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh… và đặc biệt là tại các cơ sở kinh doanh karaoke. Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (mới đây nhất là vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày 01/8/2022 làm 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC hy sinh; vụ cháy kho xưởng khiến 3 mẹ con tử vong ở Thanh Oai, Hà Nội ngày 10/9/2022; vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương ngày 06/9/2022 làm 32 người chết …).

Những vụ việc nghiêm trọng, thương tâm trên là cảnh báo và cho thấy tình hình là khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ, tư duy, cách tiếp cận mới cho công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn, để bảo đảm an toàn tài sản và nhất là tính mạng con người; đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, chỉ đạo điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan cấp phép, kiểm tra và các cá nhân liên quan, bảo đảm tính khách quan.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn và đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Phòng cháy, chữa cháy và công tác cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) là nhiệm vụ rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay bởi: Kinh tế, xã hội nước ta đang trong quá trình phát triển, công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ; cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nhà và công trình cao tầng ngày càng nhiều; hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh gia tăng; nhu cầu sử dụng năng lượng, hóa chất lớn, dẫn tới nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn về cháy, nổ, sự cố, tai nạn… Trong khi đó, nhận thức, hành vi, thói quen về PCCC và CNCH của mọi người còn có những lúc, những nơi hạn chế; kỹ năng xử lý, ứng phó khi có sự cố là chưa cao; việc thực thi quy định pháp luật và hoạt động quản lý nhà nước về PCCC và CNCH còn hạn chế, bất cập.

Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Công an cho biết, trong 5 năm (từ 2017 - 2021), toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy (gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng). Thiệt hại do cháy gây ra làm chết 433 người, bị thương 790 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 7.043 tỷ đồng và 7.548 ha rừng. Ngoài ra, xảy ra 2.769 vụ sự cố nhỏ liên quan đến cháy (không thuộc diện phải thống kê như chạm chập thiết bị điện trên cột điện, cháy cỏ, rác do nắng nóng...). Tình hình nổ: Xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, bị thương 190 người, thiệt hại về tài sản 1,14 tỷ đồng.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 1.136 vụ cháy, làm 57 người chết, bị thương 52 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 532 tỷ đồng và 39 ha rừng; ngoài ra xảy ra 2.376 vụ sự cố nhỏ liên quan đến cháy. Toàn quốc cũng xảy ra 10 vụ nổ, làm 07 người chết, bị thương 11 người.

Địa bàn xảy ra các vụ cháy chủ yếu ở thành thị, chiếm khoảng trên 60%. Cháy và thiệt hại do cháy gây ra tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, kết hợp với sản xuất kinh doanh (chiếm trên 40% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (chiếm khoảng 30% tổng số vụ cháy), trong đó đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người.

Sau 05 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ, hệ thống quy phạm pháp luật về (PCCC và CNCH) được hoàn thiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về PCCC và CNCH được quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ từ cấp ủy, chính quyền đến cơ sở. Qua đó, đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đối với công tác PCCC và CNCH; đồng thời giúp người dân hiểu rõ trách nhiệm, quy định của pháp luật, nắm vững kiến thức PCCC và CNCH… Công tác thẩm duyệt, nghiệm thu, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn PCCC và CNCH toàn quốc được tăng cường. Các điều kiện cho hoạt động PCCC và CNCH được đảm bảo…

Tại hội nghị, các đại biểu đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc nghiêm túc, thẳng thắn, tập trung đánh giá những kết quả đạt được, đặc biệt là những việc chưa làm được, những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân (khách quan, chủ quan), rút ra những bài học kinh nghiệm. Trong đó tập trung vào các vấn đề như: Hoàn thiện chính sách, pháp luật; khâu tổ chức thực hiện và công tác quản lý nhà nước; nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH; hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm; tăng cường năng lực PCCC và CNCH (nhất là về con người, công nghệ, trang thiết bị…) và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan. ..

Giai đoạn 2017 -2022, Nghệ An xảy 568 vụ tai nạn, sự cố

Tại Nghệ An, từ tháng 8/2017 đến tháng 4/2022 trên địa bàn tỉnh xảy ra 568 vụ tai nạn, sự cố. Cụ thể: Sự cố, tai nạn cháy 403 vụ; sự cố, tai nạn nổ 02 vụ; sự cố, tai nạn sập, đổ nhà, công trình, thiết bị, máy móc, cây cối 6 vụ; tai nạn đuối nước tại sống, suối, thác nước, hồ ao, bãi biển 107 vụ… Làm 141 người chết (trong đó có 10 người chết trong sự cố cháy, nổ; 131 người chết trong các vụ đuối nước, tai nạn sập nhà, đổ công trình…). Lực lượng PCCC và CNCH Công an tỉnh đã huy động hơn 2.237 lượt xe chữa cháy, 126 lượt xe cứu nạn, cứu hộ cùng 16.904 lượt cán bộ, chiến sĩ để tổ chức công tác CNCH kịp thời đối với các vụ sự cố, tai nạn.

Tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn cứu hộ của lực lượng PCCC; Thông tư số 08/2018/TT-BCA ngày 05/3/2018 của Bộ Công an quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ và nhiều văn bản chỉ đạo của Bộ Công an trên địa bàn tỉnh, qua đó đã tạo được sự chuyển biến tích cực về công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH). Hiệu quả quản lý Nhà nước, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công nhân viên và Nhân dân tham gia CNCH; công tác kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định về CNCH, cũng như củng cố, xây dựng lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng, xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, CNCH được nâng lên.

PCCC và CNCH là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác PCCC và CNCH là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự xã hội, bảo vệ sức khỏe, tài sản, tính mạng của người dân. Kinh nghiệm thế giới cho thấy khi kinh tế xã hội ngày càng phát triển thì công tác PCCC và CNCH lại càng được đề cao và quan tâm đầu tư nhằm đảm bảo các điều kiện để phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững, tránh những hậu quả nghiêm trọng xảy ra.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá, dưới sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự lãnh đạo của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của các lực lượng chức năng thì công tác PCCC và CNCH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên trên địa bàn cả nước vẫn còn xảy ra nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản; ý thức PCCC và CNCH ở một số nơi còn chưa tốt, vẫn còn tư tưởng chủ quan, lơ là. Hạ tầng PCCC chưa được đầu tư đúng tầm, còn quá ít so với nhu cầu. Công tác quy hoạch chưa coi trọng công tác PCCC, nhất là các khu vực đông dân cư, nhà cao tầng, quán bar, quán karaoke… Thủ tướng Chính phủ phê bình hiện nay một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa xây dựng Kế hoạch PCCC và CNCH.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, tình hình cháy nổ, CNCH nghiêm trọng nhất là các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu đông dân cư, vũ trường, quán karaoke… đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả của các cấp ủy, chính quyền, của các lực lượng chức năng và đề cao ý thức của người dân là hết sức quan trọng. Người dân phải là trung tâm, chủ thể trong công tác PCCC và CNCH.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ một cách có hiệu quả. Các bộ, các ngành, các địa phương chưa xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị định số 83 thì khẩn trương xây dựng. Tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCCC và CNCH. Rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình về PCCC và CNCH phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tiến hành rà soát, kiểm tra các địa điểm, khu vực dễ xảy ra cháy nổ; xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về PCCC. Tăng cường tuyên truyền pháp luật về PCCC và CNCH, nhất là kỹ năng trong phòng chống cháy nổ; đề cao ý thức và vai trò của người dân trong việc tự bảo vệ chính mình, tự bảo vệ cho gia đình, góp phần bảo vệ cho cộng đồng, xã hội. Siết chặt kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC và CNCH.

Thủ tướng giao Bộ Công an kết hợp với các địa phương tiến hành tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc công tác PCCC, nhất là các cơ sở tập trung đông người, các cơ sở tiềm ẩn nhiều rủi ro về cháy nổ như các khu chung cư, khu công nghiệp, chợ, nhà kho, quán karaoke, vũ trường, quán bar…. Xử phạt nghiêm mình và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở đi vào hoạt động không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH. Thực hiện việc kiểm tra, thanh tra một cách nghiêm ngặt, nghiêm minh, không để lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, chống tiêu cực tham nhũng.

Kiện toàn lực lượng tại chỗ làm công tác CNCH tại các khu dân cư, cơ sở; tăng cường công tác tập huấn, xây dựng các phương án để đáp ứng tình hình khi có tình huống thật xảy ra. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có các mô hình xuất sắc. Xây dựng cơ chế hiệp đồng giữa các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH. Các bộ, ngành, địa phương quan tâm bố trí kinh phí đầu tư cơ sở vật chất hậu cần cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho công tác PCCC và CNCH…

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP