Trong tỉnh

Những tình huống pháp lý đối với người phụ nữ không mặc quần áo rơi ra khỏi ô tô ở Nghệ An

Để xác định hành vi của cô gái có vi phạm pháp luật hay không thì còn cần lực lượng chức năng xác minh, làm rõ vụ việc. Mặc dù vậy, theo quan điểm cá nhân luật sư, có thể chia làm 04 trường hợp.

Liên quan đến đoạn clip ghi cảnh một người phụ nữ không mặc đồ, rơi khỏi xe ô tô gây xôn xao dư luận, cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, mời những người liên quan lên làm việc.

Người phụ nữ trong clip là N.T.N. (45 tuổi), trú tại phường Quang Trung, TP.Vinh, Nghệ An. Tài xế điều khiển xe ôtô là ông B.M.T. (45 tuổi), trú phường Trung Đô, TP.Vinh, Nghệ An. Hai người có mối quan hệ bạn bè.

Công an TP.Vinh sau đó đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với ông B.M.T. lỗi mở cửa xe, để cửa xe mở không đảm bảo an toàn" với mức phạt từ 4 - 6 triệu đồng, không bị tước giấy phép lái xe.

Tại cơ quan công an, bà N. nói nguyên nhân vụ việc là do quá say nên tự lột đồ chứ không bị ai ép buộc. Khi bà này ngã khỏi xe đã được tài xế đi cùng kéo lên.

Người phụ nữ tường trình sự việc.

Trao đổi với PV, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VP Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, để xác định hành vi của cô gái có vi phạm pháp luật hay không thì còn cần lực lượng chức năng xác minh, làm rõ vụ việc. Mặc dù vậy, theo quan điểm cá nhân luật sư, có thể chia làm 04 trường hợp sau:

Trường hợp 1: Giả sử hành vi của cô gái là cố tình xuất phát từ cảm xúc cá nhân, dẫn đến không đảm bảo an toàn.

Căn cứ Điều 19 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 quy định về mở cửa xe như sau: Chỉ được mở cửa xe khi xe đã dừng, đỗ; trước khi mở cửa xe, người mở cửa phải quan sát phía trước, phía sau và bên phía mở cửa xe, khi thấy an toàn mới được mở cửa xe, ra khỏi xe; không để cửa xe mở nếu không bảo đảm an toàn.

Giả sử hành vi của cô gái vi phạm quy định nêu trên thì túy vào tính chất, mức độ của hành vi mà cô gái có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Về xử lý vi phạm hành chính:

Căn cứ điểm q khoản 5, khoản 10 và điểm c, d khoản 16 Điều 6 (Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ) Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi diểm giấy phép lái xe,

Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn. Trường hợp gây tai nạn giao thông thì người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 22.000.000 đồng.

Đồng thời, người vi phạm còn bị trừ điểm giấy phép lái xe 10 điểm.

Về xử lý hình sự:

Giả sử hành vi của cô gái dẫn đến tai nạn giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng mà có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Người vi phạm có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến cao nhất là 15 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trường hợp 2: Giả sử hành vi của cô gái là cố tình nhưng với mục đích để tự vệ, thoát thân.

Giả sử cơ quan chức năng xác định tài xế có hành vi xâm phạm đến cô gái, dẫn đến việc cô gái bắt buộc phải mở cửa xe để thoát thân, thì đây được xem là trường hợp bất khả kháng. Do dó, hành vi của cô gái không được xem là vi phạm pháp luật.

Trường hợp 3: Giả sử tình huống của cô gái là do bị tài xế tác động, bị đẩy/đuổi ra khỏi xe. Ở đây, việc cô gái rơi khỏi xe không có lỗi (lỗi xuất phát từ tài xế) nên không được xem là hành vi vi phạm pháp luật tương tự với trường hợp 2.

Trường hợp 4: Giả sử hành vi của cô gái là do sử dụng chất kích thích.

Căn cứ Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2022 quy định về trường hợp không xử lý vi phạm hành chính bao gồm: Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết; thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng; thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ; thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng...

Cùng với đó, căn cứ Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Dẫn chiếu theo những quy định trên thì nếu có sử dụng chất kích thích, cô gái vẫn có thể bị xử lý vi phạm hành chính (do không thuộc trường hợp không vị xử lý vi phạm hành chính) hoặc xử lý hình sự tương tự với trường hợp 1.

Ngoài ra nếu chất kích thích là loại mặt hàng bị cấm thì cô gái còn có thể bị xử lý cả về hành vi sử dụng/tàng chữ chất cấm.

Tác giả: Minh Ngọc

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP