Trong tỉnh

Nghệ An: 13/21 huyện, thành, thị có sốt xuất huyết

Tính đến 16 giờ chiều nay (11/8), Nghệ An có 195 người mắc sốt xuất huyết, tăng thêm 01 người so với ngày 10/8. Nghệ An đang tập trung nhiều biện pháp để khống chế, dập dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Lộc khám, điều trị cho 3 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết . Ảnh: Quang Dũng

13/21 huyện, thành, thị có sốt xuất huyết

Thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Nghệ An: Tính đến 16 giờ chiều nay (11/8), Nghệ An có 195 người mắc sốt xuất huyết, tăng thêm 01 người so với ngày 10/8. Sốt xuất huyết đã có mặt tại 13/21 huyện thành thị trong tỉnh, chưa có bệnh nhân tử vong.

Bệnh nhân mới được phát hiện mắc sốt xuất huyết là từ ổ dịch xã Diễn Ngọc. Như vậy tại xã Diễn Ngọc, hiện đã có 82 ca mắc sốt xuất huyết. Tốc độ tăng ca bệnh ở xã đã giảm song tình hình dịch bệnh tại đây vẫn diễn biến phức tạp do thời gian ủ bệnh của sốt xuất huyết có thể kéo dài từ 3 - 6 ngày (một số trường hợp có thể kéo dài đến 15 ngày).

Trong 195 bệnh nhân sốt xuất huyết thì có tới 94 bệnh nhân ngoại lai từ các vùng dịch trở về. Nghệ An đã và đang làm khá tốt việc bao vây, dập dịch. Ngoài 2 ổ dịch ở xã Diễn Thịnh và Diễn Ngọc, chưa để bùng phát thêm ổ dịch nào khác trên địa bàn.

Cán bộ truyền thông trạm y tế Xá Lượng phát tờ rơi cho bà con dân bản Na Bè, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương. Ảnh: May Huyền

Nhìn chung, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn vẫn còn nhiều nguy cơ bùng phát và diễn biến rất phức tạp. Để làm tốt hơn công tác phòng chống sốt xuất huyết, mới đây, Sở Y tế Nghệ An tiếp tục có công văn số 1976/SYT-NVY yêu cầu các đơn vị y tế trong toàn tỉnh khẩn trương dập dịch.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Ngành yêu cầu Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm y tế 21 huyện, thị xã, thành phố Vinh thực hiện và chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở liên quan giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, kịp thời phát hiện các ổ dịch bệnh để thực hiện khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay sau khi phát hiện ổ dịch nhằm hạn chế lây lan ra cộng đồng; tổ chức tập huấn về giám sát phát hiện bệnh, kỹ năng truyền thông, vận động cộng đồng thực hiện vệ sinh môi trường, phác đồ cấp cứu và điều trị bệnh sốt xuất huyết cho cán bộ y tế cơ sở.

Bà con huyện Tương Dương quét dọn, khơi thông cống rãnh, ao tù, nước đọng diệt lăng quăng bọ gậy. Ảnh: May Huyền

Yêu cầu Phòng y tế tham mưu cho UBND huyện, thành, thị và các xã, phường thị trấn tổ chức diệt loăng quăng/bọ gậy trên địa bàn và duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại các khu vực còn lại; phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết và phun hóa chất diệt muỗi triệt để tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch và phun hóa chất diệt muỗi triệt để tại 100% các hộ gia đình tại khu vực ổ dịch theo chỉ đạo của ngành y tế; đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng chống sốt xuất huyết.

Yêu cầu Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng và các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp, phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt công tác thường trực khám, chữa bệnh truyền nhiễm để phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời các ca bệnh có diễn tiến nặng lên; Chuẩn bị và tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh mắc sốt xuất huyết hạn chế tối đa trường hợp tử vong.

Nỗ lực khống chế dịch

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Định - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh: Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức tập huấn nhanh cho các đơn vị về xử lý ổ dịch bệnh, quy trình điều trị; hỗ trợ đầy đủ con người, máy móc, hóa chất cho các huyện đáp ứng đủ, kịp thời dập dịch xảy ra.

Tại ổ dịch xã Diễn Ngọc, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, huyện Diễn Châu và Trung tâm Y tế huyện ưu tiên nhân lực, trang thiết bị, hóa chất để điều trị cho các bệnh nhân đang ở Trạm y tế; tổ chức diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi tại 12/12 xóm dân cư.

Tại huyện Nghi Lộc - địa phương, 5/9 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (mang mầm bệnh từ Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh về) đã được Bệnh viện Đa khoa huyện điều trị khỏi, 1 trường hợp nặng hơn được chuyển tuyến trên. Bệnh viện huyện đang điều trị tích cực cho 3 bệnh nhân còn lại.

Trong quá trình điều trị, bệnh viện đã thông báo kịp thời với các xã có người bị sốt xuất huyết để chủ động phòng chống, tránh lây lan. Và không chỉ các xã có bệnh nhân, huyện Nghi Lộc đã tổ chức hướng dẫn người dân toàn huyện làm tốt công tác vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, loăng quăng, phun thuốc diệt muỗi.

Phun hóa chất diệt muỗi tại các xã, thị ở huyện Nghi Lộc để phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: Quang Dũng

Bác sỹ Trần Quốc Việt - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Nghi Lộc cho hay: Đối phó với tình huống dịch bệnh có thể bùng phát triển địa bàn, hiện Bệnh viện Đa khoa huyện đã bố trí dịch chuyền và 35 gường bệnh, chuẩn bị đủ cơ số thuốc để sẵn sàng thu dung và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết; thành lập đội cấp cứu ngoại viện sẵn sàng hỗ trợ cơ sở khi có yêu cầu cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết.

Tính đến thời điểm này, ở huyện Tương Dương chưa phát hiện có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết song huyện đã tích cực, chủ động phòng chống dịch. Bác sĩ Trần Văn Công - Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tương Dương cho biết: Huyện đã thành lập đội cấp cứu chuyển thương gồm 07 cán bộ, đội phòng chống dịch 10 cán bộ; Huy động 2 xe cứu thương sẵn sàng chủ động khi cơ sở y tế báo cáo có bệnh nhân sốt xuất huyết, tiến hành thu dung bệnh nhân điều trị kịp thời.

Cán bộ y tế huyện Tương Dương yêu cầu, hướng dẫn người dân ngủ màn, tránh bị muỗi đốt. Ảnh: May Huyền

Huyện đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị dụng cụ y tế, máy phun, bình phun và bảo hộ phục vụ phòng, chống dịch và 3 cơ số thuốc phòng chống dịch: Thuốc Cloramin B: 35 kg để vệ sinh môi trường tại các điểm có nguy cơ, 1.000 viên Aquatabs để xử lý nước. Tổ chức truyền thông trực tiếp: tại các cụm dân cư và hình thức lồng ghép họp dân, phát 18 bài truyền thông trên hệ thống truyền thanh xã, 154 bài trên loa phát thanh thôn, bản và phát 2.000 tờ rơi cho cơ sở.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch các xã, thị trấn của huyện Tương Dương đã đồng loạt ra quân thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy, đồng thời phun hóa chất, tăng cường truyền thông trong cộng đồng dân cư... Tuy nhiên theo phản ánh của người dân huyện Tương Dương: Muỗi và bọ gậy trên địa bàn các xã vẫn còn rất nhiều./.

Tác giả: Nhóm PV-CTV

Nguồn tin: Báo Nghệ An

  Từ khóa: sốt xuất huyết ,trẻ em

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP