Trong tỉnh

Nghệ An: Xây khu du lịch không phép trên đất lâm nghiệp?

Mặc dù không được bất cứ cơ quan nào cấp phép nhưng một khu du lịch sinh thái do một cá nhân tự xây dựng vẫn ngang nhiên “mọc” lên. Điều đáng nói hơn là khu du lịch này đã hoạt động được hơn một năm trong khu vực biên giới mà cơ quan chức năng không hề hay biết?

Lần theo phản ánh của người dân, chúng tôi có mặt tại bản Vều I, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Từ mốc đề khu vực biên giới, do Bộ đội biên phòng Nghệ An cắm, chúng tôi đi gần 16km và có mặt tại khu du lịch sinh thái Cây Sung. Theo phản ánh của người dân, khu du lịch sinh thái này do cá nhân ông Nguyễn Ngọc Đồng, một cư dân tại thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn xây dựng.

Ngôi nhà chính trong khu du lịch sinh thái Cây Sung.
Ngôi nhà chính trong khu du lịch sinh thái Cây Sung.

Từ đầu đường đi vào cột mốc biên giới, có biển hiệu to giới thiệu: “Khu du lịch sinh thái Cây Sung. Gồm có các dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ, karaoke…”.

Theo quan sát của phóng viên, khu du lịch này được xây dựng trên diện tích đất hàng ngàn m2, có đường vào, cổng, sân làm bằng bê tông, có một khu nhà hai tầng và một nhà ngang cấp 4, có các dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ, karaoke, bơi lội…

Khi chúng tôi vào nhà hàng, đặt thực đơn ăn uống thì có đầy đủ từ đồ rừng đến đồ biển. Tiếp xúc với chủ tại đây, được biết khu du lịch này rất đông khách, khách đến đây vì muốn được tìm hiểu về rừng núi, tắm mát trong rừng và ăn các đặc sản rừng như lợn rừng, nhím, kỳ đà…

Ông Nguyễn Ngọc Minh (con trai cả ông Đồng - PV) là người quản lí của khu du lịch, hồn nhiên cho biết: “Khu này bọn em làm được gần hai năm rồi. Trước dựng nhà sàn bằng gỗ, hoạt động được hơn nửa năm thì bị lũ cuốn trôi. Giờ bọn em đổ bê tông xây kiên cố luôn. Thỉnh thoảng anh đưa bạn bè lên đây chơi thích lắm. Món gì cũng có, đặc biệt đồ rừng là đặc sản và là đồ sạch hết”.

Một khu du lịch sinh thái “mọc” lên trên đất lâm nghiệp và ở vị trí “nhạy cảm” nhưng vẫn được xây dựng xong và ngang nhiên tồn tại.
Một khu du lịch sinh thái “mọc” lên trên đất lâm nghiệp và ở vị trí “nhạy cảm” nhưng vẫn được xây dựng xong và ngang nhiên tồn tại.

Một người dân tại bản Vều 1, xã Phúc Sơn, cho hay: “Cách đây 2 năm ông Đồng dựng nhà sàn gỗ nhưng bị lũ cuốn trôi. Nay, ông Đồng lại xây nhà kiên cố 2 tầng để làm khu du lịch với nhiều loại hình dịch vụ. Thấy khách khứa vào ra chơi nhởi, ăn uống cũng đông. Nghe nói là họ xây dựng không có phép, lại xây trên đất lâm nghiệp và khu vực biên giới nhưng không hiểu sao không bị xử lý?”.

Một khu du lịch được mọc lên trên đất lâm nghiệp và hoạt động ngang nhiên trong khu vực biên giới, khiến bất kỳ ai nhìn thấy cũng không khỏi băn khoăn.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tráng - Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn, cho biết: “Đó là đất lâm nghiệp UBND tỉnh giao cho xã quản lí từ năm 2010, nhưng là bãi bồi bên sông. Năm ngoái ông Đồng làm nhà sàn, xã đã vào kiểm tra và đình chỉ. Sau đó bị lũ cuốn, ông làm nhà xây xã cũng đã yêu cầu dừng không được phép làm tiếp nhưng ông vẫn làm, xã cũng đã báo cáo Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện rồi”. Tuy nhiên, khi hỏi về biên bản kiểm tra và văn bản báo cáo thì vị chủ tịch này không trình được bất kỳ văn bản nào.

Ông Đặng Duy Đô - Phó trưởng phòng TN&MT huyện Anh Sơn, cho biết: “Chúng tôi không hề biết việc có khu du lịch và nhà hàng xây dựng trong đó. Cũng chưa nghe xã báo cáo khi nào cả. Với thông tin này chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lí”.

Tác giả: Phạm Tuân – Quách Bình

Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường

  Từ khóa: sinh thái ,khu du lịch

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP