Trong nước

Người thân của cán bộ cũng phải giữ mình

Có không ít trường hợp người thân của cán bộ lãnh đạo lợi dụng ảnh hưởng, vị trí, chức quyền của cán bộ đó để trục lợi

Thay mặt Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Quy định số 96 - QĐ/TW về lấy phiếu tín nhiệm với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị (Quy định 96). Quy định này thay thế Quy định số 262-QĐ/TW, ngày 8-10-2014, của Bộ Chính trị (Quy định 262).

Nhiều điểm mới

So với Quy định 262, Quy định 96 vừa mới ban hành có nhiều điểm mới, quy định cụ thể và chặt chẽ hơn việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Theo Quy định 262, người có trên 1/2 phiếu tín nhiệm thấp chỉ bị xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch chức vụ cao hơn. Nay theo Quy định 96, người có trên 1/2 nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị đưa ra khỏi quy hoạch chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ các chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức; hoặc sẽ bỏ phiếu tín nhiệm.

Theo Quy định 262, người có từ 2/3 phiếu tín nhiệm thấp sẽ được cho từ chức hoặc thôi chức nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quy định 96 quy định người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm.

Như vậy có thể thấy kết quả lấy phiếu tín nhiệm được dùng để đánh giá cán bộ, chứ không phải chỉ để "tham khảo trong đánh giá cán bộ" như quy định trước đây. Bộ Chính trị nêu rõ việc lấy phiếu tín nhiệm góp phần chống tham nhũng, giúp cán bộ tự soi, tự sửa. Diện lấy phiếu tín nhiệm là cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc. Cán bộ chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu thì không cần lấy phiếu tín nhiệm. Theo Quy định 96, phiếu tín nhiệm gồm 3 mức: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp".

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương), cho rằng theo Quy định 262, phiếu tín nhiệm là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ; còn ở Quy định 96 là được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. "Từ "kênh thông tin tham khảo" trở thành "sử dụng để đánh giá cán bộ", Quy định 96 đã trở thành một thước đo quan trọng phản ánh năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ lãnh đạo, quản lý so với trước đây" - ông Hà nhấn mạnh.

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIVẢnh: Lâm Hiển

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, cho biết việc lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai nhiều năm qua, Quy định 96 vừa ban hành sẽ giúp công tác này thực chất hơn, đánh giá cán bộ toàn diện hơn và từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ có các bước xử lý cụ thể, rõ ràng thay vì chỉ "tham khảo trong đánh giá cán bộ" như trước đây. Theo ông Phúc, việc bổ sung, hoàn thiện quy định cùng với quá trình thực hiện công khai, minh bạch sẽ đánh giá được cán bộ một cách thực chất, từ đó có những quyết định quan trọng trong việc quy hoạch, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Yêu cầu sự gương mẫu của gia đình

Đáng chú ý, kế thừa Quy định 262, Quy định 96 tiếp tục đưa sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước vào các tiêu chí để lấy phiếu tín nhiệm.

Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, dù tiêu chí sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con đã được nêu tại Quy định 262 từ năm 2014, nhưng trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, tiêu chí này chưa được đánh giá thực chất. Các bước lấy phiếu tín nhiệm vừa qua đang tập trung vào bản thân cán bộ được lấy phiếu mà chưa chú trọng đến yếu tố gia đình, người thân - là vấn đề được người dân, dư luận rất quan tâm. Trên thực tế, có không ít trường hợp vợ hoặc chồng, con của cán bộ giữ vị trí lãnh đạo lợi dụng ảnh hưởng, vị trí, chức quyền của cán bộ đó để trục lợi. "Khi để xảy ra trường hợp đó, người chịu trách nhiệm chính vẫn là cán bộ. Chúng ta thường có câu "một người làm quan, cả họ được nhờ", nên bản thân người cán bộ phải có ý thức trách nhiệm để trong gia đình mình không xảy ra việc lợi dụng ảnh hưởng để trục lợi" - ông Phúc nhấn mạnh. Theo ông Vũ Trọng Kim, đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, khi người thân trong gia đình lợi dụng ảnh hưởng của cán bộ có chức quyền để trục lợi thì bản thân người cán bộ đó không thể thoái thác trách nhiệm.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bình luận: "Trong văn bản hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định số 102 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành cũng nêu rõ đảng viên phải chịu trách nhiệm liên đới nếu thiếu trách nhiệm trong nhắc nhở, giáo dục dẫn đến có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội.

Người bỏ phiếu tín nhiệm phải công tâm

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng Quy định 96 của Bộ Chính trị nêu rõ trách nhiệm của người ghi phiếu (tức người tham gia bỏ phiếu tín nhiệm - PV). Theo đó, người tham gia bỏ phiếu tín nhiệm phải thể hiện trách nhiệm rất cao của mình trước Đảng, trước dân khi đặt bút ghi vào lá phiếu. Người bỏ phiếu phải có bản lĩnh, công tâm, khách quan để không rơi vào cảm tính, thân quen thì bỏ phiếu tín nhiệm cao, không thân quen bỏ phiếu tín nhiệm thấp.

Tác giả: Văn Duẩn - Minh Chiến

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP