Trong tỉnh

Hơn 2.000 người 'khát' việc, Nghệ An giải bài toán thất nghiệp thế nào?

Sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023, tại tỉnh Nghệ An có hơn 2.000 lao động bị mất việc. Nhiều người bày tỏ nguyện vọng muốn tìm việc làm ngay trên quê hương mình.

Mong dừng bước tha phương

Sau Tết Quý Mão 2023, chị Phan Thị Hương (trú tại xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) phải ở nhà làm nội trợ bởi công ty mà chị làm việc trong miền Nam không còn nhu cầu sử dụng lao động nữa. Trước tết 2 tháng, chị Hương cũng đã từng đi xin việc làm ở nhiều công ty nhưng không có kết quả. Gắng gượng làm thuê qua ngày lại không đủ trang trải cuộc sống, đầu tháng 12 âm lịch năm 2022, chị Hương đành phải bắt xe về quê ăn tết sớm.

Chị Hương kể: “3 năm trước, tôi khăn gói theo bạn bè vào miền Nam và xin làm thuê cho một công ty may xuất khẩu. Thời gian đầu, công việc ổn định nhưng giữa năm 2022, công ty không có đơn hàng nên nhân sự bị cắt giảm. Tôi cùng nhiều công nhân khác rơi vào cảnh thất nghiệp". Sau nhiều tháng kham khổ, chị Hương quyết định về quê vừa ăn Tết sớm vừa để phụ giúp gia đình.

"Giờ sợ đi xa rồi, chỉ mong tìm được việc nào ở quê cho gần nhà thôi. Xa nhà, xa gia đình vất vả quá", chị Hương nói và cho biết, ít hôm nữa chị sẽ liên hệ một số công ty trong các khu công nghiệp ở Nghệ An để xin việc làm.

Nghệ An có hơn 2.000 lao động mất việc sau Tết Quý Mão 2023.

Cũng giống như chị Hương, anh Trần Văn Tuấn (trú tại xã Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An) dự tính sẽ kiếm việc để làm ngay tại quê hương sau nhiều năm lăn lộn ở miền Nam kiếm sống. Anh Tuấn cho hay, trước đó anh đã từng có 5 năm làm việc tại khu công nghiệp Sóng Thần (tỉnh Bình Dương). Những năm đầu, chịu khó làm thêm nên anh Tuấn cũng có của ăn của để lo cho 4 miệng ăn trong nhà. Nhưng rồi những năm gần đây, công việc không thuận lợi, xa nhà đi lại khó khăn nên anh Tuấn đành khăn gói về quê mong tìm việc làm gần nhà cho đỡ vất vả.

Ghi nhận của PV Tiền Phong tại ga Vinh và các bến xe thì số người mong muốn ở lại quê hương làm việc làm rất cao. Hầu hết họ đều muốn Nghệ An phát triển, nhiều khu công nghiệp, nhà máy mọc lên để họ có cơ hội về quê mưu sinh.

“Đã 4 năm, gia đình tôi ở Đồng Nai mới có dịp về Nghệ An ăn Tết cùng ông, bà nhưng mùng 5 Tết, gia đình phải dắt díu rời quê. Ông, bà đã lớn tuổi, đi không đành, ở lại thì việc làm chưa có… Vợ chồng tôi tính toán đến hè này sẽ chuyển hẳn về quê”, Anh Đặng Quốc Nam (trú tại huyện Nam Đàn) chia sẻ.

Giải bài toán thất nghiệp

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có gần 60.500 lao động từ các tỉnh, thành về quê ăn Tết Quý Mão 2023. Trong đó số lao động về từ các tỉnh phía Nam là hơn 31.500 và các tỉnh thành khác là gần 29.000 người. Trong hơn 60.000 lao động này có gần 2.300 lao động bị mất việc làm.

Từ rà soát nhu cầu tìm kiếm việc làm, có hơn 11.600 lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới. Trong đó có hơn 3.700 lao động có nhu cầu tìm việc làm trong tỉnh. Hơn 6.700 lao động có nhu cầu tìm việc làm ngoại tỉnh và hơn 1.100 lao động có nhu cầu đi nước ngoài. Hơn 2.600 lao động có nhu cầu học nghề để tìm kiếm việc làm thu nhập cao hơn và chuyên nghiệp hơn.

Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An tổ chức các phiên giao dịch giới thiệu việc làm và tư vấn nghề nghiệp cho người lao động trong tỉnh.

Liên quan đến vấn đề lao động mất việc làm sau Tết, bà Đặng Thị Phương Thủy - Phó Trưởng phòng Lao động Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐTB&XH Nghệ An - chia sẻ: “Sau Tết vấn đề công nhân, người lao động mất việc làm luôn là vấn đề nóng cần đặc biệt quan tâm. Hiện Sở này đang chỉ đạo, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm triển khai các phương án để hỗ trợ, kết nối, tư vấn việc làm cho người lao động bị mất việc”.

Theo đó, Sở LĐTXH&XH Nghệ An và Trung tâm Dịch vụ Việc làm đã lên kế hoạch để tổ chức các hội chợ việc làm tại các huyện có nhiều lao động bị mất việc; tổ chức các phiên giao dịch việc làm online, tổ chức hội thảo, triển khai tổ tư vấn lưu động. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ Việc làm cũng tổ chức định kỳ mỗi tháng 2 phiên giao dịch để hỗ trợ, kết nối người lao động với các công ty cần tuyển nhân công.

Lãnh đạo Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐTB&XH Nghệ An cho biết thêm, theo khảo sát sơ bộ vào cuối năm 2022, nhu cầu tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh lớn với hơn 300 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 85.000 lao động. Trong đó có 362 doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng gần 36.400 lao động; 14 doanh nghiệp ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển gần 49.000 lao động.

Trong năm 2022, Sở LĐTBXH Nghệ An đã Tổ chức ngày hội kết nối việc làm tại huyện Quế Phong, huyện Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Diễn Châu và các địa phương lân cận. Ngoài ra, Sở đã tổ chức 38 phiên giao dịch việc làm online, 44 phiên giao dịch việc làm lưu động, 24 hội thảo chương trình tư vấn việc làm; tư vấn, giới thiệu việc làm tại các xã, thị trấn, các bản… có 36.811 người được tư vấn nghề và việc làm.

Tác giả: Cảnh Huệ - Phú Hưng

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP