Số hóa

Rủi ro cao khi mua điện thoại cũ và những lưu ý cần nằm lòng kẻo mất tiền oan

Để tiết kiệm tiền không ít người đã lựa chọn mua một chiếc điện thoại cũ để sử dụng, tuy nhiên không phải chiếc smartphone cũ nào cũng có thể sử dụng ổn định.

Những chiếc smartphone cao cấp có giá thành khá cao, dao động trong khoảng từ hàng chục đến vài chục triệu động. Khi ví tiền của người dùng không đủ chi trả cho sự leo thang của những chiếc smartphone hàng đầu này thì việc mua thiết bị qua sử dụng là một lựa chọn hợp lý.

Có thể thấy, thị trường mua bán điện thoại cũ thời gian gần đây đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Nhu cầu của khách hàng tăng cao cũng là lý do khiến không ít cửa hàng lợi dụng điểm yếu này để tung ra hàng giả, hàng kém chất lượng.

Anh Hùng Thắng- Cầu Diễn- Hà Nội chia sẻ, để phục công việc nên anh tìm mua chiếc điện thoại iPhone cũ tại một cửa hàng gần nhà nhưng mới sử dụng được hai tuần đã hỏng. Vì mới mua nên anh mang đi sửa mới biết chiếc điện thoại đã bị “luộc” hết đồ bên trong, thay vào đó là những phụ kiện kém chất lượng của Trung Quốc. Khi đến cửa hàng để trả lại do không có hóa đơn, chứng từ mua bán nên không đòi lại được tiền.

Thông tin thêm về vấn đề trên, anh Tùng- chủ cửa hàng kinh doanh điện thoại di động trên đường Hồ Tùng Mậu cho biết, một số chủ cửa hàng đã mua lại những chiếc điện thoại cũ còn tốt sau đó tháo linh kiện chính hãng, thay vào đồ chất lượng kém. Riêng vỏ ngoài được sơn, sửa thậm chí thay thế khiến chiếc điện thoại như mới. Đây chính là hàng dựng. Còn linh kiện chính hãng được dùng để thay thế, sửa chữa khi cần thiết. Bằng cách này, họ kiếm lời của cả người mua máy cũ lẫn người sửa chữa điện thoại.

Lựa chọn mua điện thoại cũ cần nhiều kinh nghiệm để có sản phẩm ưng ý. Ảnh: TomsGuide.

Do đó, theo anh Tùng, khi chọn mua điện thoại cũ, điều đầu tiên người mua cần quan tâm là xuất xứ của sản phẩm để tránh hàng dựng, hàng nhái. Tốt nhất là mua máy đã qua sử dụng của người quen hoặc có người bảo đảm về nguồn gốc, xuất xứ.

Nên chọn mua máy cũ của những thương hiệu uy tín, hàng chính hãng và được sản xuất trước đó nhiều nhất là hai năm để có thể tìm được phụ kiện đi kèm và linh kiện thay thế trong trường hợp cần sửa chữa. Bên cạnh đó, người mua nên chọn những chiếc còn thời hạn bảo hành chính hãng để được bảo vệ quyền lợi.

Đặc biệt, hiện nay tình trạng lừa đảo rất nhiều nên khi mua đồ cũ tại các cửa hàng, hệ thống điện máy lớn, khách hàng nên giữ lại hóa đơn để khi có vấn đề phát sinh có căn cứ khiếu nại.

Ngoài ra, khi mua điện thoại cũ người dùng cũng cần lưu ý, nên kiểm tra màn hình đầu tiên vì chi phí thay màn hình điện thoại khá cao. Kiểm tra các vết nứt, rạn, độ nhạy cảm ứng, khả năng hiển thị và điểm chết trên màn hình. Bên cạnh đó, các vết lõm hay trầy xước xung quanh vỏ điện thoại cũng nói lên được máy đã chịu nhiều tác động vật lý. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến phần cứng bên trong và độ bền của thiết bị.

Nếu cần một chiếc smartphone để lướt web và xem video, hãy chọn các sản phẩm có màn hình lớn. Nếu thường xuyên chụp ảnh để đăng tải lên Facebook, Instagram... hãy tìm hiểu về camera của điện thoại: mấy "chấm", có ổn định hình ảnh quang học hay không...

Cần kiểm tra khóa mạng và khóa tài khoản hệ thống. Smartphone khóa nhà mạng nhập từ nước ngoài sẽ có giá rẻ hơn đáng kể nhưng tất nhiên lại chịu rủi ro trong việc "lách luật" để dùng mạng nội địa, chưa kể việc có khả năng bị chặn không thể lách được, hoặc phải chịu những hạn chế về cập nhật, phần mềm.

Một lưu ý cực kỳ quan trọng khi mua điện thoại cũ chính là pin. Tuổi thọ của pin giảm dần qua từng ngày. Vì vậy, đối với các máy cũ, thời lượng pin sử dụng rất hạn chế.

Nếu như có nhu cầu phải sử dụng thường xuyên, người dùng nên mua thêm một cục sạc dự phòng hoặc bỏ thêm chi phí để thay pin mới. Sẽ thật phiền toái nếu như máy hết pin khi cần dùng đến.

Tác giả: Hạnh Vũ (T/h)

Nguồn tin: vietQ.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP