Tàu hải giám Trung Quốc tập trận gần Hoàng Sa, tháng 7.2016. Reutes
Ngày 11.10, tại thành phố Hải Phòng đã diễn ra hội thảo “An ninh môi trường và hàng hải vì một Biển Đông xanh”, do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật thành phố Hải Phòng và Hội Thiên nhiên - Môi trường biển thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên - Môi trường Việt Nam tổ chức.
Với 150 đại biểu, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, hội thảo tập trung 3 chủ đề chính: an ninh môi trường Biển Đông; an ninh hàng hải và hàng không ở Biển Đông và các sáng kiến và giải pháp vì một Biển Đông xanh.
Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, cho rằng tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông hiện chưa có nhiều biến động, nhưng những hành động, phát ngôn của Trung Quốc và việc không chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện với Philippines đang gây căng thẳng và có nguy cơ gây xung đột.
Đó là xung đột giữa quyền lợi của các nước lớn (Trung Quốc, Mỹ, Nga...), xung đột về chủ quyền với các nước trong Biển Đông. Xung đột không được giải quyết có thể dẫn đến chiến tranh, ảnh hưởng đến tự do hàng hải, hàng không. Còn GS Eric David (Trung tâm luật quốc tế, Đại học Tự do, Bỉ) nhận xét: “Trung Quốc đang thực hiện “luật rừng” ở Biển Đông. Các quy định về luật biển quốc tế yêu cầu tất cả các nước tham gia phải tôn trọng”.
Để ngăn chặn xung đột, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, các học giả cho rằng dựa trên phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế, các quốc gia cần năng nổ hơn trong vấn đề ở Biển Đông. Trong đó, vai trò của ASEAN là rất lớn. Các quốc gia liên quan, đặc biệt là Trung Quốc phải ngừng tuyên bố chủ quyền và ngồi vào bàn đàm phán để sớm thống nhất Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông.
Tại hội thảo, các học giả cũng trao đổi về môi trường trên Biển Đông đang bị đe dọa nghiêm trọng. GS-TS John MacManus (Đại học Tổng hợp Miami, Mỹ) cho rằng: “Biển Đông đang bị phá hủy kinh khủng. 95% tác động hủy hoại môi trường Biển Đông là do Trung Quốc khai thác tận diệt tài nguyên, phả hủy trầm tích, rạn san hô để lấy vật liệu xây dựng, đào bới, bồi đắp đảo nhân tạo”. Các học giả cho biết đã có 160 km2 rạn san hô bị hủy hoại, gồm 17 km2 do hoạt động bồi đắp, xây dựng kênh cảng.
Tác giả bài viết: Lê Tân