Trong tỉnh

Nghệ An sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu buông lỏng quản lý khoáng sản

“Kiên quyết xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật đối với cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, nhất là người đứng đầu buông lỏng lãnh đạo, quản lý…”.

Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đối với công tác bảo vệ, quản lý khoáng sản trên địa bàn thời gian tới và yêu cầu người đứng đầu chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý khoáng sản phải chủ động nắm chắc tình hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, bảo đảm an ninh, trật tự.

Tuy nhiên, đằng sau câu chuyện về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quản lý, khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến vấn đề bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia cần bàn thảo hơn nữa.

Thất thu từ…công tác quản lý?

Tình trạng vi phạm buông lỏng quản lý, “làm ngơ” của các tổ chức, cá nhân khiến thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản vốn dĩ được xem như “báu vật” của quốc gia đang được dư luận quan tâm. Bởi với tầm nhìn vĩ mô về cách quản lý xét từ góc độ trầm tích hình thành, nếu nguồn tài nguyên quốc gia không được bảo vệ và khai thác một cách khoa học thì nguy cơ cạn kiệt trong nay mai và phải mất hàng nghìn năm mới có thể khôi phục lại được.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, từ hàng chục năm trước, xu hướng tích trữ nguồn khoáng sản thô đã được các nước trên thế giới áp dụng nhằm ngăn chặn tình trạng “chảy máu” các chủng loại nguồn tài nguyên quý hiếm của đất nước ra bên ngoài.

Ở khu vực Châu Á, các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Nhật Bản đã sớm tìm mọi cách ngăn chặn tình trạng xuất khẩu thô khoáng sản ra nước ngoài, thay vào đó, họ tìm mọi cách nhập loại hàng này dưới dạng thô về để “bảo toàn” nguồn nguyên liệu, phục vụ các ngành công nghiệp phụ trợ liên quan.

Vậy nhưng, ở Việt Nam, tình trạng cho phép xuất khẩu loại khoáng sản thô như đá hoa trắng vẫn còn diễn ra, thậm chí với quy mô ồ ạt với lý do “giải cứu khó khăn cho doanh nghiệp” và muôn vàn lý do “logic” khác nhau nữa. Hiện nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản đá hoa trắng dạng thô tại huyện Quỳ Hợp vẫn nườm nượp ngược xuôi xuống các cảng Cửa Lò (Nghệ An) và Nghi Sơn (Thanh Hoá) để xuất đi các nước.

Nguồn tài nguyên khoáng sản nếu không được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt sẽ để lại nhiều hệ luỵ về kinh tế - xã hội, môi trường trong tương lai

Thống kê của Sở Công Thương Nghệ An, trong những năm gần đây, số lượng xuất khẩu đá hoa trắng thô (đá hộc) chiếm tới 76%, còn lại lượng hàng hoá cùng tên được chế biến dưới dạng đá bột siêu mịn lại chỉ chiếm 24% trong tổng sản lượng. Chưa nói tới vấn đề nguồn khoáng sản thô đang bị “chảy máu” nhưng việc duy trì cho phép doanh nghiệp xuất đi loại hàng hoá này đang khiến doanh nghiệp tiên phong đầu tư hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại để chế biến thành sản phẩm tinh luyện bị chèn ép, thậm chí rơi vào cảnh ế ẩm.

Nguyên nhân được xác định ở khâu giá trị gia tăng nằm ở khâu chế biến quá cao nên khách hàng thường lựa chọn mua sản phẩm ở dạng thô để giảm thuế, phí... Có nghĩa là, nếu giá bán nguyên liệu thô đá hộc xuất khẩu dao động khoảng 16$ - 17$/ tấn, tương đương 370.000 VND/tấn thì giá bán ở dạng chế biến sâu sẽ rơi vào khoảng 152 USD/ tấn.

Theo báo cáo của Cục Hải quan Nghệ An, năm 2022 tỉnh Nghệ An xuất khẩu 8 triệu tấn đá và thu được 128,00 triệu USD tương đương quy đổi VND là 2.944 tỷ đồng. Còn khi áp dụng mức giá chế biến sâu theo chuỗi giá trị sản phẩm, hạt Taical (hạt độn nhựa), 8 triệu tấn đá nói trên sẽ thu về ở mức tương đương 2.782 triệu USD, tương đương 63.986 tỷ VND.

Con số này cho thấy, với khối lượng hàng hoá tương đương, nếu chúng ta duy trì xuất thô sẽ gây thất thu lên tới 61.042 tỷ VND mỗi năm. Đó là mới chỉ con số về khối lượng đá hoa trắng xuất đi ở địa bàn tỉnh Nghệ An, chưa tính tới số lượng đá hoa trắng ở tỉnh Yên Bái được khai thác, xuất đi.

“Dơ cao” cần phải “đánh mạnh”

Theo quan điểm của Nghị quyết 10-NQ/TW được ban hành vào ngày 10/02/2022 nhằm tổng kết, tìm ra nguyên nhân và đề ra giải pháp sắp tới về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng nêu rất rõ như sau: “Tài nguyên địa chất, khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ; được quản lý tập trung, thống nhất; khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả”.

Trước đó, Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành vào ngày 25/4/2011 cũng nêu quan điểm về chính sách dự trữ và xuất khẩu khoáng sản là hạn chế, tiến tới sớm chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô, chưa qua chế biến hoặc chỉ ở dạng sơ chế; không xuất khẩu các loại khoáng sản quan trọng, có ý nghĩa chiến lược.

Tuy nhiên, tình trạng khai thác khoảng sản rồi xuất bán theo kiểu bán “lúa non” ở Nghệ An và một số địa phương khác trên địa bàn cả nước vẫn còn xảy ra với số lượng lớn trong thời gian qua.

Liên quan đến sai phạm trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn, vào tháng 6/2022, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ An đã công bố nội dung liên quan đến công tác thi hành kỷ luật đối với các cán bộ huyện Quỳ Hợp do có trách nhiệm liên quan trong vụ việc khai thác đá trái phép tại xóm Kèn, xã Châu Lộc.

Nhiều ngọn núi bị "móc ruột", đào bới trong thời gian quan tại huyện Quỳ Hợp, nơi được như "thủ phủ" khoáng sản của Nghệ An và Bắc Trung Bộ

Theo đó, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp đã thiếu kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới nên không kịp thời phát hiện để có biện pháp xử lý dứt điểm việc khai thác đá trái phép tại xóm Kèn, xã Châu Lộc. Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Nghệ An xét thấy vi phạm của ông Tùng làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân, tổ chức Đảng và cơ quan nơi công tác. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Đình Tùng bằng hình thức khiển trách.

Còn ông Lê Sỹ Hào – Trưởng phòng và ông Nguyễn Minh Khôi – Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Hợp đã có hành vi vi phạm thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; Không kịp thời báo cáo lãnh đạo UBND huyện về kết quả kiểm tra việc khai thác đá trái phép tại xóm Kèn, xã Châu Lộc bị đề nghị kỷ luật cảnh cáo.

Mới đây, tại Quyết định số 1562/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An được ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký, ban hành vào ngày 01/6/2023 nêu rõ: Người đứng đầu chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý khoáng sản phải chủ động nắm chắc tình hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, bảo đảm an ninh, trật tự. Nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý để mọi hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản phải được phát hiện sớm, ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Kiên quyết xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật đối với cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, nhất là người đứng đầu buông lỏng lãnh đạo, quản lý, lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi, vụ lợi cho bản thân hoặc bao che, tiếp tay, can thiệp, tác động dưới mọi hình thức để người khác thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, để xảy ra vi phạm hoặc không cương quyết xử lý sau khi phát hiện vi phạm về khoáng sản trên địa bàn. Tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý nhà nước; bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ mạnh để làm tốt công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.

Đặc biệt, UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các cấp, ngành phải nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý để mọi hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản phải được phát hiện sớm, ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Tác giả: NGỌC THÁI

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP