Giáo dục

Giáo viên nhận xét những lời vô bổ để làm gì?

Sau hai năm triển khai, việc đánh giá học sinh tiểu học theo cách mới (Thông tư 30) đã bộc lộ những điểm cần điều chỉnh. Dưới đây là góc nhìn của một thầy giáo tiểu học.

Từ khi Thông tư 30 ra đời, các nhà biên soạn nhiều lần giải thích: Thông tư 30 đánh giá theo nguyên tắc chú trọng phát triển năng lực và phẩm chất người học; không so sánh HS này với HS khác; …. Đánh giá theo Thông tư 30 là theo xu hướng chung của thế giới; còn trong nước thì giảm sức ép về thành tích, đẩy lùi nạn học thêm…

Các nhà soạn thảo Thông tư 30 mong muốn giáo viên làm như vậy để tất cả nhẹ nhàng, hài hoà, HS thoả mái, phụ huynh yên tâm,… Và họ nghĩ giáo viên sẽ làm được như vậy. Nhưng không biết thế hệ giáo viên sau này có làm được như vậy không? Hiện tại thì chưa làm được, vì lí thuyết và thực tế rất xa nhau.

Đánh giá năng lực và phẩm chất là hàn lâm

Thông tư 30 bỏ đánh giá hạnh kiểm, chuyển sang đánh giá năng lực và phẩm chất. Nghe thì đúng là theo xu hướng coi trọng năng lực và phẩm chất người học nhưng nó không có tính thực tế nhất là với trẻ em.

Năng lực và phẩm chất là hai yếu tố vừa riêng rẽ vừa bao hàm nhau để làm nên giá trị con người. Với người lớn, đánh giá năng lực và phẩm chất (của công chức, cán bộ) là bình thường. Ta thường nói viên chức này, cán bộ kia có phẩm chất tốt nhưng năng lực yếu. Nhưng với trẻ con, chẳng ai nói “Con tôi học tốt nhưng năng lực và phẩm chất chưa tốt”.

Chẳng cô giáo nào lại nói với phụ huynh rằng: “Con bác học hoàn thành các môn học, phẩm chất đạt nhưng năng lực chưa đạt.” Bởi nói thế thì phụ huynh sẽ ngơ ngẩn vì không hiểu gì.

Đấy là cô giáo còn nói ngắn gọn, nếu cô nói đầy đủ ngôn từ theo Thông tư 30 (mức độ hình thành và phát triển năng lực, mức độ hình thành và phát triển phẩm chất) thì có khi phụ huynh thì lắc đầu vì nó trúc trắc, khó hiểu.

Giáo viên buộc phải viết những câu “vô hồn”

Khi hướng dẫn thực thi, những người có trách nhiệm có nêu: "Đánh giá bằng nhận xét không phải cái gì cũng phải viết".

Như vậy, một giờ học, giáo viên chỉ cần ghi vở HS một số trường hợp cần thiết, còn lại là quan sát và chỉ ra chỗ sai của HS bằng lời nói.

Nhưng nếu làm vậy, giáo viên sẽ bị (lãnh đạo trường, phòng và phụ huynh) “hạch” ngay: Tại sao mấy tuần nay không thấy cô nhận xét bài của HS? Ai biết đâu chuyện cô nhận xét bằng lời?

Thế là cô phải ghi vở học trò đều đặn. Nhưng lớp đông HS nên cô không thể ghi trau chuốt từng em. Để lấy số lượng, cô chỉ còn cách viết chung chung: Trình bày chưa khoa học; Bài 3 sai câu a; Em nhân còn chậm; Chú ý chỗ cô gạch chân; Cần viết cho hay hơn; …

Đọc vào đó, thấy quả là “chưa có trách nhiệm” nhưng khó có thể làm khác.

Đánh giá hàng tháng cho có

Bộ GD-ĐT nhiều lần hướng dẫn: Sổ theo dõi chất lượng HS được coi như nhật kí hàng ngày trên lớp, giáo viên chỉ ghi những trường hợp cần nhớ để có biện pháp giúp đỡ hoặc khích lệ HS…

Thế nhưng trước sự chỉ đạo máy móc về chuyên môn của các lãnh đạo nhà trường, giáo viên chẳng ghi những gì cần giúp đỡ, lại cứ ghi những gì đạt được.

Năm học trước chỉ viết sổ giấy, năm học 2015-2016 một số địa phương có sáng kiến viết vào sổ điện tử trên trang web của trường. Chỉ cần truy cập bất kì một trường tiểu học nào ở địa phương đó, phụ huynh tha hồ đọc nhận xét hàng tháng của con em mình. Toàn những cái tốt, toàn kiến thức đã đạt được,… Cha mẹ HS đọc chắc là nức lòng nức dạ vì con mình học cái gì cũng biết… Thi thoảng cũng có cô giáo nhận xét đúng tinh thần Thông tư 30 là chỉ ra sự tiến bộ hoặc nêu cách điều chỉnh, nhưng rất ít.

20160721170204 thong tu 30
Nhận xét tháng thứ bảy của lớp 5A: Giáo viên toàn kể những đạt được

Đó là giáo viên chủ nhiệm, còn giáo viên môn thì ghi toàn điều vô bổ, trùng lắp: Biết tập đúng động tác; Biết tham gia trò chơi; Biết hát đúng giai điệu; Biết vẽ tranh về môi trường; …
20160721170204 thong tu 30 1
Không hiểu giáo viên viết những điều này để làm gì ?

Trong thực tế, cũng có giáo viên ghi lại hàng ngày một cách nghiêm túc những chú ý về một số HS. Nhưng phần nhiều, giáo viên chỉ ghi phục vụ cho công tác kiểm tra của lãnh đạo.

Đến cuối tháng, giáo viên cập nhật cho đầy sổ và nghe sao có lí. Là sổ nhật kí nhưng nhiều giáo viên lại dồn vào mấy chục phút của một đêm để ghi cho cả tháng. Đây là sự giả dối hay đối phó thì tự chúng ta hãy tìm câu trả lời.

Đánh giá cuối năm, em nào cũng đạt

Đánh giá về mức độ hoàn thành các môn học: Các bài kiểm tra định kì các môn chấm điểm đạt 5 điểm là hoàn thành. Các môn không chấm điểm thuộc giáo viên bộ môn. Đa số các cô dạy môn đều ghi “Hoàn thành”. Nếu không hoàn thành, hè các cô lại phải đến trường ôn luyện cho HS. Mà từ trước tới nay ở Tiểu học, có ai “đúp” vì Âm nhạc, Thể dục, Thủ công,… bao giờ đâu.

Đánh giá về mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất: Đến cuối năm, chẳng giáo viên nào dại gì mà đánh giá chưa đạt về phẩm chất và năng lực. Bởi nếu đánh giá chưa đạt thì HS phải rèn luyện trong hè. Mà rèn luyện về năng lực phẩm chất thì chưa từng có bao giờ. Vậy là trên sổ điển tử, các thầy cô chỉ cần một cú “nhấp” là xong.

Khen thưởng cuối năm học: Rất dễ loạn

Theo Điều 16 Thông tư 30 và theo công văn số 39 ngày 6/1/2015 thì khi xét khen thưởng HS, không cần xét ba mặt giáo dục cộng lại mà có thể xét riêng rẽ từng mặt để tặng giấy khen.

Về mức độ hoàn thành các môn học: Hoàn thành tốt 1 môn trở lên hoặc học tập có tiến bộ: Khen.

Về năng lực: Có tiến bộ rõ rệt: Giả sử trước nhút nhát sau ăn nói mạnh dạn; trước ăn mặc lem nhem sau gọn gàng, sạch sẽ;…: Khen.

Về phẩm chất: Làm được một việc tốt nào đó, chẳng hạn: Nhặt được của rơi và trả lại; tích cực lao động; giúp đỡ được một ai đó; làm việc thiện; …: Khen

Do đó, giấy khen “từng mặt” cũng từ đây mà ra?

Sổ học bạ HS chỉ ghi những điều vô bổ

Trước đây, sổ học bạ HS chỉ ghi điểm kiểm tra học kì và nhận xét môn. Còn Hạnh kiểm chỉ đánh tích đạt hay chưa đạt.

Sổ học bạ của Thông tư 30 ngoài một trang ghi điểm bài kiểm tra cuối kì và nhận xét còn có thêm một trang ghi nhận xét về năng lực phẩm chất.

A: Bao công sức để ghi những điều hiển nhiên là thế

Thiết nghĩ, trên học bạ, năng lực và phẩm chất chỉ cần đánh tích đạt hay không đạt là được. Hình như những người biên soạn học bạ lo giáo viên nhàn quá nên họ kẻ mỗi mặt năng lực và phẩm chất một bảng có 3-4 dòng nhận xét. Thế là các giáo viên chủ nhiệm cứ vắt óc nghĩ ra những câu nhận xét sao cho “chẳng chết ai”.

Mỗi lớp trên ba chục HS, họ đâu có thể biết được em đó ở nhà chăm hay lười. Mà trẻ con bây giờ về nhà có phải làm gì đâu. Cả ngày học ở trường, tối về chỉ có việc tắm rửa, ăn uống, có gì để nói chúng lười hay chăm. Lại nữa, trẻ con 6-7 tuổi đã biết gì mà “tự chịu trách nhiệm” với “đoàn kết” hay chia rẽ,…

Học bạ là sổ ghi lại kết quả học tập và rèn luyện của HS ở trường. Thường thì HS nhận lại sổ học bạ khi hết cấp hoặc chuyển trường. Thế thì cần gì phải ghi những điều cần khắc phục, giúp đỡ. Thế mà học bạ của Thông tư 30 lại có mục ấy khiến giáo viên đã vất vả càng thêm vất vả.

Giáo viên phải “cõng” nhiều sổ sách

Từ khi áp dụng Thông tư 30, giáo viên chủ nhiệm thì thêm 1 sổ theo dõi chất lượng HS nhưng giáo viên dạy môn thì đếm không hết sổ bởi vì cô giáo dạy bao nhiêu lớp thì bấy nhiêu sổ.

Ngày 7/01/2014, Bộ GD-ĐT ra công văn số 68 “V/v chấn chỉnh lạm dụng hồ sơ sổ sách trong nhà trường. Mục 2, công văn viết: Không được yêu cầu giáo viên có thêm các loại sổ sách khác ngoài các loại sau…”

Và theo đó, giáo viên Tiểu học chỉ có BA sổ là: giáo án, sổ kế hoạch giảng dạy và ghi chép chuyên môn, sổ chủ nhiệm. Nhưng thực tế thì giáo viên đang phải “cõng” thêm nhiều sổ sách khác.

Khi Thông tư 30 ra đời, nhiều lần, lãnh đạo Vụ Tiểu học nói sẽ giảm sổ sách cho giáo viên, nhưng đến nay, sổ sách cho giáo viên không hề giảm.

Theo dự thảo Điều lệ Trường Tiểu học, giáo viên chủ nhiệm đã có sổ theo dõi chất lượng HS rồi thì không cần dùng sổ chủ nhiệm nữa. Nhưng đa số các trường chưa dám làm thế. Không biết bao giờ sổ sách sẽ giảm?

***

Giáo viên vất vả mà được cha mẹ HS thích thú thì đó là một cách đánh giá hay. Nhưng Thông tư 30 thì không được thế. Có thể phụ huynh chưa đồng tình là do chưa hiểu hết tính nhân văn của Thông tư 30. Nhưng thực tế cho thấy, người dân chưa đồng tình không chỉ một vấn đề không chấm điểm mà họ không đồng tình cơ bản ở vấn đề “Không biết con mình học thế nào?

Thông tư 30 có tính nhân văn cao nhưng chưa phù hợp thực tế ở nhiều lẽ. Người viết bài này cũng chỉ mong tất cả chúng ta cùng xây dựng và khắc phục điều chỉnh. Hi vọng, năm học 2016-2017 những “trúc trắc” khó hiểu của Thông tư 30 không còn nữa.

Tác giả bài viết: Tùng Sơn (Hải Dương)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP