Trong tỉnh

Nữ bác sỹ 9X tự nguyện đồng hành cùng bệnh nhân COVID-19

Nhận thấy có quá nhiều luồng thông tin truyền miệng và trên các trang mạng không chính thống nên việc điều trị tại nhà của một số F0 bị sai phương pháp, bác sỹ Trang quyết định lập “đường dây nóng” để tư vấn, hướng dẫn cho các F0 đang điều trị tại nhà.

Lần đâu tiên đón Tết xa nhà, bác sỹ Lê Thị Thùy Trang (SN 1995, bác sỹ ở Khoa Xạ tổng hợp - Bệnh viện Ung bướu Nghệ An) nói rằng “Đón Tết ở bệnh viện là một trải nghiệm rất đặc biệt nhưng tôi không cảm thấy buồn vì bên cạnh có đồng nghiệp, thấy ý nghĩa hơn vì có thể ở bên cạnh bệnh nhân trong những lúc khó khăn nhất”.

Nữ bác sỹ này cho biết, bản thân được tăng cường thêm cho Bệnh viện dã chiến số 3 từ ngày 23 tháng Chạp. Gần 1 tháng qua, vì nhiệm vụ riêng, cô không được về nhà và đây cũng là năm đầu tiên đón Tết xa bố mẹ, xa gia đình. Thời điểm trước Tết bệnh nhân F0 tăng nhanh. Trang nhận được nhiệm vụ mới, chỉ kịp test COVID-19 xong rồi lên đường chứ không kịp chuẩn bị gì.

Bác sỹ Lê Thị Thùy Trang

Nhận nhiệm vụ mới, những kinh nghiệm có được từ “người thật, việc thật”, bác sỹ Trang quyết định nhận tư vấn F0 cho bệnh nhân tại nhà. Trang chia sẻ, bản thân cũng chỉ nghĩ “chủ yếu là tư vấn cho bạn bè, người thân vì bạn bè trên Facebook của tôi không nhiều”. Song không thể ngờ số bệnh nhân gọi điện đến quá đông, bởi lúc này số F0 trên địa bàn Nghệ An bắt đầu tăng nhanh.

Sau khi điện thoại bị quá tải, Trang cũng đã kết nối với nhiều bác sỹ khác như bác sỹ Vân (bệnh viện Nội tiết), bác sỹ Hoa (bệnh viện Cửa Đông), bác sỹ Tước (bệnh viện Quân khu 4), bác sỹ Đức (bệnh viện Phổi), bác sỹ Công (bệnh viện Ung bướu) để kịp thời hỗ trợ.

Bác sỹ Trang cùng đồng nghiệp đón Tết tại Bệnh viện dã chiến

Gần 1 tháng nay, nữ bác sỹ này như “quên ăn quên ngủ” bởi những cuộc điện thoại từ giữa đêm hay sáng sớm. Nhiều cuộc gọi đến giữa lúc chị đang điều trị bệnh nhân, không cầm theo điện thoại. Tuy nhiên, ngay sau đó, tất cả các cuộc gọi nhỡ đều được chị trực tiếp gọi lại.

“Hiện bệnh nhân mắc COVID-19 chủ yếu đã được tiêm phòng nên triệu chứng không nặng hoặc không có triệu chứng. Vì vậy, việc điều trị tại nhà có thể có hiệu quả tương đương như ở trong các bệnh viện. Trong khi đó, ở nhà bệnh nhân sẽ được chăm sóc, bồi dưỡng về dinh dưỡng đầy đủ hơn”, bác sỹ Trang chia sẻ.

Tuy nhiên, việc điều trị F0 ở nhà hiện còn nhiều khó khăn bởi có quá nhiều luồng thông tin nên việc điều trị của nhiều gia đình bị sai phương pháp. Rất nhiều bệnh nhân khi mới phát bệnh mua và sử dụng rất nhiều thuốc như kháng sinh hoặc chống viêm.

Lần đầu đón Tết xa nhà, bác sỹ Trang cho biết rất vui vì có thể ở bên cạnh bệnh nhân trong những lúc khó khăn nhất

Trong khi đó, bệnh nhân chỉ có các triệu chứng như đau đầu và một vài triệu chứng bình thường khác chưa cần phải sử dụng đến thuốc.

Ngoài ra, có những bệnh nhân bỏ một số tiền không nhỏ để mua thuốc kháng virus của Đức, Ấn Độ để điều trị dù các thuốc này chưa được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng. Việc sử dụng quá nhiều thuốc không cần thiết cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Khi gặp các trường hợp bệnh nhân nặng, Trang và các đồng nghiệp sẽ trực tiếp quay clip triệu chứng của bệnh nhân, sau đó sẽ tiến hành hội chẩn và điều trị.

Điều trị cho bệnh nhân qua điện thoại và các ứng dụng mạng xã hội, bác sỹ Trang cũng yêu cầu gia đình bệnh nhân cung cấp đầy đủ các thông tin về chiều cao, cân nặng, thời gian tiêm vắc xin, các bệnh nền (nếu có) và các triệu chứng về sức khỏe (kể cả video) để có thể chẩn đoán và hỗ trợ chính xác, kịp thời.

Tác giả: Cảnh Huệ

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP