Bạn cần biết

Người đàn ông đột quỵ vì sự chủ quan nhiều người hay mắc

Có tiền sử huyết áp cao nhưng tự ý bỏ thuốc, người đàn ông nhập viện trong tình trạng liệt hoàn toàn nửa người phải, đại tiểu tiện không tự chủ.

Tự ý bỏ thuốc điều trị huyết áp là sai lầm phổ biến của người bệnh. Ảnh: Freepik.

Một ngày trước khi nhập viện, ông P.V.K. (63 tuổi, Phú Thọ) có biểu hiện lơ mơ, không trả lời khi được gọi hỏi, nằm bất động và mất kiểm soát đại tiện. Gia đình đã tự cho ông uống thuốc nam nhưng tình trạng không cải thiện.

Khi được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn, ông K. rơi vào trạng thái hôn mê, suy hô hấp, nhân trung lệch trái, phản xạ nuốt kém, liệt nửa người phải, và mất kiểm soát đại tiểu tiện.

Huyết áp người bệnh đo được lên đến 220 mmHg - chỉ số rất nguy hiểm, thuộc nhóm tăng huyết áp cấp cứu. Ở mức huyết áp này, nguy cơ tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan đích như não, tim, thận hoặc mắt tăng cao, thậm chí có thể đe dọa tính mạng nếu không được can thiệp kịp thời.

Theo gia đình, ông K. có tiền sử cao huyết áp nhưng đã tự ý ngừng uống thuốc điều trị.

Ảnh chụp cắt lớp vi tính sọ não cho thấy ông bị nhồi máu não diện rộng, não bên trái có chèn ép não thất bên phải. Các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu chẩn đoán người bệnh suy hô hấp, nhồi máu não diện rộng nghi do tắc động mạch não giữa và tăng huyết áp.

Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản để bảo vệ đường thở, hỗ trợ hô hấp bằng máy thở, đồng thời đặt ống thông dạ dày để cung cấp dinh dưỡng và sonde bàng quang để hỗ trợ tiểu tiện. Tuy nhiên, sau 3 ngày điều trị, tình trạng tri giác của ông cải thiện rất ít, điểm Glasgow chỉ đạt 10, kèm theo tăng tiết đờm dãi, không có phản xạ ho khạc và nuốt kém.

Các bác sĩ nhận định bệnh nhân tiên lượng nặng, cần hỗ trợ hô hấp lâu dài. Thủ thuật mở khí quản đã được tiến hành để hỗ trợ hô hấp hiệu quả hơn.

Sau 10 ngày điều trị, huyết động của người đàn ông đã ổn định. Người bệnh có thể ngưng thở máy, chuyển sang thở oxy và được các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn tiếp tục theo dõi.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, những tháng cuối năm, khi thời tiết chuyển lạnh cũng là thời điểm các trường hợp nhập viện do đột quỵ có xu hướng tăng. Một phần nguyên nhân là không khí lạnh gây tác động đến sự co dãn hệ thống mạch máu, làm tăng huyết áp và tăng hoạt động của tim.

Bên cạnh đó, thói quen sinh hoạt kém lành mạnh cũng góp một phần không nhỏ dẫn đến tình trạng đột quỵ nói chung hay xuất huyết não nói riêng. Lý giải điều này, PGS Thắng chỉ ra các ca nhập viện cuối năm có các điểm chung là: nam giới, huyết áp rất cao nhưng không duy trì việc uống thuốc, thường xuyên uống bia, rượu.

Ông nhấn mạnh với người bệnh cao huyết áp, việc tuân thủ điều trị là yếu tố then chốt để sức khỏe ổn định. Nếu uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ, huyết áp có thể được giữ ở mức bình thường, giảm nguy cơ nhồi máu não hoặc xuất huyết não.

Vị chuyên gia khuyến cáo khi bị cao huyết áp, người bệnh nên xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh:

Hạn chế rượu bia thuốc lá

Thường xuyên vận động

Không thức khuya...

Hạn chế lo lắng, căng thẳng

Không để cơ thể tăng cân, béo phì

Khi có bất cứ dấu hiệu lạ nào, nên đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Giờ vàng để cấp cứu đột quỵ là từ 3-4,5 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng. Nếu chậm trễ, người bệnh có thể phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm hay thậm chí tử vong.

Tác giả: Kỳ Duyên

Nguồn tin: znews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP