Nhìn lại năm 2016, cả nước xảy ra 21.589 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.685 người, làm bị thương 19.280 người. Cũng trong năm 2016, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, lập biên bản gần 4 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, phạt tiền gần 2.600 tỷ đồng; tạm giữ gần 35.000 xe ô tô và hơn 560.000 mô tô; tước hơn 382.000 giấy phép lái xe.
Con số khủng khiếp gần 4 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ thực ra còn chưa phản ánh hết được thực tế vi phạm ở nước ta. Do lực lượng chức năng còn mỏng và phải dành nhiều sức lực, sự quan tâm vào công tác điều tiết, phân luồng giao thông nên thực tế, còn một lượng rất lớn vi phạm bị bỏ qua.
Trong số gần 4 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ nêu trên, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, lâu nay, người ta thường chú ý tới những trường hợp trong độ tuổi từ 16-25. Thống kê chưa chính thức cho thấy, số vi phạm trong độ tuổi này chiếm khoảng 35% tổng số trường hợp vi phạm. Ở Hà Nội, người ta hay gọi là “các cháu đầu xanh, đầu đỏ”, không mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu, thường xuyên “tráng trứng” trên mặt đường khiến người đi đường sợ xanh mắt.
Thế nhưng, quan sát trên các tuyến phố Hà Nội thời gian gần đây, diện đối tượng vi phạm trật tự an toàn giao thông đã trở nên vô cùng… đa dạng. Bên cạnh số nam thanh niên “đầu xanh, đầu đỏ”, nhiều phụ nữ trẻ, trung niên, thậm chí nhiều người cao tuổi cũng vi phạm trật tự an toàn giao thông. Hình ảnh cụ ông, cụ bà vừa đi xe máy vừa nói chuyện và cùng nhau vượt đèn đỏ hay không đội mũ bảo hiểm chở nhau trên đường không hề hiếm gặp ở ngay các tuyến phố trung tâm Thủ đô.
Có hàng nghìn lý do dẫn tới tình trạng già hóa độ tuổi vi phạm giao thông nhưng có lẽ việc chưa phạt đúng, phạt đủ của lực lượng thực thi công vụ và ý thức của người tham gia giao thông là hai nguyên nhân chính. Chế tài xử lý vi phạm đã có và không nhẹ nhưng vì không đủ người để xử phạt tất cả các trường hợp vi phạm nên có một bộ phận người tham gia giao thông trở nên “nhờn luật”, có thể vi phạm bất cứ lúc nào.
Có người nói rằng, việc xây dựng văn hóa giao thông ở Hà Nội như dự án “hết vốn”, xây thô xong để đấy, mãi không hoàn thành được. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta không tiếp tục triển khai “dự án” này. Cũng không thể phó thác hết cho thành phố hay cơ quan quản lý trách nhiệm xây dựng “dự án”, mỗi người tham gia giao thông phải tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình.
Trong đó, những người lớn tuổi, hơn ai hết, phải luôn gương mẫu chấp hành bởi họ sẽ là hình ảnh cho lớp cháu con noi theo. “Nhà dột từ nóc” thì còn bảo được ai! Hơn nữa, đừng chỉ nghĩ chấp hành nghiêm pháp luật giao thông là vì cộng đồng, nên nghĩ đó vì sự an toàn của chính bản thân mình, cho gia đình mình.
Tác giả bài viết: Nguyễn Phương Mai (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Nguồn tin: