Trong tỉnh

Phát động và xây dựng Phong trào Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông

Ngày 17/10, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 775/KH-UBND về phát động và xây dựng Phong trào Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân chủ động phát hiện, cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh các vi phạm TTATGT

Kế hoạch được ban hành nhằm triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng Phong trào Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT); mỗi người dân là một “tuyên truyền viên” đắc lực với lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm TTATGT; phát huy vai trò dân chủ trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói chung và bảo đảm TTATGT nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi để huy động người dân tham gia vào công tác bảo đảm TTATGT.

Đồng thời huy động sự vào cuộc và nâng cao trách nhiệm của các Sở, ngành, chính quyền địa phương và Nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT; tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân tự giác, trách nhiệm trong chấp hành pháp luật về ATGT và chủ động phát hiện, cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh các vi phạm TTATGT là tác nhân gây ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, hư hại hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường… để cung cấp cho các cơ quan chức năng kịp thời xử lý, giải quyết đúng quy định của pháp luật.

UBND tỉnh yêu cầu thông tin phản ánh, cung cấp của Nhân dân về vi phạm TTATGT phải có cơ sở pháp lý. Việc tiếp nhận, xác minh, xử lý, giải quyết thông tin phản ánh phải bảo đảm kịp thời, đúng hành vi vi phạm và đúng quy định pháp luật; đồng thời, tổ chức tuyên truyền rộng rãi, tạo hiệu ưng răn đe, phòng ngừa xã hội, qua đó, vận động Nhân dân ủng hộ, tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm TTATGT.

Bảo đảm an toàn, bí mật về danh tính của người cung cấp thông tin, tài liệu phản ánh vi phạm về TTATGT; kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc, tích cực trong tham gia hoạt động phong trào; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi lợi dụng phong trào để cung cấp thông tin sai sự thật, chống phá, tiêu cực hoặc gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự và lợi ích hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm hành chính về TTATGT” được triển khai trên phạm vi địa bàn toàn tỉnh. Đối tượng tham gia là toàn thể nhân dân, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp.

Xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng phong trào để cung cấp thông tin sai sự thật, chống phá, tiêu cực

UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về phương pháp nhận biết các hành vi vi phạm về TTATGT để việc thu thập thông tin, cung cấp thông tin đảm bảo chính xác, khách quan, có cơ sở, tập trung vào các hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông, là tác nhân gây hư hại hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường được dư luận xã hội quan tâm, trọng tâm là: Xe ô tô khách chở quá số người quy định; đón, trả khách không đúng nơi quy định; xe ô tô chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng…

Tuyên truyền, vận động Nhân dân trên cơ sở nhận diện các hành vi vi phạm TTATGT, chủ động, tích cực cung cấp các thông tin, tài liệu phản ánh về các hành vi vi phạm TTATGT bằng cách ghi lại các hành vi vi phạm bằng video clip, hình ảnh có ghi rõ vị trí vi phạm, thời gian vi phạm; biển kiểm soát, đặc điểm của phương tiện; chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện… Sau khi ghi nhận đầy đủ các thông tin về hành vi vi phạm, người dân liên hệ, phản ánh trực tiếp với Công an tỉnh để tiếp nhận, xử lý thông tin; đồng thời cung cấp thông tin về tên tuổi, số căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của người cung cấp thông tin.

Đồng thời, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, mạng xã hội; trong đó, tập trung nâng cao chất lượng tuyên truyền các chuyên mục về giao thông đô thị, ATGT bằng các hình thức, phương thức đa dạng và hiệu quả; tiến hành công bố các vi phạm nghiêm trọng, phức tạp hoặc các hành vi tái phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật. Niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan Nhà nước, trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức và khu dân cư. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác bảo đảm TTATGT gắn với việc phát động phong trào…

Sau khi tiếp nhận thông tin kiến nghị, phản ánh của người dân cung cấp về các hành vi vi phạm, Công an tỉnh có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các trình tự về tiếp nhận và xử lý thông tin theo quy định. Phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí tuyên truyền kết quả xử lý rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để tạo hiệu ứng răn đe, phòng ngừa chung, đồng thời phản hồi kết quả xử lý; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi lợi dụng phong trào để cung cấp thông tin sai sự thật, chống phá, tiêu cực.

Cùng với đó, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ bí mật về thông tin của người phản ánh, cung cấp thông tin, tài liệu, áp dụng biện pháp theo quy định pháp luật để ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người phản ánh, cung cấp thông tin, tài liệu.

UBND tỉnh giao các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã ban hành Kế hoạch phát động và xây dựng phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh phản ánh về các hành vi vi phạm hành chính về TTATGT. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch này.

Tác giả: PT (tổng hợp)

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP