Kinh tế

Sáng đầu tiên đi làm trở lại sau Tết, ông Phạm Nhật Vượng được “lì xì” gần 6.000 tỷ đồng

Trong sáng đầu tiên đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, ông Phạm Nhật Vượng được “lì xì” gần 6.000 tỷ đồng. Nhiều tỷ phú khác như bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng may mắn không kém.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm Mậu Tuất 2018, cổ phiếu VIC của Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup bất ngờ giảm sâu và đánh mất mốc 100.000 đồng/CP. Vì vậy, nhà đầu tư kỳ vọng trong phiên đầu tiên của năm Kỷ Hợi 2019, VIC sẽ bật tăng, giúp nhà đầu tư lấy lại những gì đã mất.

Và điều đó đã xảy ra khi chỉ số VN-Index tăng mạnh. Trước giờ nghỉ trưa của phiên 11/2/2019, chỉ số VN-Index tạm dừng ở mức 919,21 điểm sau khi tăng 10,54 điểm, tương ứng 1,16%. Chỉ số VN30-Index tăng 13,06 điểm, tương đương 1,52% lên 872,87 điểm.

Có thể thấy, các cổ phiếu vốn hóa lớn có công lớn đẩy thị trường đi lên trong phiên đầu năm mới. Trong đó, VIC là một trong những mã có đóng góp nhiều nhất. Tạm dừng phiên sáng, VIC tăng 3.100 đồng/CP lên 101.900 đồng/CP, lấy lại được mốc 100.000 đồng/CP.

Sáng đầu tiên đi làm trở lại, ông Phạm Nhật Vượng được “lì xì” gần 6.000 tỷ đồng.

Nhờ VIC tăng mạnh, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup có lẽ là người được “lì xì” nhiều nhất năm mới. Chỉ trong buổi sáng 11/2, giá trị tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Vượng có thêm 5.782 tỷ đồng.

Với khối tài sản đạt gần 190.000 tỷ đồng, ông Vượng vững vàng ở vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Tài sản của ông vượt trội so với các tỷ phú đứng ở vị trí thứ 2 và 3 cộng lại.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần hàng không Vietjet cũng nằm trong danh sách các tỷ phú may mắn ngày đầu năm khi cổ phiếu VJC đi lên. Chốt phiên sáng, VJC dừng ở mức 125.800 đồng/CP sau khi tăng 800 đồng/CP.

Đà tăng này của VJC giúp giá trị cổ phiếu VJC thuộc sở hữu của bà Thảo tăng 135 tỷ đồng. Tuy nhiên, cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM đứng giá nên tài sản của bà Thảo chỉ tăng 135 tỷ đồng lên gần 22.200 tỷ đồng.

Trong khi đó, cổ phiếu MSN cũng “phát lộc” cho 2 tỷ phú mới Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh. Sau khi tăng 2.100 đồng/CP lên 80.500 đồng/CP, cổ phiếu MSN của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan đã “lì xì” cho 2 vị đại gia này lần lượt 519 tỷ đồng và 530 tỷ đồng.

Bloomberg dự báo trong năm 2019, ông Nguyễn Đăng Quang sẽ là tỷ phú đô la tiếp theo của Việt Nam sau ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Bá Dương và ông Trần Đình Long.

Trong những ngày cuối năm Mậu Tuất 2018, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát là tỷ phú kém may mắn nhất khi cổ phiếu HPG liên tục thoái lui khiến ông phải rời khỏi danh sách những người giàu nhất Việt Nam do Forbes bình chọn. Tuy nhiên, vào ngày đầu năm mới, ông Long cũng may mắn khi được cổ phiếu HPG “lì xì” hàng trăm tỷ đồng.

Cụ thể, sau phiên sáng, HPG dừng ở mức 28.150 đồng/CP sau khi tăng 850 đồng/CP. HPG đã mang lại cho ông Long 454 tỷ đồng. Hiện tại, ông Long ở vị trí thứ 6 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, thay vì đứng ở vị trí thứ 2 trước đây.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (Novaland) cũng khá may mắn khi cổ phiếu NVL tăng 1.100 đồng/CP lên 57.800 đồng/CP. NVL đã “lì xì” cho ông Nhơn gần 200 tỷ đồng.

Trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros là người kém may mắn nhất khi ROS giảm 650 đồng/CP xuống 31.000 đồng/CP. ROS khiến giá trị cổ phiếu ROS thuộc sở hữu của ông Quyết giảm 248 tỷ đồng. Dù cổ phiếu FLC tăng giá nhẹ nhưng không đủ bù đắp cho khoản mất mát mà ROS gây ra. Hiện tại, với khoảng 12.800 tỷ đồng, ông Quyết đang đứng ở vị trí thứ 7 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Tác giả: Vy Vy

Nguồn tin: Báo Người tiêu dùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP