Vượt qua mọi khó khăn, các nhà đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA6 (Bộ GTVT) và các đơn vị thi công đưa Dự án Cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt kéo bù tiến độ. Tất cả đều đang quyết tâm cao nhất để dự án về đích đúng tiến độ, đạt chất lượng tốt nhất.
Không khí thi công rầm rộ trên đại công trường Cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt |
Ba bên phối hợp, đưa tiến độ vượt lên
“Lên đây tôi sẽ giải thích cho các anh biết vì sao tôi lại xin chọn đặt bãi đúc dầm ở trên đỉnh núi”, Trung tá Đinh Công Thắng, Phó giám đốc Xí nghiệp 283, Binh đoàn Trường Sơn vừa đi vừa giới thiệu.
Đứng trên đỉnh núi cao, nhìn về 2 phía cầu Thần Vũ 2, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.
Cách đây hơn 1 tháng, cũng tại vị trí này, hai bên vẫn đang trống không. Phía cầu Ồ Ồ chỉ mới dựng được lán công nhân, trạm trộn bê tông nhưng vẫn chưa có điện. Còn phía Nam hầm Thần Vũ, doanh nghiệp đang còn tất bật đi giúp người dân cưa thông để GPMB.
Ấy vậy mà hôm nay, toàn bộ đường công vụ qua đoạn này đã thông suốt. Trên công địa chính, hàng chục thiết bị, máy móc hiện đại cùng hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân đã vào guồng công việc. Nhiều cọc nhồi đã khoan xong, một số trụ cầu cũng đã thành hình…
“Đơn vị chính thức đặt những mũi khoan đầu tiên vào ngày 5/5 và cho đến ngày 7/6 đã khoan được 116/346 cọc nhồi. Một giàn khoan giã mới trị giá gần 20 tỷ đồng cũng đang trên đường đưa về để thi công những cọc ở sườn đồi, vách đá.
Sau hơn 1 tháng, từ chỗ công trường chưa có gì, đến nay sản lượng đã đạt trên 40 tỷ đồng. Trung bình, 1 ngày sản lượng thi công đạt trên dưới 1 tỷ đồng”, Trung tá Thắng cho biết.
Dự kiến trong vòng 3 tháng, Trường Sơn sẽ xong phần khoan cọc nhồi. Dây chuyền lao dầm trị giá hơn 6 tỷ cũng đã được đặt mua. Sau khi hoàn thành mố và trụ, dây chuyền sẽ được lắp trên bãi đúc. Dầm sẽ được lao về cả 2 phía, vừa phù hợp với địa hình đồi núi, vừa đẩy nhanh được tiến độ.
Dự án Cao tốc Bắc - Nam, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt được ký hợp đồng BOT từ giữa tháng 5/2021. Tuy nhiên, sau khi thành lập doanh nghiệp dự án, công trình vẫn “dậm chân tại chỗ” vì nhiều lý do như dịch Covid-19, chưa huy động được nguồn vốn tín dụng; giá nhiên liệu, vật liệu tăng cao; thời tiết khu vực miền Trung khắc nghiệt…
Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ GTVT, sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 bên (Ban QLDA6, nhà đầu tư và đơn vị thi công) mà mọi khó khăn cũng từng bước được tháo gỡ.
Có thời điểm, lãnh đạo Bộ GTVT, Ban QLDA6 đã liên tục có mặt ở công trường để kiểm tra, đôn đốc nhà đầu tư và các đơn vị thi công.
Riêng Ban QLDA 6 không chỉ đôn đốc, giám sát, các kỹ sư của Ban còn trực tiếp phối hợp với doanh nghiệp dự án xây dựng lại biểu đồ tiến độ, chi tiết tới tận số lượng mũi thi công, số nhân công, thiết bị… nhất là ở những vị trí là đường găng, cần thời gian thi công lâu, kỹ thuật phức tạp để đẩy nhanh tiến độ. Kết quả là sau hơn 1 tháng, nhiều nhà thầu đã vượt tiến độ so với kế hoạch điều chỉnh.
Điển hình là phân đoạn hầm dài 567m/1.200m của hầm Thần Vũ và 2,2km đường của Tập đoàn CIENCO4. Với hơn 100 đầu máy, thiết bị cùng 270 kỹ sư, công nhân ở 12 mũi thi công lớn, đơn vị này đã đạt sản lượng 38 tỷ/ 405 tỷ đồng, vượt 2%.
“Riêng phần hầm, đã thi công xuống đến cơ thứ 7 (cơ cuối cùng). Dự kiến đến 20/6 sẽ gia cố mái cơ để làm vòm cửa hầm, 20/7 sẽ chính thức khoan hầm”, kỹ sư Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc điều hành phân đoạn Diễn Châu, Tập đoàn CIENCO 4 cho biết.
Tương tự, tại cầu Hưng Đức, ngày 6/5, Công ty Thái Yên mới đặt mũi khoan đầu tiên cho 2 trụ giữa sông T14 – T15 và lập kế hoạch đến 15/7 phải xong. Thế nhưng đến nay, Thái Yên đã khoan được 14/20 cọc.
"Với tiến độ như thế này, nhà thầu dự tính đến 20 - 25/6 sẽ khoan xong, vượt tiến độ trên dưới 20 ngày" - ông Nguyễn Trọng Minh, Phó Giám đốc Công ty Thái Yên khẳng định.
Tại cầu Ồ Ồ, do địa hình phức tạp, nhiều đá nên Binh đoàn 12 đưa ra kế hoạch 1 tháng khoan 100 cọc nhồi. Nhưng nhờ sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ giữa các bên, đến nay đã khoan được hơn 100/238 cọc và dự kiến khoảng hơn 1 tháng nữa là khoan xong cọc nhồi…
Cầu Thần Vũ 2 sau hơn 1 tháng triển khai thi công |
“Chỉ tiến, không lùi”
“Các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án luôn ý thức được tầm quan trọng của dự án và cam kết tiến độ mà mình đã ký. Dù muôn vàn khó khăn về giá nhiên – vật liệu tăng cao, thời tiết không ủng hộ… nhưng các đơn vị cũng đã tập trung máy móc, nhân lực tăng tốc, bù khối lượng chưa làm được.
Đến giờ phút này, chúng tôi xác định "chỉ tiến chứ không lùi”, ông Trương Đức Liên, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) chia sẻ.
Theo ông Liên, doanh nghiệp chấp nhận bù lỗ trước mắt để thực hiện đúng cam kết về tiến độ đã ký với Bộ GTVT. Bằng chứng là sản lượng thi công đến nay đã đạt được khoảng 505 tỷ đồng, gần chạm mốc để được giải ngân nguồn VGF (511 tỷ đồng).
Tinh thần “chỉ tiến, không lùi” cũng lần lượt được các đơn vị hiện thực hóa. Như Công ty TNHH Hòa Hiệp, với vai trò là nhà đầu tư, kiêm nhà thầu thi công, công ty đã đi đầu khi đứng ra nhận làm tới 30% tổng giá trị xây lắp của dự án. Đặc biệt đây đều là những phần việc khó, như: 3/4 khối lượng thi công hầm Thần Vũ; 5,65km đường phải xử lý nền đất yếu; các trụ chính giữa sông cầu Hưng Đức...
“Hầm Thần Vũ dài khoảng 1,2km, là công trình kỹ thuật phức tạp, thi công trong điều kiện rừng núi treo leo, nhưng Hòa Hiệp chưa từng chùn bước.
Đến nay nhà thầu đã tập trung máy móc đào được khoảng 200.000/250.000 m3 đất đá cửa hầm phía Nam. Dự kiến đến 25/6 sẽ thi công hầm tạm nhánh phía Bắc (vượt tiến độ khoảng 1 tháng)”, kỹ sư Thái Bá Lực – Chỉ huy trưởng công trường nhà thầu Hòa Hiệp cho hay.
Còn tại đoạn đường xử lý nền đất yếu qua xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, trên đoạn đường dài chưa đến 1km, nhưng nhà thầu Hòa Hiệp đã bố trí tới 2 giàn máy cắm bấc thấm và 2 giàn máy thi công giếng cát cùng lượng lớn xe lu, máy xúc, phương tiện vận chuyển.
“Ở đây chúng tôi đang cho thi công 3 ca để đảm bảo tiến độ dự án, cũng như phấn đấu đắp xong nền chờ gia tải trước mùa mưa tháng 9/2022”, kỹ sư Lực thông tin.
Ngoài ra, để không bị gián đoạn tiến độ do vật liệu khan hiếm, nhà thầu Hòa Hiệp còn chủ động hoàn thành thủ tục khai thác mỏ đất phục vụ dự án với trữ lượng khoảng 3,5 triệu m3 ở huyện Hưng Nguyên. Trữ lượng này đủ cung cấp toàn bộ quá trình thi công dự án của đơn vị và hỗ trợ một phần cho các nhà thầu khác.
Bên cạnh đó, Hòa Hiệp cũng đã được cấp phép khai thác mỏ cát với công suất gần 1 triệu m3/năm. Lãnh đạo Công ty TNHH Hòa Hiệp cam kết: “Sẽ xong toàn bộ phần đường và các cầu thuộc công địa Hòa Hiệp trong năm 2023; phần hầm về đích đúng tiến độ theo hợp đồng đã ký”.
Tinh thần “chỉ tiến, không lùi” cũng được Công ty Thái Yên thể hiện. Theo ông Nguyễn Trọng Minh, để đẩy nhanh tiến độ khoan cọc nhồi, ngoài tăng cường ca kíp và thiết bị, đơn vị đã có nhiều cải tiến và linh hoạt trong các biện pháp thi công.
Chẳng hạn như làm cầu Hưng Đức, đơn vị chỉ chọn dùng những kỹ sư, công nhân có kinh nghiệm, bậc tay nghề cao (bậc 7) để đưa tới công trình.
“Thái Yên khẳng định sẽ về đích đúng tiến độ tổng thể như đã cam kết. Riêng phần cầu có thể vượt tiến độ”, ông Minh tự tin.
Với thương hiệu màu áo lính, Binh đoàn Trường Sơn cũng đã và đang thần tốc, quyết thắng. Bên cạnh huy động tối đa nhân lực vật lực, đây cũng là đơn vị đầu tiên toàn tuyến thực hiện thi công 24/24h. Đặc biệt, Binh đoàn còn đẩy mạnh phát động các phong trào thi đua. Gần đây nhất là phong trào thi đua cao điểm “30 ngày đêm thần tốc, quyết thắng” từ ngày 19/4 – 19/5 chào mừng sinh nhật Bác.
Trung tá Đinh Công Thắng – Phó giám đốc Xí nghiệp 283 phân tích: "Với chúng tôi, phong trào luôn nối tiếp phong trào. Đặc biệt mỗi phong trào đều có 1 đích đến. Những tập thể, cá nhân nào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì sẽ được đơn vị tặng thưởng xứng đáng, những đơn vị yếu hơn thì được động viên để lần sau tốt hơn…".
Trong khi đó, với CIENCO4 và Công ty Hòa Hiệp, việc hoàn thành đúng tiến độ không chỉ là nhiệm vụ kinh tế mà còn là trách nhiệm của một nhà đầu tư, đơn vị thi công khi làm đường cho "quê hương mình".
Nếu như Công ty Hòa Hiệp là một đơn vị rất mạnh, có uy tín tại Nghệ An, thì CIENCO 4 là doanh nghiệp uy tín của Bộ GTVT, xuất thân từ Nghệ An. Vì vậy, cả 2 đơn vị đang rất quyết tâm đưa dự án về đích đúng cam kết.
“Chúng tôi có đội ngũ kỹ sư, công nhân trình độ cao, giàu kinh nghiệm và làm chủ được các công nghệ hiện đại. Chúng tôi đang huy động ồ ạt thiết bị, máy móc và nhân lực; thực hiện tăng kíp, tăng ca để về đích sớm nhất”, kỹ sư Nguyễn Mạnh Hùng thể hiện quyết tâm.
Một số hình ảnh trên công trường:
Các nhà thầu ồ ạt triển khai thi công phần hạ bộ cầu Hưng Đức – cầu cao tốc dài nhất dự án |
Nhiều mố và trụ ở phía Nam hầm Thần Vũ đã gần hoàn thành |
Sau hơn 1 tháng, đơn vị thi công cũng đã khoan được hơn 100 cọc nhồi tại cầu Ồ Ồ |
Tại cầu vượt Hưng Đức không khí thi công cũng rầm rộ, nhọn nhịp không kém |
Đến nay, Công ty Thái Yên đã khoan được 14/20 cọc nhồi tại cầu Hưng Đức |
Cách đây hơn 1 tháng, tại vị trí này (Cầu Thần Vũ 2), Binh đoàn 12 vẫn đang giúp dân thu gom thông |
Thời tiết cực đoan, mưa nhiều khiến việc thi công gặp rất nhiều khó khăn nhưng hơn tất cả, công nhân vẫn quyết tâm hoàn thành tiến độ nhanh nhất, chất lượng nhất |
Dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt dài khoảng 50km, đi qua địa phận 2 tỉnh Nghệ An (44,4km) và Hà Tĩnh (4,9km). Dự án do liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty TNHH đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty XD Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VINA2 đầu tư. Đại diện pháp luật là Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (Doanh nghiệp dự án). Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 11.157 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng còn lại là nguồn vốn Nhà nước. Thời gian xây dựng là 3 năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn là 16 năm 6 tháng. |
Tác giả: Văn Thanh - Sỹ Hòa
Nguồn tin: Báo Giao thông