Giáo dục

Hiệu trưởng: “Cây đổ trong trường, trách nhiệm thuộc về tôi”

Về sự việc cây phượng đổ trong trường làm học sinh thương vong, vấn đề cây phượng này do ai quản lý được đặt ra. Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng nói: "Cây đổ trong trường, trách nhiệm thuộc về tôi".

Cây phượng đổ trong Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TPHCM, làm học sinh thương vong do ai, đơn vị nào quản lý là vấn đề được đặt ra tại cuộc họp báo diễn ra vào chiều 26/5.

Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, việc quản lý cây xanh thuộc về hiệu trưởng, về cây xanh trong trường học, trồng cây gì, đốn cây gì phải qua cơ quan chuyên môn. Đốn cây trong trường phải làm giấy xin phép, sẽ có cơ quan chức năng thẩm định, hiệu trưởng không được tự ý đốn cây.

Ông Lê Quang Đạo, Phó phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng cho biết, cây xanh đô thị, trên đường, công viên do Sở Xây dựng hoặc UBND các quận huyện quản lý, tùy phân cấp. Còn đối với cây xanh ở công sở thì thuộc các đơn vị công sở.

"Cây phượng thuộc cây hạn chế, do nhà trường quản lý, không thuộc Sở xây dựng quản lý", ông Đạo nói.

Sau sự việc này, Sở Xây dựng sẽ rà soát, chỉ đạo các quận huyện, trung tâm hạ tầng kỹ thuật, đơn vị quản lý các cây xanh đô thị kiểm tra, sà soát toàn bộ cây xanh trên thành phố.

Trong khi cuộc họp báo đang xoay quanh vấn đề, cây phượng bị đổ do ai quản lý, thầy Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng khẳng định tài sản trong đơn vị nhà trường, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm. "Cây đổ trong trường, trách nhiệm thuộc về tôi", thầy Phúc nói.

Thầy Nguyễn Văn Phúc - Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng.

Thầy Phúc cho biết, cây phượng bị đổ được trồng năm 1996, thầy mới về trường 3 năm nay. Hàng năm, trường đều liên hệ với công ty cây xanh để kiểm tra cây cối ở trường. Trong mùa dịch vừa qua, trường vẫn chăm sóc cây, thay đất bón, cắt tỉa những cây không an toàn.

Thầy Phúc cũng chia sẻ, đêm qua trời mưa nhưng sáng nay thời tiết khá tốt. Khi đó, nhiều em học sinh khối 6 đang tập trung ở đây để ăn sáng, chuẩn bị vào lớp, không ai có thể ngờ được...

"Nếu 10 - 15 phút sau cái cây mới đổ thì sẽ không có các em học sinh dưới sân", thầy hiệu trưởng nghẹn ngào.

Thầy Phúc thông tin thêm, hiện trường còn một cây phượng lớn tuổi hơn cây vừa bật gốc. Sau sự việc sáng nay, công ty cây xanh thành phố đã đến kiểm tra và đưa ra khuyến cáo phải đốn. Dù cây phượng này rất đẹp, nhưng để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, nhà trường sẽ thực hiện chặt bỏ cây này trong vài ngày tới.

Ông Phạm Đăng Khoa, Trưởng Phòng GD&ĐT Quận 3 cho biết, ngay sau sự việc xảy ra, Phòng chú ý đến việc ổn định tâm lý không chỉ đối học sinh bị thương mà giáo viên, phụ huynh, học sinh toàn trường để đảm bảo hoàn thành năm học. Đặc biệt, sẽ lưu ý giáo viên cần nắm các trường hợp học sinh nào gặp khó khăn về tâm lý sau tai nạn này để có sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ các em kịp thời.

Sự việc xảy ra làm một học sinh tử vong và nhiều học sinh bị thương nặng

Ông Lê Hoài Nam bày tỏ, đây là sự việc hết sức đáng tiếc, bài học cho toàn ngành, phải tăng cường hơn nữa, phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong vấn đề bảo đảm an toàn trường học. Trong trường học, từ an toàn thực phẩm đến cây xanh, viên ngói, máng nước, cống nước... đều có thể tác động đến an toàn của các em học sinh.

Sáng sớm ngày 26/5, trước giờ vào học, cây phượng giữa sân trường Trường THCS Bạch Đằng bật gốc và đè lên nhiều học sinh, 18 em bị thương, trong đó một học sinh tử vong.

Tác giả: Hoài Nam

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP