Kế hoạch hướng đến mục tiêu đổi mới phương thực vận động, tập hợp nông dân; xây dựng Hội Nông dân các cấp vững mạnh, hoạt động hiệu quả, thực sự là tổ chức đại diện quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ học vấn, kiến thức khoa học kỹ thuật, năng lực tổ chức sản xuất cho nông dân, phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Hàng năm phấn đấu thực hiện các mục tiêu: Kết nạp ít nhất 10.000 hội viên nông dân; 100% cán bộ chuyên trách Hội Nông dân, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội, kiến thức nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Đào tạo, bồi dưỡng nghề cho ít nhất 6.000 lao động nông thôn; bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho 1.000 nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trở lên; thành lập mới 10 Chi hội Nông dân nghề nghiệp, 100 Tổ hội Nông dân nghề nghiệp.
Các cấp Hội Nông dân vận động, tư vấn, hỗ trợ thành lập ít nhất 5 hợp tác xã và 25 tổ hợp tác trong nông nghiệp; có ít nhất 60% hội viên đăng ký phấn đầu và có ít nhất 50% số hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; 100% hội viên nông dân tham gia bảo hiểm y tế; có thêm 6.000 nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện 07 nhiệm vụ, giải pháp gồm: Tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị; Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ hội đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết nông dân, nâng cao hiệu quả phong trào nông dân; Phát huy vai trò của Hội Nông dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Động viên nông dân tích cực tham gia các Chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; Chủ động hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh đối ngoại nhân dân.
UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị chủ động, tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời và đầy đủ các nội dung Kế hoạch này; xác định rõ về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Xác định nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 69/NQ-CP, Kế hoạch số 257-KH/TU và các văn bản có liên quan ở các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương.
Đồng thời, gắn với Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 19/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo; Chương trình số 49-CT/TU, ngày 13/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19- NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai Nghị quyết số 46-NQ/TW, Kế hoạch số 257-KH/TU và Kế hoạch này gắn với tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý của mình; định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo UBND tỉnh (thông qua Hội Nông dân tỉnh) kết quả thực hiện theo quy định.
Tác giả: Kim Oanh (T/h)
Nguồn tin: nghean.gov.vn