Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương nằm ở xóm 12, xã Đà Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Đây là bệnh viện tuyến huyện được thành lập và hoạt động đã hàng chục năm nay với quy mô hiện tại hàng trăm giường bệnh.
Tuy nhiên, thời gian qua người dân sống xung quanh bệnh viện này liên tục phản ánh đến cơ quan báo chí những bất cập về vấn đề xử lý môi trường tại cơ sở y tế này. Tình trạng ô nhiễm môi trường đang khiến cho người dân sống trong trạng thái tâm lý bất an, lo lắng và bức xúc.
Cổng vào Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương |
Theo phản ánh, trưa ngày 17/02/2022, PV có mặt tại bệnh viện này để tìm hiểu thực hư sự việc. Khi thấy PV xuất hiện, có nhiều người dân đang bắt cá tại thửa ruộng phía sau cổng số 3 của bệnh viện nêu trên đã chủ động đến hỏi chuyện và đồng loạt “tố” về vấn đề bệnh viện này gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài.
Trong tâm trạng bức xúc vì nhà ở cách khu vực xử lý rác thải, nước thải của bệnh viện, ông Nguyễn Nhật Hà, ở xóm 3, xã Đà Sơn, phản ánh: Chúng tôi không biết bệnh viện hợp đồng với đơn vị nào, thu gom, vận chuyển các loại rác thải ra sao nhưng cứ khoảng 1 đến 2 tháng là lại thấy người của bệnh viện đốt loại rác gì đó ở sát bờ rào phía sau. Khi đốt rác thải cháy khói bốc khét lẹt, gây ô nhiễm môi trường. Có lần thấy họ đốt tôi đã phải chạy sang để nhắc nhở nhưng họ không phản hồi.
Cổng số 3 là nơi vào khu vực xử lý rác thải của bệnh viện |
“Còn về nước thải của bệnh viện thì tôi khẳng định là họ chưa có hệ thống xử lý đạt chuẩn. Nước thải sinh hoạt và nước thải y tế đều cho vào chung một nơi rồi đổ ra môi trường. Mầm bệnh từ các chất thải này ra ngoài khiến cho môi trường bị ô nhiễm, nguy cơ lây lan các mầm bệnh cho người dân xung quanh là không hề nhỏ” – Ông Hà, lo lắng phản ánh.
Dẫn PV đi ra chiếc ao rộng hàng nghìn m2 ngay sát bờ rào phía sau bệnh viện. Ông Hà kể tiếp: Chiếc ao này là của ông Phạm Ngọc Phú, cũng ở xóm 3, xã Đà Sơn. Ông Phú dùng ao này để thả cá và nuôi vịt. Thế nhưng theo ông Hà thì có 1 ống xả thải của bệnh viện xả trực tiếp xuống chiếc ao nói trên của ông Phú nên nước ao khó có thể tránh khỏi ô nhiễm môi trường.
Nước ao phía sau bệnh viện nhìn từ trên cao có màu đen đục. Người dân cho rằng do bệnh viện xả thải chưa qua xử lý đạt chuẩn |
Theo tìm hiểu của PV, đối với hệ thống xử lý nước thải, một số bệnh viện tuyến huyện ở tỉnh Nghệ An không có hệ thống xử lý, trong khi đó nước thải hàng ngày ở các bệnh viện thải ra là không hề nhỏ. Trung bình mỗi ngày một bệnh viện tuyến huyện thải ra hàng chục m3 nước thải ra các ao hồ, đồng ruộng. Điển hình như trường hợp của Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương đã phản ánh ở trên.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Lê Đức Hải – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương, thừa nhận rằng, bệnh viện này chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải nên việc xả thải ra bên ngoài có các chỉ số vượt quy chuẩn cho phép là điều không thể tránh khỏi.
“Bệnh viện hiện nay vẫn chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn nên khi nước thải thải ra môi trường cũng khó đạt chuẩn. Hàng năm, các cơ quan chức năng như Phòng Cảnh sát môi trường, Chi cục bảo vệ môi trường…có tiến hành kiểm tra và xử phạt đơn vị” – Ông Hải, thừa nhận.
Bệnh viện chưa được đầu tư hệ thống xử lý môi trường bài bản mà mới chỉ có một nhà điều hành hệ thống xử lý rác thải |
Cũng theo ông Hải, hiện nay đang có dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải do Sở Y tế Nghệ An làm chủ đầu tư. Thế nhưng do có một số lý do nên đến nay vẫn chưa thực hiện mời thầu lựa chọn nhà thầu xây dựng.
Còn liên quan đến người dân phản ánh về hiện tượng đốt rác ngay trong khuôn viên bệnh viện, gây ô nhiễm môi trường thì ông Hải khẳng định rằng không hề có hiện tượng trên. “Về rác thải thì chúng tôi làm bài bản. Rác thải y tế, rác thải nguy hại chúng tôi ký hợp đồng với Công ty Phú Hà để thu gom chở đi xử lý. Còn rác thải sinh hoạt của bệnh viện thì chúng tôi ký hợp đồng với Công ty môi trường Đô Lương để thu gom, vận chuyển đến bãi rác của huyện tại xã Hồng Sơn để xử lý” – Ông Hải khẳng định.
Khu vực xử lý môi trường của bệnh viện nằm sát khu dân cư |
Được biết, trong Quyết định số 2174/QĐ-UBND, ngày 30/6/2021 của UBND tỉnh Nghệ An “Về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương” thì Khu đất quy hoạch của bệnh viện này có diện tích 19.962,6m2. Mật độ xây dựng 40,44%. Công trình có 41 hạng mục chính. Trong đó, có nhà lưu trữ và phân loại rác thải với diện tích 34,1m2; bể điều hoà xử lý nước thải với diện tích xây dựng là 114,24m2; Cụm thiết bị hợp khối xử lý nước thải với diện tích xây dựng là 116,84m2 và nhà điều hành trạm xử lý nước thải với diện tích 23,06m2. Tuy nhiên, tất cả các hạng mục nêu trên đều chưa được đầu tư xây dựng. Duy nhất hiện nay chỉ có hạng mục nhà điều hành hệ thống xử lý rác thải với diện tích 28,7m2 là đã được xây dựng.
Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương khiến người dân sống xung quanh lo lắng, bất an và bức xúc vì vấn đề môi trường chưa được quan tâm đúng mức |
Trao đổi về vấn đề ô nhiễm môi trường tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương, ông Đinh Sỹ Khánh Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An, cho hay: Việc Bệnh viện này chưa có hệ thống xử lý nước thải là có thật. Phía ngành TN&MT tỉnh Nghệ An hàng năm đều có kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt và yêu cầu ngành Y tế sớm đầu tư hệ thống xử lý rác thải, nước thải đầy đủ. Tuy nhiên, đến nay thì mọi việc vẫn đang chưa có chuyển biến.
Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương hoạt động đã hàng chục năm nay nhưng chưa chú trọng đầu tư cơ sở vật chất để xử lý môi trường đã khiến cho môi trường bị ô nhiễm, người dân sống xung quanh lo lắng, bức xúc kéo dài.
Tác giả: Đình Tiệp
Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường