Giáo dục

Lương khởi điểm giáo viên tăng có là “cú hích” với ngành sư phạm?

Thông tin về chính sách lương mới sắp được công khai, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiết lộ, lương mới của giáo viên mới ra trường sẽ có khởi điểm cao hơn.

Lương mới có thể gấp đôi hiện tại

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, theo lịch trình, lộ trình đổi mới lương sẽ thực hiện từ năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chương trình này chậm lại. Việt Nam như mọi năm đều cố gắng tăng trưởng 6%, năm nay đặt mục tiêu 7%.

Nhưng trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, nếu tình hình từ nay đến cuối năm ổn định mức tăng trưởng là 2% thì mới có thể tính đến mức lương mới.

"Lương mới hiện nay vẫn chưa được công khai nhưng tôi xin chia sẻ, lương mới có khởi điểm cao hơn hiện nay. Dự kiến, lương giáo viên mới ra trường lúc đó tương đồng với ngành khác, thay vì hơn 3 triệu đồng/tháng như hiện nay, lúc đó sẽ là 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, muốn thế nền kinh tế nhất định phải tăng trưởng, phát triển mới có tiền để cải cách lương", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Ngay lập tức thông tin này thu hút sự quan tâm của rất nhiều học sinh, sinh viên đang theo học tại trường sư phạm. Bạn Hà Minh Ánh (sinh viên năm thứ 2 khoa Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Nhận được thông tin sắp tới lương khởi điểm của giáo viên tăng em rất vui mừng. Giáo viên là ngành rất đặc thù nên chỉ khi có một chế độ đãi ngộ tốt, người thầy mới yên tâm cho công tác giảng dạy”.

Băn khoăn không chỉ là lương

Tuy nhiên, không chỉ Ánh mà nhiều sinh viên sư phạm khác trên cả nước đều băn khoăn đến câu chuyện việc làm của sinh viên sư phạm hiện nay. “Sinh viên khoa Ngữ văn chúng em đa số khá khó khăn trong việc tiếp cận với công việc sau khi ra trường. Rất nhiều cơ sở giáo dục thừa giáo viên, rồi sáp nhập các cơ sở giáo dục dẫn đến việc không tuyển mới giáo viên.

Vì vậy, nhiều anh chị khóa trên của em sau khi ra trường không xin được việc, lại đi dạy gia sư… Nhiều người không xin được việc lại học tiếp lên thạc sĩ nhưng cũng rất khó khăn trong việc tiếp cận với việc làm. Nếu được, thay vì hỗ trợ sinh hoạt phí cho chúng em, cùng với việc tăng lương em mong được các lãnh đạo tạo cơ hội trong việc tiếp cận việc làm”, Ánh trăn trở.

Trò chuyện với PV, Nguyễn Quang Hưng- sinh viên năm thứ 3 khoa Toán (trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2) vui mừng trước chính sách nhân văn của Chính phủ đối với giáo viên. “Em nghĩ đa phần giáo viên ở nông thôn, miền núi có đời sống khó khăn. Giá cả mỗi ngày một tăng, thầy cô phải làm thêm rất nhiều nghề để có thể trang trải cuộc sống. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chuyên môn.

Để ngành sư phạm thu hút nhân lực, cần có những chiến lược phù hợp. Nguồn ảnh minh họa: Internet.

Em rất vui khi nghe tin sắp tới lương khởi điểm của giáo viên sẽ tăng. Thời gian này, giáo viên đang đảm nhận trọng trách rất nặng nề trong việc thực hiện đổi mới giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Em nghĩ khi lương thấp, giáo viên không sống được bằng lương thì không thể đòi hỏi họ cống hiến hết mình, chất lượng giáo dục cũng không thể đạt được như xã hội mong muốn”, Hưng bày tỏ.

Còn TS. Lê Viết Khuyến – Trưởng ban hỗ trợ nghiệp vụ các trường đại học cao đẳng (hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) - cho hay: “Nói là lương khởi điểm của giáo viên được nâng lên là một tín hiệu đáng mừng.

Mức 6 triệu đồng cũng không phải là quá cao nhưng tôi nghĩ đó cũng là cố gắng của Chính phủ với mong muốn có đội ngũ sư phạm thực sự tốt. Thời gian qua, bằng cách này hay cách khác, chúng ta đã có những ưu ái nhất định cho sinh viên sư phạm như hỗ trợ gần 4 triệu đồng sinh hoạt phí mỗi tháng và thời gian tới lại là tăng lương khởi điểm.

Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là câu chuyện việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm. Nếu chúng ta hỗ trợ các em sinh hoạt phí, tăng lương nhưng sau khi tốt nghiệp ra trường các em không xin được việc thì cũng vô ích”.

Lê Viết Khuyến trăn trở, hiện nay quy hoạch đào tạo giáo viên của ta đang có vấn đề. Khi thiếu thì ồ ạt tuyển rồi đào tạo, sau đó lại thừa đến hàng nghìn giáo viên. Ngành công an hay quân đội năm nào điểm chuẩn cũng cao nhưng vẫn thu hút được sinh viên giỏi vào, vì sau khi tốt nghiệp họ không bao giờ phải quan tâm đến vấn đề thất nghiệp.

“Quay lại câu chuyện của sinh viên sư phạm, hiện nay chúng ta mới giải quyết được một vế là lương khởi điểm được nâng lên còn vế có việc làm phải ổn định lại chưa được quan tâm. Tôi nghĩ song hành cùng tăng lương, phải giải quyết vấn đề việc làm mới khiến sinh viên giỏi đầu quân vào ngành sư phạm, để sư phạm có được giáo viên giỏi.

Về lời giải lâu dài chuyện sinh viên, nhân lực trong sư phạm lúc thừa lúc thiếu bao năm nay rồi chúng ta phải cương quyết có phương án quy hoạch mạng lưới sư phạm cho tốt chứ không là lúc thừa thì giải tán các trường sau đó thiếu thì mở các trường không tính tới chất lượng của nó.

Tôi cho rằng chừng nào vẫn tồn tại các trường Sư phạm độc lập chuyên đào tạo sư phạm thì tình trạng đó vẫn tiếp tục. Xu hướng chung là chúng ta phải hướng đến đào tạo các trường đa lĩnh vực trong đó có các khoa về sư phạm”, TS Khuyến phân tích.

Phải tạo ra cơ chế liên thông giữa các trường thành viên và các khoa khác nhau và phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả trường nhiều thành viên như thế. Để lúc cần phục vụ cho mục đích đào tạo giáo viên.

Còn khi nhu cầu giáo viên ít thì chuyển các trường đó sang đào tạo nghành nghề khác. Đó mới là chiến lược lâu dài để giải quyết bài toán thừa giáo viên, tạo việc làm tốt cho sinh viên sư phạm”

TS Lê Viết Khuyến.

Tác giả: Công Luân

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP