Giáo dục

Học trước, khai giảng sau là sự bất thường của trường học

Trong ký ức của thế hệ học sinh 8x trở về trước thì ngày tựu trường là những ngày đầu tháng 9 và khai giảng vào ngày 5/9 chứ không “lộn xộn” như bây giờ.

LTS: Vài năm trở lại đây, học sinh chỉ nghỉ hè vào tháng 6 và 7, đầu tháng 8 đã tựu trường, học cả tháng rồi mới khai giảng (ngày 5/9). Do học trước rồi mới khai giảng nên học sinh không còn xốn xang chờ đợi ngày Khai giảng năm học mới.

Trước thực trạng này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Vương - nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử tại Đại học Kanazawa (Nhật Bản).

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PV: Học tại Việt Nam nhưng có cơ hội sinh sống và học tập ở nước ngoài nhiều năm, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa ngày khai giảng của nước ta hiện nay về việc học trước rồi mới khai giảng?


Ông Nguyễn Quốc Vương: Hiện tượng học trước rồi mới khai giảng ở Việt Nam có lẽ mới xuất hiện vài năm trở lại đây bởi trong ký ức của thế hệ học sinh 8x trở về trước thì ngày tựu trường là những ngày đầu tháng 9 và khai giảng vào ngày 5/9.

Học trước rồi mới khai giảng là sự bất thường của trường học (Ảnh: laodong.com.vn)


Tôi cho rằng, việc học rồi mới khai giảng như hiện nay là một sự bất thường của trường học.

Bởi điều này cho thấy, ngành giáo dục nói chung và môi trường trường học nói riêng đã bị cuốn vào một cuộc đua quyết liệt với sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau từ cơ quan quản lý giáo dục, phụ huynh, giáo viên đến học sinh.

Cuộc đua ấy nhắm đến đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Vương: Một trong những "lợi ích" mà việc học trước khi khai giảng mang lại là giáo viên sẽ có cơ hội dạy trước chương trình, học sinh học trước chương trình để từ đó có khoảng thời gian "thừa" nhất định ở cuối kì, cuối năm tập trung cho việc luyện thi, ôn tập nhằm đối phó với các kì thi.

Bởi ở Việt Nam, kết quả các kì thi của học sinh rất quan trọng đối với giáo viên, nhà trường và phụ huynh.

Việc coi trọng thành tích cho thấy nét đặc trưng của nền giáo dục trường học coi nặng việc truyền đạt tri thức trong sách giáo khoa, đánh giá sự trưởng thành của học sinh, mục tiêu giáo dục dựa vào điểm số và kết quả của các kỳ thi.

Khi vẫn còn quan niệm trường học chỉ là nơi giảng dạy tri thức, việc dạy học của giáo viên chỉ là truyền đạt tri thức thì các nhà biên soạn chương trình sách giáo khoa sẽ luôn muốn đưa thật nhiều tri thức vào bộ sách còn giáo viên thì muốn cố gắng truyền tải hết lượng kiến thức đó tới học sinh.

Nhưng do khung thời gian số tuần học theo quy định của Bộ là có hạn mà lượng tri thức mong muốn truyền đạt vượt thời gian đó nên Nhà trường tìm cách “nới” thời gian, tăng số tuần học để “nhồi nhét” học sinh thay vì chú ý đến việc hướng dẫn, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.

Theo ông, hiện tượng học trước rồi mới khai giảng phản ánh gì về nền giáo dục?

Ông Nguyễn Quốc Vương: Việc này phản ánh sự “mung lung” trong cái nhìn đối với mục tiêu giáo dục của nhà trường và giáo viên.

Và chứng tỏ, chúng ta không đủ tự tin và can đảm để trả lời rõ ràng câu hỏi “Giáo dục để làm gì?” hay “Vì sứ mệnh gì mà trường học tồn tại?” rồi đến “Ý nghĩa công việc của người giáo viên là gì?”…

Khi những câu hỏi này chưa được giải đáp rõ ràng thì cuộc đua không rõ mục đích kia vẫn cứ tái diễn.

Nếu kéo dài cuộc đua này sẽ tạo nên áp lực gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Vương: Cuộc đua này sẽ làm mệt mỏi cả giáo viên, phụ huynh và học sinh. Và khi mệt mỏi họ sẽ không thấy ý nghĩa và sự tuyệt vời của đời sống trường học bởi đời sống trường học đúng nghĩa nó rộng lớn hơn rất nhiều so với việc học và thi.

Tôi khẳng định lại một lần nữa: Trường học ở Việt Nam vốn chỉ nhấn mạnh việc giảng dạy tri thức các môn giáo khoa mà nhẹ về hướng dẫn tổ chức đời sống.

Do đó, học sinh có thể rất giỏi tri thức giáo khoa nhưng lại lơ ngơ trong đời sống và không làm được cả những việc thuộc về tổ chức, quản trị đời sống cá nhân, học sinh không có sự "thong thả" đầy đủ để trải nghiệm đời sống trường học để trưởng thành như một con người của xã hội khiến cho trẻ đi học không còn thấy vui.

Vì thế mới sinh ra một hiện tượng phái sinh khác là các khóa học kĩ năng sống, các chương trình trải nghiệm... trở nên thịnh hành.

Cho nên, giờ đã đến lúc cần xây dựng triết lý giáo dục của chúng ta để thấy rõ nền giáo dục này hướng tới mục tiêu là gì? Là nền giáo dục của ai? Nó định tạo ra những con người như thế nào? Và những con người đó sẽ kiến tạo xã hội tương lai ra sao?...

Trân trọng cảm ơn ông.

Bộ GD&ĐT ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2016-2017 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Theo đó, học sinh tựu trường sớm nhất vào ngày 01/8/2016, muộn nhất vào ngày 25/8/2016.

Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trong toàn quốc tổ chức khai giảng vào ngày 05/9/2016.

Kết thúc học kỳ II (hoàn thành kế hoạch giảng dạy và học tập) trước ngày 25/5/2017.

Kết thúc năm học trước ngày 31/5/2017.

Việc xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) trước ngày 15/6/2017. Hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2017-2018 trước ngày 31/7/2017.


Bộ GD&ĐT nêu rõ nguyên tắc xây dựng kế hoạch thời gian năm học 2016-2017 ở các địa phương.

Cụ thể, kế hoạch thời gian năm học phải đảm bảo số tuần thực học:

- Đối với cấp mầm non, có ít nhất 35 tuần thực học (học kỳ I có ít nhất 18 tuần, học kỳ II có ít nhất 17 tuần);

- Đối với cấp tiểu học, có ít nhất 35 tuần thực học (học kỳ I có ít nhất 18 tuần, học kỳ II có ít nhất 17 tuần);

- Đối với cấp THCS và cấp THPT, có ít nhất 37 tuần thực học (học kỳ I có ít nhất 19 tuần, học kỳ II có ít nhất 18 tuần);

- Đối với giáo dục thường xuyên (THCS và THPT), có ít nhất 32 tuần thực học (mỗi học kỳ có ít nhất 16 tuần).

Tác giả bài viết: Thùy Linh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP