Du lịch

Làng homestay trên đất mận Bắc Hà

Những năm gần đây ngoài việc trồng mận hậu, nấu rượu ngô, nhiều hộ dân ở huyện Bắc Hà (Lào Cai) còn có thêm nguồn thu nhập từ phát triển du lịch cộng đồng (homestay). Cách làm du lịch của những người Tày, người Mông chất phác, hồn hậu đã níu chân du khách quay trở lại nhiều lần.

Nhàn hơn trồng ngô, trồng mận

Gia đình anh Vàng Văn Ly, thôn Na Lo, xã Tà Chải đã đón khách du lịch đến nhà mình ở được hơn 4 năm nay. Những tháng cao điểm về du lịch, lúc nào nhà anh cũng hết chỗ. “Ban trước đâu có biết hình thức du lịch này gọi là “homestay”. Hồi đó, các công ty du lịch dưới Hà Nội liên hệ với mình, hỏi là có thể cho du khách ở tại nhà mình, nấu nướng cho họ ăn không, vì khách muốn khám phá văn hoá bản sắc dân tộc mình và thích trải nghiệm cuộc sống của người dân. Rồi họ yêu cầu mình sửa lại nhà cửa, mua thêm chăn đệm. Quan trọng nhất vẫn là nhà vệ sinh, lúc nào cũng phải sạch sẽ. Mỗi khách tới, từ ăn, ngủ, nghỉ là 300.000 đồng/người. Làm du lịch kiểu này nhàn hơn đi trồng ngô, trồng mận nhiều. Mỗi tháng gia đình lãi 5 – 6 triệu đồng, còn rất vui nữa vì được gặp nhiều người đến từ các nơi trên thế giới”, anh Ly cho hay.

Du khách đến được trải nghiệm cuộc sống của người dân, cùng đi trẩy mận. (ảnh: L.S)


Ngôi nhà gỗ của anh Ly nằm ngay lưng chừng dốc và được bao quanh bởi những ngọn núi xanh mướt, sát hông nhà là bạt ngàn mận và rau xanh. Trong nhà được dọn dẹp sạch sẽ, chăn mền gấp gọn gàng. Nhà anh không chia phòng, du khách đến ở và sinh hoạt cùng không gian chung với chủ nhà. Lúc cao điểm, anh Ly đón tới 30 khách.

“Mình liên kết với các công ty du lịch, khi nào có khách lên họ chỉ cần gọi điện trước là mình chuẩn bị xong xuôi. Khách Tây đến đây chủ yếu muốn trải nghiệm cuộc sống của người nông dân. Họ cũng đi trẩy mận, lên đồi trồng ngô như nhà mình. Mình ăn uống ra sao cũng nấu luôn cho họ. Thực phẩm từ con gà, con lợn đến rau xanh, nhà đều tự trồng để phục vụ du khách. Có người ở nhà mình thích quá, năm nào cũng mang cả gia đình quay trở lại”, anh Ly nói.

Người dân phải được hưởng lợi

Huyện Bắc Hà đã và đang phát triển du lịch cộng đồng ở 4 điểm: Thôn Bản Phố (xã Bản Phố); thôn Na Lo (xã Tà Chải); thôn Trung Đô (xã Bảo Nhai); thôn Na Hối Tày, Na Hối Nùng (xã Na Hối). Mô hình homestay đã giúp tạo ra nguồn thu nhập khi bà con liên kết với các dịch vụ khác. Ông Nguyễn Văn Luyện – Trưởng phòng Văn hoá huyện Bắc Hà cho hay: “Hiện nay, du khách đến ngắm cảnh, khám phá bản sắc dân tộc theo mô hình du lịch cộng đồng ngày càng nhiều, đem lại thu nhập khá cho người dân. Chẳng hạn, đội văn nghệ của thôn Na Lo có 14 người, có tháng biểu diễn tới 8 buổi, mỗi buổi 2 tiếng giá từ 700.000 - 800.000 đồng. Ngoài ra, các loại nông sản của bà con làm ra cũng tiêu thụ tốt, tạo thu nhập thường xuyên”.

Để tránh tình trạng thương mại hóa như nhiều nơi khác, ông Luyện cho biết: “Chúng tôi hướng tới đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, đào tạo mạng lưới cán bộ cũng như các hộ dân, giúp họ có hiểu biết, kỹ năng làm du lịch. Khác với Sa Pa đã bị thương mại hoá, hình thức du lịch cộng đồng ở Bắc Hà vẫn rất nguyên sơ. Khách đến làng nào được thưởng thức sản vật của làng đó, nghỉ tại đó để người dân hưởng lợi. Huyện cũng có cơ chế ưu đãi, người dân không phải đóng góp bất cứ loại thuế nào...”.

Huyện Bắc Hà đang xây dựng đề án phát triển du lịch giai đoạn 2014 - 2020, với tổng dự toán kinh phí trên 57,7 tỷ đồng. Hàng năm, huyện duy trì tổ chức Tuần lễ Du lịch văn hóa Bắc Hà, trọng tâm là khám phá vẻ đẹp văn hóa làng bản, lễ hội Rước mận Tam hoa, lễ hội Rượu ngô Bản Phố.

Tác giả bài viết: Lê San

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP