Trong tỉnh

Nghệ An: Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó

Năm 2023, doanh nghiệp ở Nghệ An nỗ lực vượt khó trong tình hình kinh tế suy thoái tác động sâu rộng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Theo số liệu của UBND tỉnh Nghệ An, năm 2023, số doanh nghiệp thành lập mới giảm, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng. Từ đầu năm đến ngày 21/9/2023 có 1.463 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2022; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 16,35%; có 176 doanh nghiệp giải thể, tăng 43,09%...

UBND tỉnh Nghệ An giao ban với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các Hội doanh nghiệp để lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn


Hiện toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 14.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Cơ cấu, quy mô doanh nghiệp của Nghệ An còn khiêm tốn, với khoảng 97% doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Hai năm qua, doanh nghiệp hết sức khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực dệt may. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, từng bước phục hồi và đạt những kết quả tích cực.

Ông Trần Anh Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Nghệ An cho biết: “Thời gian qua, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi loại hình doanh nghiệp có những khó khăn khác nhau. Và khó khăn nhất là đối với doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh, giá nguyên vật liệu tăng, chi phí sản xuất tăng nhưng đơn hàng giảm, doanh thu giảm, phải cắt giảm lao động, cắt giảm các chi phí, có thời điểm phải ngừng hoạt động. Các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp luôn động viên, chia sẻ để đồng hành vượt qua giai đoạn khó khăn này. Cùng với đó, chính quyền cũng luôn đồng hành, tiếp sức cho doanh nghiệp”.

Để đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tỉnh Nghệ An đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là chú trọng cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công và Bộ phận một cửa các cấp; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số...

Ảnh hưởng suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp dệt may ở Nghệ An đã phải cắt giảm hàng nghìn người lao động

Hàng quý, UBND tỉnh giao ban với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các hội doanh nghiệp. Tại các cuộc đối thoại, giao ban, các hiệp hội, doanh nghiệp nêu ra những tồn tại, vướng mắc trong các cơ quan chính quyền, để giúp chính quyền nhìn nhận, có biện pháp tháo gỡ, qua đó, xây dựng môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, doanh nhân.

Về phía các hiệp hội doanh nghiệp đã kịp thời phản ánh ý kiến của doanh nghiệp liên quan đến cơ chế, chính sách, hoạt động sản xuất, kinh doanh, chính sách tín dụng,… làm cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp. Với những nỗ lực đó, đã tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tiếp cận dễ dàng hơn với các nguồn lực về hạ tầng, đất đai, mặt bằng...

Hiện nay, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An đang tiến hành khảo sát, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp. Từ kết quả khảo sát, nắm bắt khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp để tham mưu cho UBND tỉnh giải pháp tháo gỡ khó khăn, ban hành những chính sách kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đây là điểm tựa tinh thần quan trọng giúp đội ngũ doanh nghiệp vững tin, vượt khó để sớm phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tác giả: Duy Chương

Nguồn tin: congthuong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP