Làng nghề bún bánh Huỳnh Dương, xã Diễn Quảng, huyện Diễn Châu có hơn 100 hộ sản xuất, kinh doanh
Hơn 100 hộ làm nghề bún bánh cũng có nghĩa là mỗi ngày có hàng trăm lít nước ngâm tinh bột được xả thẳng ra các con mương mà không qua bất kì khâu xử lý nào. Gặp hôm nắng nóng hay trở trời, mùi của tinh bột ngâm cộng lẫn với nước thải từ các hộ chăn nuôi khiến không khí khu dân cử trở nên ngột ngạt.
Hàng trăm lít nước ngâm tinh bột được xả thẳng ra các con mương mà không qua bất kì khâu xử lý nào
Bà Phan Thị Tuyết - Xóm Huỳnh Dương, xã Diễn Quảng nói: Cực kỳ khó chịu nhưng nhưng không dễ dàng để có thể giải quyết được vì mùi ở lâu rồi cũng quen nhưng nghề thì không thể bỏ vì liên quan đến mưu sinh, miếng cơm, manh áo hàng ngày.
Mấy năm gần đây, làng nghề mộc truyền thống ở phường Quang Phong, Thị xã Thái Hòa còn được gọi là làng ung thư. Chưa thể xác định nguyên nhân, nhưng số người mất vì bệnh ung thư tăng nhanh khiến nhiều người nghĩ ngay đến môi trường làm nghề ở đây.
Đường vào làng nghề mộc Quang Phong - TX Thái Hoà
Có nghề từ lâu và được công nhận làng nghề từ năm 2002, làng nghề mộc Quang Phong từ đó đến nay đã phát triển nhanh chóng cả về quy mô sản xuất cũng như số lượng hộ làm nghề. Công nghệ sản xuất đồng thời cũng phong phú hơn trước: máy móc nhiều, hóa chất sử dụng cũng nhiều hơn. Người làm nghề buộc phải đánh đổi sức khỏe đã đành, nhưng thiệt thòi cho những gia đình không làm nghề vẫn phải sống trong môi trường độc hại. Phường cũng nỗ lực tìm giải pháp nhưng rất khó, cũng có quy hoạch một vùng riêng rồi nhưng chưa thực hiện được - Bà Nguyễn Thị Phúc - Phó Chủ tịch Phường Quang Phong xho biết.
Phát triển nhanh chóng cả về quy mô sản xuất cũng như số hộ làm nghề đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cho khu dân cư này
Giải pháp xây dựng phòng phun sơn khép kín đã đươc 4 hộ sản xuất tại đây đầu tư nhưng quả thực con số này không thấm vào đâu so với 168 hộ đang hàng ngày sản xuất. Chính vì thế, vào dịp nhu cầu thị trường lớn, các xưởng mộc lại tràn ra cả mặt đường để đánh bóng gỗ và phun sơn. Những lúc như thế các hộ dân sống ở đây chỉ biết đóng cửa và hạn chế ra đường.
Hiện nay, có 119 làng nghề được UBND tỉnh Nghệ An công nhận, 285 làng có nghề do UBND các huyện công nhận. Hoạt động làng nghề đã giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng vạn nông dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Nhiều làng, xã đã làm giàu nhờ phát triển kinh tế làng nghề nhưng vấn đề đảm bảo môi trường tại đây cũng đã đến lúc báo động, và cần sớm có giải pháp.
Tác giả bài viết: Xuân Hướng