Trong tỉnh

Thủy điện Hủa Na kinh doanh lao dốc trước thềm chuyển sàn HoSE

Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na có thể gặp khó khăn khi chào sàn HoSE trong bối cảnh tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi bên ngoài tương đối thấp và thiếu dự án mới để bổ sung vào câu chuyện tăng trưởng dài hạn.

Dự án Thủy điện Hủa Na thuộc địa phận xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Lê Toàn

Chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE

Cuối tháng 9/2023, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 235,2 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na (mã HNA).

Trước khi nộp hồ sơ chuyển từ sàn UPCoM sang HoSE, tại thời điểm 30/6/2023, cơ cấu cổ đông của Thủy điện Hủa Na biến động khá mạnh. Trong đó, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, mã POW) sở hữu 80,72% vốn điều lệ; Ngân hàng TMCP Bắc Á sở hữu 4,91% vốn điều lệ; Ngân hàng TMCP Quân đội sở hữu 4,46% vốn điều lệ; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) sở hữu 3,71% vốn điều lệ; còn lại 6,2% vốn điều lệ thuộc về cổ đông khác (tương ứng khoảng 14,58 triệu cổ phiếu trôi nổi bên ngoài).

Trước khi nộp hồ sơ niêm yết sàn HoSE, cổ phiếu HNA thể hiện dấu hiệu thanh khoản tương đối thấp. Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/10, thanh khoản trung bình của cổ phiếu HNA trong vòng 20 phiên trở lại đây là 3.550 cổ phiếu khớp lệnh trên phiên giao dịch.

Trong khi đó, con số của các cổ phiếu cùng ngành đều cao hơn nhiều, như cổ phiếu GEG (Công ty cổ phần Điện Gia Lai) là 1,24 triệu cổ phiếu khớp lệnh trên phiên, cổ phiếu TTA (Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành) là 726.000 cổ phiếu khớp lệnh trên phiên, cổ phiếu POW (Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam) là 6,69 triệu cổ phiếu khớp lệnh trên phiên, cổ phiếu REE (Công ty cổ phần Cơ điện lạnh) là 761.000 cổ phiếu trên phiên…

Có thể thấy, với chỉ 14,58 triệu cổ phiếu trôi nổi bên ngoài, thanh khoản của cổ phiếu HNA sẽ là một dấu hỏi và khó thu hút nhà đầu tư lớn giao dịch sau khi cổ phiếu chào sàn HoSE, nếu Thủy điện Hủa Na không có giải pháp nào để cải thiện thanh khoản so với thời điểm hiện tại. Nếu đầu tư theo chu kỳ lĩnh vực năng lượng của nhóm thủy điện, nhiệt điện khí, nhiệt điện than, thì nhà đầu tư có thể lựa chọn các cổ phiếu thanh khoản cao như GEG, TTA, REE, HND, QTP, PPC…

Thiếu câu chuyện dài hạn

Thủy điện Hủa Na kinh doanh chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện năng. Công ty quản lý, vận hành Nhà máy Thủy điện Hủa Na có công suất thiết kế 180 MW, bao gồm 2 tổ máy với tổng mức đầu tư khoảng 7.092 tỷ đồng, sản lượng điện trung bình năm là 712,7 triệu kwh, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2013.

Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na được thành lập năm 2007 bởi 2 cổ đông sáng lập là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), với vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng, sau đó tăng vốn lên 2.352,3 tỷ đồng và niêm yết sàn UPCoM ngày 5/10/2017.

Tính tới ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Thủy điện Hủa Na là 3.736,6 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định ghi nhận 3.088,6 tỷ đồng, chiếm 82,7% tổng tài sản. Ngược lại, tồn kho và tài sản dở dang dài hạn không đáng kể, chỉ lần lượt là 20,9 tỷ đồng và 42,5 tỷ đồng.

Đối với kế hoạch phát triển giai đoạn năm 2023 - 2028, Thủy điện Hủa Na lên kế hoạch tập trung vận hành an toàn, hiệu quả Nhà máy Thủy điện Hủa Na, đầu tư xây dựng thêm 1-2 nhà máy thủy điện nhỏ và vừa, dự án năng lượng tái tạo.

Như vậy, Thủy điện Hủa Na đang thiếu dự án mới để bổ sung vào câu chuyện tăng trưởng dài hạn. Các kế hoạch đầu tư dự án mới cũng chưa cụ thể và chưa tiến hành xây dựng. Vì vậy, nếu niêm yết thành công trên HoSE cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024, thì kết quả kinh doanh vẫn chủ yếu phụ thuộc vào duy nhất Nhà máy Thuỷ điện Hủa Na.

Ngoài ra, đối với Nhà máy Thủy điện Hủa Na, Công ty đang tồn tại một số nội dung trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chưa được giải quyết dứt điểm. Đó là vướng mắc 302,4 ha đất sản xuất nông nghiệp trồng cây hàng năm đang có rừng tự nhiên đã giao đất sản xuất cho người dân tại các điểm tái định cư ngoài thực địa nhưng phải thu hồi lại; 129 hộ dân còn lại chưa nhận đất ruộng lúa nước để sản xuất; công tác bồi thường xử lý chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp nơi đi và nơi đến đang thực hiện.

Kinh doanh lao dốc trước thềm chuyển sàn

Do phụ thuộc vào dự án duy nhất, kết quả kinh doanh của Thủy điện Hủa Na biến động theo điều kiện thủy văn. Riêng năm 2022, khi điều kiện thủy văn thuận lợi, Công ty báo cáo doanh thu 1.175,59 tỷ đồng, tăng 70,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 583,5 tỷ đồng, tăng 344,1% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 38,3% tăng tới 60,2%.

Bước sang nửa đầu năm 2023, khi điều kiện thủy văn không còn thuận lợi, hiện tượng El Nino quay trở lại, ngay lập tức, kết quả kinh doanh của Thủy điện Hủa Na quay đầu giảm mạnh. Trong đó, Công ty ghi nhận doanh thu 285,44 tỷ đồng, giảm 31,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 46,83 tỷ đồng, giảm 67,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 48,1% về còn 26,2%.

Trong nửa đầu năm 2023, lợi nhuận gộp giảm 62,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 124,88 tỷ đồng, xuống 74,77 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 410,2%, tương ứng tăng thêm 9,23 tỷ đồng, lên 11,48 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 43,6%, tương ứng giảm 17,65 tỷ đồng, về 22,82 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 27,5%, tương ứng tăng thêm 3,01 tỷ đồng, lên 13,96 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Được biết, trong năm 2023, Thủy điện Hủa Na đặt kế hoạch tổng doanh thu 733,47 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 153,31 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023, Công ty mới hoàn thành 30,5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tác giả: Duy Bắc

Nguồn tin: baodautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP