Số hóa

Nghi vấn đáng sợ: Google Maps đang "tẩy não" toàn nhân loại

Người dùng Google Maps vừa nhận được một cảnh báo về việc đang bị "lái" nhận thức mà không hề hay biết?

Google Maps được biết đến như một công cụ dẫn đường quen thuộc của hơn 1 tỷ người mỗi tháng trên toàn cầu, hiện ứng dụng này đang đối mặt với một nghi vấn đáng lo ngại rằng nó có đang âm thầm "thao túng và điều khiển" nhận thức của người dùng hay không?

Một lý thuyết mới, được thúc đẩy bởi các thay đổi gây tranh cãi gần đây trên bản đồ, cho rằng ứng dụng này có thể đang thao túng cách chúng ta nhìn nhận thế giới một cách tinh vi mà chúng ta không hề hay biết.

Google Maps đang thao túng tư duy loài người?

Cuộc tranh luận bùng lên sau những thay đổi địa danh như đổi tên "Vịnh Mexico" thành "Vịnh Hoa Kỳ" hay đảo ngược tên "Núi Denali" về lại "Núi McKinley". Các nguồn tin cho rằng những thay đổi này không phải lỗi kỹ thuật mà xuất phát từ các chỉ thị mang màu sắc chính trị. Đáng lo ngại hơn, xuất hiện cáo buộc rằng Google đã và đang xóa các đánh giá, bình luận tiêu cực của người dùng về những thay đổi này, làm dấy lên nghi ngờ về việc kiểm soát thông tin và định hướng dư luận.

Mặc dù việc thay đổi tên gọi có vẻ nhỏ nhặt, một số nhà nghiên cứu và nhà đạo đức công nghệ cảnh báo rằng tác động có thể sâu sắc hơn nhiều, liên quan đến khái niệm "nhận thức mở rộng" (extended cognition). Lý thuyết này cho rằng các công cụ kỹ thuật số, đặc biệt là những ứng dụng gắn bó mật thiết như Google Maps, dần trở thành một phần không thể tách rời của quá trình tư duy con người. Chúng không chỉ đơn thuần hỗ trợ mà còn thay thế các chức năng não bộ quan trọng như ghi nhớ, định hướng không gian và ra quyết định. Nói cách khác, Google Maps đang "nhớ thay" và "suy nghĩ thay" chúng ta ở một mức độ nào đó.

Nếu chấp nhận tiền đề này, thì những thay đổi được thực hiện trên Google Maps mà người dùng không nhận thức đầy đủ hoặc không đồng thuận có thể âm thầm thay đổi chính cách suy nghĩ và nhận thức của người dùng. Đây được gọi là cơ chế "ảnh hưởng thụ động" (passive influence). Việc liên tục nhìn thấy một thông tin mới (ví dụ: tên địa danh mới), đặc biệt khi những ý kiến trái chiều bị hạn chế hoặc xóa bỏ, có thể khiến não bộ dần chấp nhận thông tin đó như một sự thật hiển nhiên, ngay cả khi ban đầu có sự nghi ngờ.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng ranh giới giữa một công cụ công nghệ hữu ích và một công cụ thao túng đang trở nên mờ nhạt. Mối lo không chỉ dừng lại ở việc đổi tên vài địa danh vì lý do chính trị, mà là câu hỏi lớn hơn: Ai đang kiểm soát cách chúng ta trải nghiệm và hiểu về thế giới? Khi các nền tảng công nghệ mà chúng ta phụ thuộc bắt đầu "biên tập" lại thực tại, dù chỉ một cách tinh vi, liệu nhận thức của chúng ta có còn hoàn toàn độc lập? Theo các nhà đạo đức công nghệ, đây có thể là "sự ép buộc đội lốt tiện lợi".

Khi điện thoại thông minh và các ứng dụng như Google Maps ngày càng trở thành "phần mở rộng của tâm trí", việc nhận thức rõ ràng về cách chúng có thể định hình, thậm chí thao túng, suy nghĩ của chúng ta là điều vô cùng quan trọng.

Tác giả: Đào Hoàng - BGR

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP