Trong nước

Kiểm soát tài sản của 6.000 quan chức: Ai e ngại?

"Để tránh việc tài sản bố chuyển cho con, cứ làm kỹ có phương pháp đúng là sẽ ra...".

Công khai kết quả thanh tra tài sản

Ngày 5/3, trong phiên thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đối với dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi), Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, ngành thanh tra sẽ kiểm soát tài sản của khoảng 6.000 đối tượng thuộc diện người đứng đầu.

TS Lê Đăng Doanh - một chuyên gia kinh tế hoàn toàn đồng tình và hoan nghênh chủ trương trên, cho rằng đây là một quyết định quan trọng, chi phối việc có công khai minh bạch thu nhập của quan chức hay không. Việc này nên thực hiện sớm.

Ông cho biết: "Hiện nay người dân có nhiều ý kiến về việc các cán bộ không kinh doanh gì mà lại giàu có, nhiều khối tài sản khủng.

Dù chúng ta đã có quy định cán bộ phải kê khai tài sản, nhưng kết quả luôn không công bố, cũng không có quan sát độc lập để biết kê khai chính xác hay không. Vì vậy, để có hiệu quả bây giờ cần có một nguyên tắc là công khai minh bạch và có sự giám sát.

Đặc biệt với việc giám sát tôi thấy nên phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức quần chúng và để có sự đánh giá độc lập cần sự tham gia có trách nhiệm, xây dựng của cơ quan truyền thông.

Biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý - Nguyên Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái

Tôi mong với chủ trương trên, sau khi có kết quả thanh tra thì sẽ công bố rộng rãi cho mọi người đều biết. Đây là bước tiến quan trọng thực hiện nhiệm vụ Chính phủ đã chỉ đạo, xây dựng một Chính phủ liêm minh, hành động, kiến tạo.

Các nhà khoa học, những cán bộ liêm khiết sẽ không e ngại trước đề xuất kiểm soát tài sản này. Chỉ có cán bộ tham nhũng có nguồn thu bất chính, tài sản lớn thì mới e ngại, lo lắng".

Để việc triển khai kiểm soát tài sản 6000 quan chức hiệu quả, theo vị chuyên gia trên, thứ nhất, phải công khai minh bạch bản kê khai tài sản của từng cán bộ, gửi cho Mặt trận tổ quốc, Mặt trận tổ quốc có trách nhiệm giám sát, thẩm định, trên cơ sở đó báo chí đưa lên phương tiện truyền thông.

Thứ hai, giảm chi tiêu, thanh toán bằng tiền mặt. Thanh toán qua ngân hàng sẽ giúp kiểm soát nguồn gốc đồng tiền, giúp minh bạch tài sản. Phải quy định rõ ràng việc minh bạch tài sản quan chức để người dân biết và giám sát.

Ví dụ, ở Thụy Điển, Thủ tướng đi công tác dân cũng có thể biết vé máy bay bao nhiêu, mời cơm lãnh đạo nào, uống rượu gì... Chúng ta chỉ cần học hỏi kinh nghiệm các nước.

"Chủ trương một, quyết tâm 10 và biện pháp 20"

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương cho rằng, đây là chủ trương đúng, thế giới đã làm từ lâu.

Đây cũng là lời cảnh báo để những người đã sai phạm, định sai phạm sẽ dừng lại. Ông cha ta có câu "nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại" (một ngày trong nhà giam thì dài bằng nghìn năm ở bên ngoài ), đây sẽ là hồi chuông cảnh báo với những cán bộ tham nhũng. Đồng thời cũng là cách để làm rõ cho những người làm ăn chân chính có tài sản đáng giá, từ đó xây dựng một xã hội dân chủ, minh bạch, công khai.

Vấn đề ông Hùng quan tâm là thực thi như thế nào, khi việc kiểm soát tài sản của quan chức thời gian qua chưa hiệu quả, phần chìm của "tảng băng" vẫn còn nguyên.

Câu hỏi được đặt ra, những người đi kiểm tra, giám sát có thật khách quan không, phương pháp làm có khách quan không? Phải làm thế nào để mỗi cán bộ khi được cất nhắc bổ nhiệm đều phải khai hết tài sản của mình và cả tài sản của bố mẹ, anh chị em, con cái hai bên?

Ông Hùng gợi ý, không đòi hỏi tất cả công chức nhưng những người chủ chốt, đứng đầu các cấp phải công khai tài sản kê khai cho cơ quan và khu dân cư. Cũng cần một cơ chế để nhân dân giám sát, rõ ràng công khai đến đâu, chịu trách nhiệm đến đâu.

"Tôi cho rằng, để hiệu quả cần có sự phối hợp nhịp nhàng từ hai phía, người kê khai phải trung thực, người đi kiểm tra phải khách quan, đồng thời có trình độ phán xét các biểu hiện khác nhau để đi đến kết luận một cách trung thực, công tâm. Còn những người mù mờ, 'sai không chỉ ra được, đúng không nói rõ' là không ổn.

Ở đây, áp dụng câu nói "chủ trương một, quyết tâm 10 và biện pháp 20" rất hợp, như như vậy mọi việc mới tốt. Bây giờ số cán bộ muốn được công khai khẳng định mình rất ít, còn những người mờ ám thì không ai muốn công khai", ông Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hùng, để tránh việc tài sản bố chuyển cho con, cứ làm kỹ có phương pháp đúng là sẽ ra. Ví dụ, con của anh đang học lớp 12 có nhà đất thì có được không hay vừa ra trường 21 tuổi đã có biệt thự nguồn tiền từ đâu, thay vì tránh thì phải kiểm soát ngay từ đầu. Kê khai trước hết là bất động sản, rồi đến chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu.

Tác giả: Châu An

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP