Xã hội

Thanh niên bỏ xứ vào Nam mưu sinh: Những làng quê xơ xác

Với mong ước đổi đời, thoát khỏi lũy tre làng, nhiều nam nữ thanh niên khắp miền Trung vào Nam mưu sinh, lập nghiệp. Những làng quê quạnh vắn khi chỉ còn lại người già, trẻ nhỏ. Cuộc sống những con người tha hương ra sao? Họ được gì và mất gì?

LTS: Nhiều năm trở lại đây, làn sóng di cư lao động từ các làng quê miền Trung ngày càng lan rộng. Người đi không hẹn ngày về, làng quê nghèo dường như càng nghèo hơn bởi vắng tiếng nam nữ dập dìu. Người ở lại và ra đi đã được gì và mất gì trong vòng xoáy cuộc đời vốn không bao giờ dễ dàng như họ tưởng. Báo Đời sống & Pháp luật mời bạn đọc theo dõi loạt phóng sự: "Làn sóng thanh niên vào Nam lập nghiệp: Được và mất?"

Làng quê vắng bóng lao động trẻ

Xóm 5 (xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) vắng vẻ, đìu hiu. Bắc miền Trung vào những ngày này, không khí giá lạnh vẫn kéo dài. Trên đồng ruộng, lúa ngô, hoa màu vẫn còn vẻ xơ xác, tiêu điều. Trong nhà, ngoài đường chỉ toàn người già, trẻ nhỏ bởi thanh niên trai tráng đều dắt nhau “đi Nam” làm ăn. Cụm từ “đi Nam” đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây.

Nhiều gia đình chỉ có ông bà già cùng cháu nhỏ.

Chị Nguyễn Thị Út nặng nhọc buộc yếm vào con trâu to lừng lững, tất tả dắt xuống ruộng cày cho kịp mùa vụ. Đưa tay lau vội mồ hôi, chị than thở: “Cày bừa là việc của cánh đàn ông nhưng bây giờ chồng con đi Nam hết, trong làng không có ai để nhờ vả, đành phải tự làm thôi”.

Vài năm trước, cũng như bao làng khác, thanh niên khỏe mạnh nơi đây rầp rập kéo nhau đi Nam. Nói là “đi Nam” nhưng người thì vào Đắc Lắk, Gia Lai, Bình Phước hái cà phê, tiêu, điều; người xuống Ninh Thuận, Bình Thuận hái nho, thanh long. Đông đảo nhất là vào các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) ở Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM làm công nhân.

Những người già trong làng kể chuyện con cháu làm ăn xa.

Chị Tô Thị Hoài (48 tuổi, ở xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu) kể: Thấy nhiều người bỏ vào miền Nam làm công nhân, buôn đồng nát, làm thuê kiếm sống được, lại không vất vả như làm ruộng, làm muối nên những người khác cũng lũ lượt kéo nhau đi. Lúc đầu, họ chỉ đi có vợ chồng là chính, giờ đây hầu như nhà nào cũng đưa con cái, bố mẹ đi theo hết nên ở thôn, nhà cửa để hoang nhiều lắm. Có gia đình đi 3 - 5 năm, thậm chí có nhà đi cả chục năm mới về quê một lần.

Ước mơ thoát cảnh lấm lem ruộng đồng

Bà Nguyễn Thị Lành ở xóm 5, xã Quỳnh Thắng cho hay: “Nhà tôi có 8 người thì đi hết 5, chỉ còn ông bà già với đứa con út đang đi học. Thời buổi khó khăn, làm ở thành phố nếu tằn tiện tích góp thì hơn hẳn làm ruộng ở quê nhà”.

Ở các huyện Yên Thành, Nghi Lộc, Đô Lương, Thanh Chương (Nghệ An) nhiều thanh niên trai tráng cũng xuôi vào miền Nam bán sức lao động. Kẻ đi dăm bữa, nửa tháng, hết năm mới về. Nhiều người ra đi đến vài năm, tết cũng không về.

Làng tái định cư xã Hương Quang, huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh), lực lượng lao động tại địa phương hầu như không còn. Cũng bởi quỹ đất để phát triển sản xuất quá ít, thậm chí là không có chứ chưa nói gì đến cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Vì vậy, thanh niên trai tráng đành bỏ đi.

Ông Nguyễn Lợi, người dân địa phương cho biết: “Đưa chúng tôi vào tái định cư thì phải có đất để cho con em chúng tôi sản xuất chứ gia đình thì đông người mà đất không có, quanh năm phải đi mua gạo ở chợ ngoài thị trấn về ăn. Con cái lớn lên cũng phải đi vào Nam kiếm sống chứ ở nhà thì làm không đủ ăn”.

Các làng quê nông thôn, miền núi của tỉnh Thanh Hóa cũng tương tự. Điều mọi người dễ dàng nhận thấy là sự vắng bóng của nam thanh niên. Họ rủ nhau nhau bỏ làng đi xa xứ làm ăn. Có người đi tới các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các khu công nghiệp lớn ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bình Dương, Hải Phòng… Người đi làm công nhân, người làm dịch vụ, người bốc vác, xây dựng ở các công trường. Ở nơi nào có việc làm, nơi ấy thu hút thanh niên vùng quê tìm đến.

Thiếu đất sản xuất, một bộ phận rời quê vào Nam làm ăn.

Những vùng đất nắng gió, từng bị chiến tranh tàn phá ác liệt như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, người dân đi Nam như “phong trào” đi chiến dịch.

Cứ mỗi dịp ăn tết xong, dọc quốc lộ 1A qua khu vực này, từng đoàn người đứng ngồi lố nhố bắt tàu xe vào Nam. Trên những gương mặt trẻ là nỗi lo cơm áo, gạo tiền và khát khao về một tương lai tốt đẹp hơn. Họ cũng biết phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với suy nghĩ, dứt được “ao làng, bờ tre, ruộng lúa” là thoát khỏi gánh nặng của bao đời lấm lem bùn ruộng, nhiều người vẫn quyết vào Nam làm thuê.

Ở xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế), những dải cát trắng mênh mông, ruộng đồng chua phèn không canh tác. Mỗi năm số người bỏ làng, bỏ quê ra đi lập nghiệp càng tăng. Miền đất “hứa” là Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, một bộ phận xuống tận miền Tây làm ăn, buôn bán. Đã có người may mắn, nhưng cũng không ít phải trầm mình trong các nhà máy, KCX, KCN hay buôn thúng bán mẹt nơi vỉa hè, phố chợ.

Không chỉ lao động phổ thông mà nhiều cử nhân, thạc sỹ cũng chẳng chịu núp bóng lũy tre làng. Họ tới các thành phố lớn tìm kiếm cơ hội phát triển.

Bài 2: Giấc mơ chốn thị thành của những lao động nghèo

Tác giả bài viết: NHÓM PVMT

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP