Trong tỉnh

Thành lập, bổ sung và duy trì tổ chức, hoạt động của lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành

Là yêu cầu của đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh tại Công văn số 1889/UBND-NC ngày 23/3, gửi các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành, thị xã về việc tổ chức, hoạt động của lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành.

Công văn nêu rõ: Thời gian qua, lực lượng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) chuyên ngành đã có nhiều đóng góp trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra; tích cực tham gia hỗ trợ lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn cứu hộ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua theo dõi việc thành lập và tổ chức hoạt động của các đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành có nơi còn hạn chế, bất cập, đặc biệt trong cơ chế vận hành, tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, trang bị phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao; việc kịp thời phát hiện, xử lý ban đầu đối với các vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố có mặt còn hạn chế.

Để thực hiện hiệu quả công tác tổ chức, thành lập và hoạt động của lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành trong thời gian tới và triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1007/VPCP-NC ngày 16/02/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc tổ chức, hoạt động của lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiến hành rà soát, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm việc thành lập, bổ sung, kiện toàn và duy trì tổ chức, hoạt động của lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã liên quan nghiên cứu, hướng dẫn xây dựng cơ chế tổ chức thường trực, ứng trực xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn đối với Đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành hoạt động theo chế độ không chuyên trách. Đồng thời, tổ chức rà soát, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền yêu cầu người đứng đầu các cơ sở thuộc diện theo quy định tại Điều 31, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ triển khai thành lập ngay đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành theo quy định.

Đối với các Đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành đã trang bị xe chữa cháy, tuy nhiên chưa đầy đủ, phải mua bổ sung theo quy định. Các dự án, cơ sở thành lập mới phải chấp hành nghiêm việc thành lập đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, trang bị phương tiện cho công trình theo TCVN 3890 và trang bị phương tiện cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành theo Thông tư số 150/2020/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an, đồng thời chỉ cấp phép đầu tư, đưa vào hoạt động các dự án, công trình khi bảo đảm các điều kiện theo đúng quy định.

Các đơn vị, địa phương tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn toàn diện các mặt hoạt động của lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành; đánh giá cụ thể những khó khăn, bất cập trong việc thành lập và tổ chức hoạt động để đưa ra các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành trong tình hình mới. Xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu để tổ chức huấn luyện kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu về năng lực, kịp thời xử lý hiệu quả khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra tại cơ sở và tăng cường lực lượng đối với các đơn vị, địa phương khác khi có yêu cầu.

Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, UBND các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra, đôn đốc việc thành lập và duy trì hoạt động của đội phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý có vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước; phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo, đầu tư xây dựng Đội PCCC chuyên ngành và trang bị đầy đủ phương tiện tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý có vốn ngân sách nhà nước để đảm bảo các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy hiện hành, Đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành là đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở được tổ chức để đáp ứng yêu cầu hoạt động đặc thù của cơ sở do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định thành lập, quản lý. Các cơ sở như: Cảng hàng không, cảng biển; cơ sở khai thác và chế biến dầu mỏ, khí đốt; cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ; kho dự trữ cấp quốc gia; kho dầu mỏ, nhà máy thủy điện, nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất giấy,… có công suất lớn; khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp có diện tích lớn theo quy định... phải lập đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành.

Theo thống kê, tính đến tháng 12/2021, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 74 Đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành với tổng số 823 đội viên, trong đó có 05 Đội hoạt động theo chế độ chuyên trách (chiếm 6,8%), 69 đội hoạt động theo chế độ không chuyên trách (chiếm 93,2%) được phân bố chủ yếu tại các khu công nghiệp, cảng hàng không, kho xăng dầu, nhà máy thuỷ điện, các cơ sở kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp...

Tác giả: T.H (tổng hợp)

Nguồn tin: nghean.gov.vn

  Từ khóa: phòng cháy ,chữa cháy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP