Trong tỉnh

Không vì tiến độ mà làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình

Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông tổ chức cuộc họp trực tuyến đánh giá tình hình triển khai dự án. Đồng chí Lê Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.

Quang cảnh cuộc họp tại điểm cầu Nghệ An

Theo báo cáo của Bộ GTVT, công tác giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 (giai đoạn 1) đã cơ bản hoàn thành, đạt 100% công tác bồi thường. Tuy nhiên, một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thành di dời; trong phạm vi mặt bằng đã bồi thường vẫn còn tồn tại vướng mắc trên tổng chiều dài khoảng 2,6 km, cụ thể: Đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (địa bàn Nghệ An) vướng 0,1 km; Đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (địa bàn Nghệ An) khoảng 1,5 km; Đoạn Nha Trang - Cam Lâm (địa bàn Khánh Hòa) vướng 1,0 km.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

Tổng khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay khoảng 20.087,13 tỷ đồng/56.742,4 tỷ đồng, tương đương 35,4% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 0,7% giá trị hợp đồng so với kế hoạch. Trong đó: 04 dự án hoàn thành năm 2022 sản lượng trung bình đạt 53,4% giá trị hợp đồng, chậm 2,6%; 04 dự án hoàn thành năm 2023 sản lượng trung bình đạt 31,6% giá trị hợp đồng, đáp ứng kế hoạch; 02 dự án hoàn thành năm 2024 sản lượng trung bình đạt 6,4% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng kế hoạch.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 (giai đoạn 2) gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập.

Từ ngày 13-15/3/2022, Bộ GTVT đã bàn giao cọc GPMB cho các địa phương khoảng 136,3 km và đến nay đã tiếp tục bàn giao thêm 84,5 km (tổng số 220,8 km đạt 30,3% tổng chiều dài tuyến). Dự kiến đến 30/4/2022, sẽ tiếp tục phê duyệt vào bàn giao thêm khoảng 275,6 km (tổng số 496,4 km đạt 68% tổng chiều dài tuyến); các đoạn còn lại sẽ tiếp tục bàn giao từng phần và hoàn thành toàn bộ trước ngày 30/6/2022. 12/12 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB; thành lập Ban Chỉ đạo và Hội đồng GPMB để triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm

Tại hội nghị, các đại biểu đã cho ý kiến vào một số nội dung vướng mắc, khó khăn như: Nguồn vật liệu đất đắp nền đường; di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật; giá vật liệu; lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa...

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá các địa phương đã quan tâm, chỉ đạo sát sao trong thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Ở giai đoạn 1 của dự án, đến nay trung bình đã thực hiện được 35,4% giá trị hợp đồng xây lắp; nếu trong năm 2022 hoàn thành được 361km đường bộ cao tốc sẽ tạo tiền đề để phấn đấu thực hiện từng giai đoạn; 06 tuyến còn lại đang thực hiện theo đúng tiến độ.

Nhìn một cách tổng thể có thể thấy không khí trên các công trường có chuyển động tích cực. Các nhà thầu, Ban quản lý dự án đã đổi mới phương pháp thi công công trường, tận dụng thời tiết thuận lợi để thi công cả ngày lẫn đêm. Các Ban quản lý dự án thường xuyên giao ban, kiểm điểm tiến độ và xác định khối lượng công việc hàng ngày.

Giai đoạn 2, phải hoàn thành 729km trong thời gian ngắn, song Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành bày tỏ rất vui mừng vì các địa phương đã vào cuộc rất tốt, thành lập Ban chỉ đạo các cấp. Các địa phương đã nhận bàn giao mốc giới, thực hiện việc đo đạc, kiểm đếm, triển khai một số hợp đồng tư vấn thực hiện công tác GPMB.

So với yêu cầu hoàn thành toàn tuyến cao tốc đường bộ Bắc – Nam vào năm 2025, khối lượng công việc còn lại rất nhiều, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu các địa phương cần phải hết sức cố gắng, đổi mới phương pháp và có cách làm mới hiệu quả. Cùng với đó, các Ban quản lý dự án, các nhà thầu cũng phải đổi mới cách làm, phải huy động tối đa nhân lực và thiết bị để thực hiện.

Các địa phương cần tập trung giải quyết dứt điểm việc cấp vật liệu xây dựng. Lãnh đạo Bộ GTVT, chính quyền địa phương, Ban quản lý dự án, nhà thầu cần phải làm việc với nhau để cùng giải quyết. Từ nay đến cuối năm chỉ còn 8 tháng, nếu không thống nhất mà phải hoàn thành thì dễ dẫn đến sẽ làm ẩu, làm không đảm bảo chất lượng là rất nguy hiểm. Bộ GTVT tiếp tục yêu cầu các Ban quản lý dự án rà soát từng hạng mục công trình, thực hiện đúng cam kết về tiến độ; kiên quyết cắt chuyển khối lượng, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm theo quy định của hợp đồng.

Đơn vị tư vấn, các Ban quản lý dự án, Bộ GTVT phải đặc biệt chú trọng đến chất lượng công trình; phải đưa chất lượng công trình lên hàng đầu và phải chịu trách nhiệm về chất lượng, không vì tiến độ mà làm không đảm bảo. Bộ GTVT phải tăng cường kiểm tra năng lực thi công của nhà thầu về thiết bị và nhân lực.

Giai đoạn 2 của dự án, các địa phương phải triển khai công tác GPMB, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch đo đạc, kiểm đếm, triển khai xây dựng khu tái định cư, tiếp tục nhận ban giao mốc giới. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo, thực hiện phấn đấu đến tháng 9/2022 phải bàn giao ít nhất 70% mặt bằng để khởi công công trình vào tháng 10/2022. Do đó, cần phải quản lý tốt diện tích mặt bằng được giao; tuyên truyền vận động người dân hiểu và giao nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị để tránh tình trạng xây dựng các công trình, trồng cây trên đất của dự án. Các địa phương cũng cần chủ động, phối hợp với đơn vị tư vấn, các Ban quản lý dự án, Bộ GTVT để xác định các mỏ vật liệu, bãi đổ thải.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành có liên quan. Trong đó, giao Bộ TN&MT tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên.

Bộ KH&ĐT sớm ban hành hướng dẫn về quy trình, thủ tục, tiêu chí đánh giá hồ sơ đề xuất (yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm) cho các gói thầu xây lắp để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chỉ định thầu.

Bộ Quốc phòng có ý kiến thống nhất về hướng tuyến đi qua khu vực đất quốc phòng thuộc dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau...

Tác giả: Phan Quỳnh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP