Đã lỗi thời, cần xóa bỏ
Tình trạng loạn chứng chỉ trong bổ nhiệm, xét tuyển không chỉ hành đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà còn gây tốn kém, ảnh hưởng đến công việc chuyên môn, vì đa phần họ phải vừa học vừa làm. Ông đánh giá gì về thực trạng này?
Trong xét tuyển hoặc thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức, quy định hiện hành đã đưa ra những văn bằng, chứng chỉ rất cụ thể và cần thiết. Bên cơ quan Đảng thì theo quy định của Ban Tổ chức Trung ương, còn bên Nhà nước thì theo quy định của Bộ Nội vụ. Với ba loại bằng đại học, chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là rất cần thiết để chuẩn hóa công tác cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy nhiên, nhiều cử tri, công chức, viên chức còn phản ánh, ngoài 3 loại bằng chứng chỉ này còn “đẻ” thêm rất nhiều chứng chỉ “trên trời” khác. Về việc này, theo tôi cần phải tùy từng trường hợp, đối tượng cụ thể mà có những quy định cho phù hợp. Không thể tất tần tật công chức, viên chức khi xét tuyển phải có đầy đủ các loại văn bằng, chứng chỉ. Tôi ví dụ thi công chức chỉ cần quy định phải có bằng đại học và chứng chỉ ngoại ngữ, vi tính, thế là đủ!
Nếu cứ quy định vô vàn các loại chứng chỉ cho “đẹp” hồ sơ cũng chỉ làm khổ công chức, viên chức. Nơi nào “đẻ” thêm các loại chứng chỉ, hành công chức, viên chức thì nơi đó làm trái quy định. Thi tuyển hay xét tuyển công chức, viên chức cần phải theo quy định chung, chứ mỗi tỉnh, thành, mỗi bộ, ngành lại quy định một khác là trái luật.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật |
Một bất cập nhận được nhiều ý kiến phản ánh là tình trạng phải đi học để có văn bằng chứng chỉ theo quy định, nhưng chỉ toàn học lại kiến thức cũ, rất hình thức. Theo ông, có cần xem xét, hủy bỏ nếu quy định hiện nay không còn phù hợp?
Quả là như vậy. Nếu chỉ dạy những cái người ta đã học rồi thì chỉ làm mất thời gian, tốn tiền của công chức, viên chức. Quy định về văn bằng, chứng chỉ hiện nay phải theo quy định của Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương, chứ không được “đẻ” thêm các loại văn bằng, chứng chỉ khác ngoài quy định.
Thậm chí ngay cả đối với quy định của Ban Tổ chức Trung ương, hay của Bộ Nội vụ cũng cần phải xem những quy định đó bây giờ còn phù hợp với thực tiễn hay không? Có cần thiết nữa không hay đã lỗi thời? Tôi cho là đã lỗi thời và nên xóa bỏ. Cần phải làm sao để tạo điều kiện thuận lợi nhất, đỡ tốn kém nhất và hiệu quả nhất cho việc thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức.
Bổ nhiệm, xét tuyển với cơ man các loại văn bằng, chứng chỉ như vậy có cần thiết không? Bổ nhiệm một ông trưởng phòng, phó phòng, phó giám đốc sao lại cần nhiều chứng chỉ thế? Các loại chứng chỉ ấy có chứng minh anh ta là người tài không, hay cũng chỉ mang tính hình thức, cho đẹp hồ sơ?
Nhân tài đâu phải nhiều chứng chỉ
Nhiều người cho rằng các loại văn bằng chứng chỉ chỉ là một loại “giấy phép con” cần phải loại bỏ?
Đúng vậy! Tôi nghĩ cần phải loại bỏ. Ví dụ thi công chức, viên chức, chỉ cần có bằng đại học, chứng chỉ ngoại ngữ, vi tính, chỉ như thế là đủ điều kiện, không cần đòi hỏi thêm chứng chỉ nào khác nữa. Như ở tỉnh Đồng Tháp chúng tôi, thi tuyển hay xét tuyển công chức, viên chức cũng chỉ cần có mấy loại văn bằng, chứng chỉ trên là đủ.
Với những người có chức vụ, chẳng hạn như trưởng phòng phải là chuyên viên, giám đốc, phó giám đốc sở phải là chuyên viên chính. Quy định này cần thiết phải có để nâng cao trình độ, năng lực của người có chức vụ. Nhưng với công chức, viên chức không nhất thiết phải có quá nhiều chứng chỉ, văn bằng. Thậm chí trong các loại văn bằng chứng chỉ ấy còn có yếu tố lợi ích nhóm trong đó nữa.
Vậy ai phải chịu trách nhiệm về việc này, thưa ông?
Như tôi đã nói là phải căn cứ vào quy định của Ban Tổ chức Trung ương và của Bộ Nội vụ, nơi nào làm sai, nơi đó sẽ phải chịu trách nhiệm. Song điều quan trọng nhất là phải làm sao giảm đến mức thấp nhất thủ tục giấy tờ như trong đăng ký kinh doanh, những loại “giấy phép con” cần phải dẹp bỏ. Tất nhiên đối với những quy định “cứng” thì phải có, còn những quy định “mềm” cần phải xem xét, loại bỏ.
Theo ông, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội có nên vào cuộc, giám sát tình trạng loạn chứng chỉ văn bằng hiện nay?
Việc này không nhất thiết phải Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hay các Ủy ban của Quốc hội vào cuộc giám sát, hay tổ chức giải trình mà nên để thanh tra công vụ vào cuộc. Ở đây có thể là thanh tra chuyên ngành của các Bộ, hoặc Thanh tra Bộ Nội vụ thực hiện, trên cơ sở đó xem xét, loại bỏ “giấy phép con” không cần thiết.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ Công chức và Luật Viên chức đang được Ủy ban Pháp luật thẩm tra và Quốc hội cho ý kiến. Vấn đề này có cần phải được quan tâm trong lần sửa đổi này không, thưa ông?
Theo tôi, với những việc cụ thể này nên để cho Nghị định của Chính phủ quy định và ban hành, còn những nội dung đưa vào luật thì phải mang tính bao quát. Tôi ví dụ về tuyển chọn nhân tài, chúng ta đã nói rất nhiều đến khái niệm thế nào là nhân tài? Trọng bằng cấp, học hàm học vị hay năng lực thực sự? Nhưng nhân tài đâu nhất thiết phải có nhiều loại văn bằng, chứng chỉ?
Do vậy, để thu hút được người tài tham gia vào bộ máy, tham gia vào đội ngũ công chức, viên chức thì phải giảm bớt tối đa các loại văn bằng chứng chỉ không cần thiết, đồng thời quy định cụ thể, rõ ràng và dễ thực hiện.
Cảm ơn ông.
“Ngay cả đối với quy định của Ban Tổ chức Trung ương, hay của Bộ Nội vụ cũng cần phải xem những quy định đó bây giờ còn phù hợp với thực tiễn hay không? Có cần thiết nữa không hay đã lỗi thời? Tôi cho là đã lỗi thời và nên xóa bỏ. Cần phải làm sao để tạo điều kiện thuận lợi nhất, đỡ tốn kém nhất và hiệu quả nhất cho việc thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức”. Đại biểu Phạm Văn Hòa |
Tác giả: THÀNH NAM (THỰC HIỆN)
Nguồn tin: Báo Tiền Phong