Bản Xa Mang, một trong những bản người Thái ở xã Sơn Điện (huyện vùng cao Quan Sơn, Thanh Hóa) nằm trong vùng lõi của rừng đặc dụng Na Mèo. Vượt qua quãng đường dài 10km đầy sỏi đá, dốc cao, len lỏi dưới những tán lá rừng rậm rạp, chúng tôi đến điểm lẻ khu Xa Mang, thuộc trường Mầm non Sơn Điện 1, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn.
Tại khu lẻ Xa Mang có hai lớp học do hai cô giáo trẻ phụ trách, bao gồm một lớp mẫu giáo bé và một lớp mẫu giáo lớn. Đến thời điểm hiện tại, cả khu Xa Mang chỉ có 23 học sinh, hai phòng học được người dân bản quyên góp tre, gỗ, mái ngói prô-xi-măng để xây dựng cho con em theo học. Những đồ chơi, khu vui chơi cho học sinh được người dân làm từ cây tre, tấm ván gỗ lấy trên rừng.
Hàng năm, khi lớp học, hay đồ chơi cho trẻ bị hư hỏng, người dân trong bản Xa Mang lại tập trung lên rừng chặt tre, lấy gỗ đem về để sửa lại. Từ khi thành lập đến nay, điểm lẻ Xa Mang vẫn chưa có điện thắp sáng, phục vụ cho việc học của học sinh. Khi mùa hè trời nóng bức, không có điện để quạt mát, mùa đông lạnh giá, tối trời do không có điện thắp sáng nên đành phải mở hết cửa sổ để lấy ánh sáng tự nhiên.
Cô Hà Thị Loan, phụ trách khu Xa Mang, cho hay: “Lớp học được xây dựng đơn sơ bằng tre, gỗ, mùa đông thì rét run người, mùa hè thì nóng bức, tội các cháu lắm. Đồ chơi cho học sinh không có, điện cũng không, mùa đông không có điện thắp sáng nên lớp học khá tối tăm, học sinh chịu rất nhiều thiệt thòi”.
Rời điểm lẻ Xa Mang, tiếp tục vượt hơn 10 km đường đất dốc cao, giữa một bên là vách đá dựng đứng và một bên là vực sâu nằm trong rừng đặc dụng Na Mèo, chúng tôi tìm đến khu lẻ Na Hồ, ở bản Na Hồ, xã Sơn Điện. Tại điểm lẻ Na Hồ có hai lớp học, với 28 học sinh, phòng học được người dân trong bản làm bằng gỗ, tre lợp lá cọ. Đồ chơi cho học sinh Mầm non nơi đây cũng hoàn toàn được người dân trong bản làm bằng cây tre, lá cọ.
Cô Lò Thị Hồng, giáo viên điểm lẻ Na Hồ, chia sẻ: “Trường học được xây dựng đơn sơ bằng ván gỗ, lợp lá cọ rét buốt vào mùa đông, dột vào mùa mưa, rất khó khăn cho việc ở lại học bán trú của học sinh. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên người dân luôn mong mỏi có được một lớp học khang trang, đáp ứng việc học cho học sinh”.
Chia sẻ về những khó khăn nơi đây, cô Vi Thị Chiến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Điện 1, cho biết: “Đời sống giáo viên, học sinh nơi đây còn gặp nhiều khó khăn thiệt thòi. Ngoài khu lẻ Xa Mang, Trường Mầm non Sơn Điện 1 còn có khu lẻ Na Hồ, khu Sủa - Na Phường, cũng gặp nhiều khó khăn, lớp học được xây dựng đơn sơ”.
“Chế” lốp xe, phế thải thành đồ chơi cho trẻ
Từ điểm lẻ Na Hồ, bản Na Hồ, xã Sơn Điện, chúng tôi tiếp tục đi bộ, vượt qua hai cây cầu tre chênh vênh bắc qua sông Luồng để đến bản Sủa và bản Na Phường.
Bản Sủa và Na Phường là hai bản nằm biệt lập, bị chia cắt với các bản còn lại bởi con sông Luồng, muốn sang hai bản trên buộc phải đi qua hai chiếc cầu tre bắc ngang qua hai nhánh sông Luồng. Bản Sủa và bản Na Phường, nơi có khu điểm lẻ Sủa - Na Phường, của trường Mầm non Sơn Điện 1, dành cho học sinh hai bản Sủa - Na Phường.
Khu Sủa - Na Phường có 3 lớp học với 44 học sinh, lớp học được người dân bản xây dựng hoàn toàn bằng tre, gỗ, lá cọ. Sân trường có một bãi đá xanh lớn, trở thành nơi vui chơi cho học sinh. Các loại đồ chơi như đu quay, bập bênh được làm bằng gỗ, tre. Lốp xe máy, ô tô, xe đạp hư hỏng cũng được các cô giáo tận dụng từ những quán sửa xe đem về trường, sơn mầu lại để làm trò chơi cho các em học sinh.
Cô giáo Lương Thị Điệp, phụ trách điểm lẻ khu Sủa - Na Phường chia sẻ: “Mỗi khi đi qua các quán sửa xe, chúng tôi lại xin những lốp xe máy, xe đạp, xe ô tô đã hư hỏng mang về rồi quét sơn để làm đồ chơi cho các em học sinh Mần non. Ngoài ra, những đồ chơi của trường đa số được các phụ huynh học sinh làm bằng cây tre trên rừng. Do lớp học thiếu đồ chơi cho học sinh nên rất mong muốn được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm đầu tư về đồ chơi cho các em học sinh”.
Ông Lục Hải Vân, Chủ tịch UBND xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn chia sẻ: “Những khu lẻ kể trên nằm ở những bản làng có điều kiện kinh tế khó khăn của xã, thiếu vốn để xây dựng khang trang, đẹp đẽ. Những khu lẻ với những khó khăn về đường giao thông xa xôi, lại phải qua dốc cao, qua sông, qua suối, mùa khô thì bụi bặm, mùa mưa thì lầy lội. Nhiều khi vào mùa mưa cầu qua sông, qua suối bị lũ cuốn trôi khiến các em không thể đi học đành phải ở nhà”.
Tác giả bài viết: Lô Giang - Duy Tuyên
Nguồn tin: