Giáo dục

Giải bài toán giáo viên ồ ạt nghỉ việc, cách nào?

Gánh nặng "cơm áo" cộng với áp lực lớn từ thành tích của học sinh, của lớp, của trường và cả việc cảm thấy đơn độc khi lên tiếng về những tiêu cực trong môi trường giáo dục khiến nhiều thầy cô phải “dứt áo”.

Ngày hôm qua, có lẽ là ngày một ngày buồn nhất từ trước đến giờ của bạn tôi - một cô giáo dạy phổ thông cơ sở. Gần 20 năm trong nghề, bạn tôi nhiều lần được nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi và được bạn bè, đồng nghiệp đánh giá là một giáo viên tâm huyết với nghề.

Với người khác, quyết định nghỉ việc có lẽ không quá khó khăn đến vậy. Nhưng với bạn tôi, một cô giáo tha thiết với nghề “gõ đầu trẻ” gần 20 năm thì nghỉ việc khiến bạn tôi day dứt và cả đau đớn.

Quyết định nghỉ việc được đưa ra sau một thời gian dài trăn trở, vật vã và cả xoay sở làm thêm chỉ mong sống được với nghề. Nhưng cuối cùng, mọi thứ đã không như mong muốn.

Lý do lớn nhất khiến cô ấy phải từ bỏ công việc tưởng chừng sẽ gắn bó suốt cuộc đời viên chức vẫn là chuyện “cơm áo”. Gần 20 năm dạy học, với mức lương bậc 7, cả lương và phụ cấp chưa đầy 8 triệu đồng không đủ để cô ấy trang trải cuộc sống đắt đỏ ở thủ đô và chi phí tiền học phí, học thêm ngày một cao của 2 đứa con, một đứa mới vào đại học và một đứa đang học cấp 2. Bạn tôi nghỉ việc để chuyển sang một công việc hoàn toàn khác với mức thu nhập tốt hơn, tạm ổn để lo toan cho gia đình.

Có lẽ, đây không chỉ là trường hợp cá biệt của bạn tôi, mà là tình trạng đáng báo động hiện nay. Theo thông tin lãnh đạo ngành giáo dục đưa ra trong một cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, năm 2022, cả nước có hơn 16.000 giáo viên bỏ việc/1,6 triệu giáo viên. Tính bình quân, cứ 100 giáo viên có 1 người bỏ việc.

Từ đầu năm đến nay, các địa phương đang khó khăn với tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng và cũng chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục. Theo Bộ GD-ĐT, hiện cả nước đang thiếu hơn 100.000 giáo viên. Trong năm 2022, các địa phương cần tuyển thêm 27.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên và từ nay đến năm 2025 là 64.000 biên chế.

Vì sao giáo viên lại nghỉ việc nhiều đến vậy? Có lẽ lý do cơ bản nhất mà ai cũng có thể hiểu được là thu nhập của giáo viên thấp, đặc biệt với giáo viên một số môn ít học sinh học thêm, giáo viên ở vùng không có phụ cấp nhưng giá cả sinh hoạt lại cao. Với mức lương và phụ cấp giảng dạy của một giáo viên tiểu học đi dạy được 4 năm (bậc 1) là khoảng trên dưới 3,5 triệu đồng. Cứ 3 năm không bị kỷ luật được tăng 1 bậc lương, tương ứng hệ số 0,33, thì được thêm khoảng 500.000 đồng cho 1 lần tăng lương. Trong khi đó, giá cả thực tế đã cách quá xa mức lương tăng thêm đến cả chục lần.

Đầu tư cho nghề giáo về cả vật chất và tinh thần, chính là đang đầu tư cho tương lai, cho sự phát triển của đất nước (ảnh minh họa)

Với thu nhập 4-5 triệu, không đủ tiền thuê nhà với những thầy cô không có nhà ở Hà Nội, thì lấy đâu tiền sinh hoạt và trang trải cuộc sống. Một cô giáo trẻ dạy tiểu học tâm sự, để bám trụ được với nghề, cô phải bán thêm hàng online hoặc đăng ký dạy thêm ở các trung tâm giáo dục vào các ngày nghỉ. Cô cũng chưa biết tính sao nếu sau này có gia đình và có con, bởi “hiện tại mình em còn chưa lo nổi cho bản thân”.

Không chỉ chật vật với chuyện “cơm áo”, thầy cô phải “chống đỡ” với rất nhiều mối lo khác. Ở trường, thời gian dạy học có khi ít hơn rất nhiều thời gian tham gia các cuộc họp chuyên môn, họp giao ban và đủ các cuộc họp, giao ban khác. Mặc dù đã qua 2 năm học online vì Covid-19, nhiều nơi cũng hô hào áp dụng công nghệ, chuyển đổi số… nhưng thực chất phần lớn các trường công vẫn quản lý theo kiểu hành chính, bài soạn 1 tiết dạy có khi lên đến cả chục trang giấy A4 khiến giáo viên khá mệt mỏi.

Thành tích của trường, của lớp hiện nay là áp lực khá lớn đối với các thầy cô. Nhiều trường đánh giá năng lực thầy cô dựa trên tiêu chí học sinh đạt giải học sinh giỏi các cấp, giáo viên dạy giỏi, phần trăm học sinh giỏi, lên lớp… Các chỉ tiêu từ nhà trường, hiệu trưởng áp xuống cho giáo viên để trường có thành tích báo cáo lên cấp cao hơn. Còn phòng giáo dục, sở giáo dục, thậm chí bên chính quyền cũng cần những thành tích đẹp để đem ra so sánh với các địa phương khác, để "đánh bóng tô son" và củng cố "vị trí" của một ai đó…

Chưa kể, nhiều nơi thầy cô cảm thấy đơn độc khi lên tiếng về những tiêu cực trong trường lớp và ngành giáo dục. Nhiều người đấu tranh cho tệ nạn tiêu cực trong thi cử, trong các khoản thu chi trái quy định của trường thì lập tức bị cô lập, bị dồn ép trong công việc hay thuyên chuyển làm công việc khác chuyên môn.

Một nguyên nhân khác khiến nhiều thầy cô dù có yêu nghề đến mấy cũng cảm thấy bị tổn thương, là giá trị người thầy bị rẻ rúng. Phụ huynh và học sinh thời nay luôn luôn đúng, giáo viên tuyệt đối không có quyền rầy la, phê bình, phạt học sinh. Khi xảy ra chuyện học sinh đánh nhau, học sinh hư… thì gần như lỗi là do nhà trường và thầy cô mà ít thấy trách nhiệm, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể liên quan.

Chỉ cần một clip hay phản ánh lên mạng xã hội đã khiến cư dân mạng trách móc, phê bình, thậm chí xúc phạm thầy cô thậm tệ. Trong khi đó, lãnh đạo nhiều trường vì sức ép dư luận, vì giữ hình ảnh, thể hiện cho nhà trường mà không có tiếng nói bảo vệ thầy cô, đôi khi xử lý giáo viên theo sức ép của dư luận. Những việc làm này khiến thầy cô bị tổn thương, nhiều người đã không đủ niềm tin để ở lại.

Chúng ta không thể mãi kêu gọi thầy cô trở lại trường hay yêu nghề khi mà cuộc sống “cơm áo gạo tiền” là thực tế hiển hiện. Ai cũng có mong muốn được có cuộc sống tốt hơn, nhất là khi đã có gia đình và những đứa con. Chắc chắn nhiều thầy cô phải lựa chọn giữa công việc có mức thu nhập cao và thấp, giữa môi trường công lập lương thấp, nhiều áp lực với môi trường dân lập thu nhập tốt hơn, lo được cho con cái nhiều hơn…

Một khi mưu sinh đang là gánh nặng với người thầy thì khó có thể cải thiện được tình trạng giáo viên bỏ việc và thiếu giáo viên trầm trọng như hiện nay. Cùng với đó, phải có cơ chế đãi ngộ thầy cô thỏa đáng, mới động viên họ tận tâm tận sức với nghề.

Và nữa, để chữa căn bệnh thành tích không thể một sớm một chiều, nhưng cần bắt đầu từ bây giờ để thầy cô không bị áp lực nặng nề từ rất nhiều “tiêu chí” trên đưa xuống, khiến đôi khi họ phải “bỏ qua” lòng tự trọng, làm những việc lương tâm không cho phép như sửa điểm, làm đẹp học bạ của học sinh.

Nghề giáo phải luôn là nghề cao quý, được cả xã hội quan tâm và trân trọng. Đầu tư cho nghề giáo về cả vật chất và tinh thần, chính là đang đầu tư cho tương lai, cho sự phát triển của đất nước./.

Tác giả: An An

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP