Trong tỉnh

Giải bài toán tìm đầu ra cho các mặt hàng nông sản ở Nghệ An

Mặc dù nhiều nông sản được trồng theo chuẩn VietGAP và đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Thế nhưng hiện nay, các loại sản phẩm này vẫn đang mất giá.

Su su, cà rốt "rớt giá" do thị trường tiêu thụ kém

Những ngày này, người dân xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, "đứng ngồi không yên" do giá nông sản giảm mạnh dù đã đến thời điểm thu hoạch.

Tuy được mùa song hàng chục tấn cà rốt lại rớt giá hàng chục lần so với trước Tết. Ảnh Ngọc Oanh.

Toàn xã Quỳnh Liên có hơn 350ha trồng các loại rau màu. Trong đó, 2 loại rau màu là su su (70ha) và cà rốt (75ha) đã đạt tiêu chuẩn thương hiệu OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao năm 2023, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Đây cũng là địa phương có diện tích trồng su su lớn nhất tỉnh Nghệ An, có năng suất cao nhất trong vùng bãi ngang thuộc 2 huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Sau khi thu hoạch, quả su su và củ cà rốt ở xã Quỳnh Liên được thương lái thu mua vận chuyển và tiêu thụ ở thị trường chính là thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, hiện nay giá 2 nông sản này đang giảm mạnh. Người dân trồng su su xã Quỳnh Liên cho biết, hiện giá loại quả này chỉ 200-300 đồng/kg, song vẫn ế.

"Su su sau 3 tháng trồng sẽ cho thu hoạch, nếu không thu hoạch kịp, quả sẽ già cỗi, bị rám, thối rữa. Nếu thương lái không thu mua, người nông dân phải hái bỏ để tránh giàn bị sập", anh Nguyễn Văn Tiến, trú xã Quỳnh Liên cho biết.

Dù giá su su đã giảm từ 4.000 đồng/kg xuống chỉ còn từ 200-300 đồng/kg nhưng vẫn tiêu thụ không nhiều. Ảnh Ngọc Oanh.

Lý giải về việc này, ông Hoàng Ngọc Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Liên cho biết, bắt đầu từ 23 âm lịch, thị trường chính là Hà Nội bắt đầu giảm tiêu thụ vì công nhân, học sinh, sinh viên về quê ăn Tết. Từ đó, dẫn đến tình trạng quả su su và củ cà rốt ứ hàng, giá xuống thấp.

Sau thời gian dài ế ẩm, giá su su bắt đầu tăng trở lại khi được các thương lái thu mua từ 300 lên 500 đồng/kg. Nhưng theo người dân, với giá như hiện nay vẫn còn rất thấp.

Còn cà rốt thì do quá lứa thu hoạch nên củ to "quá khổ" (khoảng 2-3 củ/kg), vì vậy rất khó bán. Thương lái chỉ thu mua củ có trọng lượng trung bình. Các công ty, siêu thị cũng chỉ nhập cà rốt có kịch thước đều nhau với khoảng 4-6 củ/kg.

Nhiều hộ gia đình trồng su su không thu hoạch vì giá thấp và không có người thu mua. Ảnh Ngọc Oanh.

Để giúp bà con, hội nông dân vẫn khuyến khích thu hoạch quả su su để chờ thương lái đến mua. Bởi quả su su nếu để "treo" trên giàn sẽ thối, hư hỏng. Bên cạnh đó, số lượng quả quá nhiều sẽ làm hỏng giàn.

"Sau khi thu hoạch, bà con cũng có phương pháp bảo quản tốt nhằm đảm bảo chất lượng quả sau khi thu hoạch để chờ thị trường. Địa phương sẽ tiếp tục liên hệ với các đầu mối để tìm hướng tiêu thụ cho bà con nông dân", ông Oanh nói.

Lối đi nào cho nông sản Nghệ An "vươn mình"?

Nghệ An là tỉnh đất rộng, người đông, sản xuất chủ yếu nông nghiệp và cũng là tỉnh có nhiều loại sản phẩm nông sản nổi tiếng được nhiều người tiêu dùng trong ngoài nước biết đến, như: Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, cam Vinh, chè Gay, bột sắn dây, lạc sen…

Gừng Kỳ Sơn là nông sản được kỳ vọng sẽ giúp người dân thay đổi cuộc sống.

Song thực tế không có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Theo tổng hợp từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2021 đến đầu năm 2024 có 24 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp trong tổng số 373 dự án đã được cấp chủ trương, chứng nhận đầu tư, chỉ chiếm 6,43% dự án; tổng vốn 3.591,399 tỷ đồng/123.179,585 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 3%.

Do sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết, tính rủi ro cao, chậm thu hồi vốn. Trong khi đó, với khí hậu khắc nghiệt đặc trưng của Nghệ An, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt thì nông nghiệp luôn đối mặt với sự bấp bênh.

Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho hay, một số địa phương tuy đã xác định được địa chỉ các vùng chuyên canh cho các sản phẩm thế mạnh, nhưng quy mô diện tích còn nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm chưa đồng nhất, chưa thật sự có được vùng chuyên canh đúng nghĩa. Đặc biệt, trong liên kết chuỗi giá trị, liên kết vùng, miền hiện nay còn yếu...

Mặc dù vậy, mấy năm nay giá gừng thay đổi thất thường khiến thu nhập của người dân bị ảnh hưởng.

Đơn cử, gừng là một trong những cây trồng chủ lực ở vùng rẻo cao của huyện miền núi 30a Kỳ Sơn (Nghệ An). Nhờ khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho nên gừng Kỳ Sơn có chất lượng vượt trội so với gừng ở những nơi khác.

Sản phẩm đặc sản gừng Kỳ Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý từ năm 2019. Tuy nhiên, nhiều năm nay vẫn nằm trong tình trạng tiêu thụ phập phù, giá cả có khi xuống rất thấp thậm chí ế thừa.

Kết nối và tiêu thụ sản phẩm OCOP của Nghệ An trên nền tảng trực tuyến là cách đưa nông sản đến gần người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các sản phẩm nông sản chưa có hệ thống thông tin thị trường đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới địa phương; đồng thời năng lực phân tích, dự báo, nắm bắt xu hướng thị trường còn hạn chế, kênh chia sẻ thông tin thị trường đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn yếu và thiếu.

Để giải quyết việc này, Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho hay, tỉnh đang kêu gọi đầu tư xây dựng một số loại hình hạ tầng thương mại có tính chất trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, như: các chợ đầu mối nhằm tăng khả năng tiếp cận giữa người bán và người mua, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản với giá hợp lý; hay các trung tâm logistics, nhằm hỗ trợ tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa nông sản.

"Song song đó, tỉnh Nghệ An cũng kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đến xây dựng thương hiệu, nhãn mác và tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước", ông Hoá nói.

UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo Phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An năm 2024.

Đặc biệt, để quảng bá sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng rộng rãi tới người tiêu dùng, thời gian tới Nghệ An cũng tổ chức các hoạt động kết nối trực tiếp với các tập đoàn bán lẻ, các hệ thống phân phối lớn trong nước để giới thiệu, quảng bá, kết nối đưa sản phẩm OCOP của tỉnh Nghệ An lên kệ hàng; triển khai hỗ trợ kết nối giao thương, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tới các thị trường lớn trong nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Tp.Hồ Chí Minh...

Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP