Giáo dục

Đừng 'nhồi sọ' sinh viên năm cuối, hãy đưa họ vào phòng LAB

TS Phạm Đình Trọng, Giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, ở Việt Nam dạy các môn học tràn lan, không tập trung. Thậm chí, có quá nhiều môn học trong một kì dẫn đến kiến thức từng môn bị hời hợt và học không hướng tới nhu cầu thị trường khiến sinh viên chán học.

ngu gat KNMB
Ở Việt Nam dạy các môn học còn tràn lan, không tập trung.

Một cuộc Hội thảo mới đây đã chỉ ra, những kỹ năng tưởng như đơn giản nhưng sinh viên của chúng ta rất yếu như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng viết văn bản, kỹ năng quản lý thời gian,… Thậm chí nhiều sinh viên không viết nổi cái đơn xin việc.

Trao đổi về vấn đề trên, TS Phạm Đình Trọng cho rằng các môn học ở đại học Việt Nam còn tràn lan, không tập trung hướng đến nhu cầu của thị trường. Có quá nhiều môn học trong một kì dẫn đến kiến thức từng môn bị hời hợt, không sâu và học không hướng tới nhu cầu thị trường sẽ khiến sinh viên chán học.

Vì thế, cần giảm tải một số môn học không cần thiết và trong quá trình giảng dạy, giảng viên có thể phần nào giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp tương lai.

Thông thường, sinh viên các năm đầu phần lớn không có định hướng ngành rõ ràng phù hợp với bản thân, do đó nên giúp sinh viên có cơ hội học những gì mình thích bằng cách tạo điều kiện cho các em chuyển đổi lớp, ngành trong những năm học đầu tiên (năm 1, 2), và ngoài những môn bắt buộc chung cho ngành đặc thù, các môn còn lại để sinh viên tự lựa chọn. Để các em có cơ hội hơn trong nắm bắt và hội nhập với sự phát triển của đất nước, thế giới.

pham trong 02 dydm
TS Phạm Đình Trọng

PV: Vậy, sinh viên Việt Nam yếu và thiếu các kĩ năng là do nhà trường hay chính sinh viên thụ động, lười suy nghĩ?

Theo tôi, một phần văn hóa trong mối quan hệ giữa thầy và trò khiến sinh viên Việt Nam thụ động, ít có khả năng sáng tạo, không đưa ra ý kiến cá nhân trong quá trình học tập. Giảng viên nên tạo điều kiện để sinh viên phát biểu ý kiến, thảo luận nhóm, và dành phần lớn thời gian tự đọc tài liệu.

Ngoài ra, nên có cơ quan kiểm tra xếp hạng chất lượng giáo dục công bằng, phần lớn dựa trên chất lượng giảng viên, và đầu ra sv của từng ngành, trường. Như vậy các trường sẽ cạnh tranh hơn cả trong tuyển giảng viên, cũng như sinh viên.

Giáo dục Việt Nam chưa chú trọng đến đầu ra của sinh viên

PV: Với những bất cập trên, muốn thay đổi để có chất lượng đầu ra tốt, theo ông là gì?

Ngoài thiếu điều kiện gắn liền với thực tiễn, nhất là các môn khoa học kĩ thuật (học chay-do kinh tế đất nước), giáo dục đại học Việt Nam hiện tại chưa trọng tâm hướng đến mục đích là đầu ra của sinh viên, chưa giúp sinh viên phát triển được khả năng tối đa trong chuyên môn và cuộc sống.

Việc thay đổi dễ nhất cho sinh viên hiện tại là tạo điều kiện để sinh viên có thể thay đổi ngành học phù hợp với năng lực và sở thích của mình (sau thời gian đầu, khoảng một năm ở trường đại học) một cách dễ dàng. Giảng viên cần kích thích sinh viên phát biểu ý kiến, sinh viên tự đọc tài liệu ở nhà, học nhóm, thảo luận để sinh viên nắm bắt được kiến thức trên lớp và phát triển thêm kĩ năng mềm ngoài cuộc sống.

PV: Theo ông, có ý kiến cho rằng nên để sinh viên năm cuối sẽ không phải học bất cứ môn gì và chỉ tham ra các dự án, đề tài, thậm chí tập trung nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm (LAB) để vừa tăng kiến thức chuyên ngành, vừa có các kỹ năng mềm trước khi ra trường?

Sinh viên ở bậc đại học không thể tự mình làm đề tài, đồ án được (trừ trường hợp đặc biệt xuất sắc). Khi đi làm ở công ty, phần lớn các công ty sẽ hướng dẫn, đào tạo sinh viên trong thời gian đầu để sinh viên quen việc cụ thể ở công ty đó.

Phần lớn sinh viên nước ngoài phải có học lực khá/giỏi, muốn trau dồi thêm kiến thức chuyên ngành, và có nhu cầu học tiếp thạc sĩ/ tiến sĩ (học sau đại học yêu cầu sinh viên viết bài luận về hướng nghiên cứu của mình hồi học đại học) sau khi tốt nghiệp mới tham gia làm đồ án.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, giảng viên hướng dẫn không đủ, và cũng không có kinh phí, đề tài cho nhiều sinh viên làm được. Ngoài ra, phần lớn sinh viên là làm theo đề tài của các anh chị thạc sĩ/tiến sĩ, nên nếu sinh viên không khá/tốt, sẽ là gánh nặng lớn cho các anh chị hướng dẫn đề tài, cả về thời gian và kinh tế.

PV: Thực tế ở Việt đánh giá sinh viên đa số dựa vào kết quả cuối học kì. Ở các nước trên thế giới, cụ thể là Mỹ, cách đánh giá một sinh viên thế nào, thưa ông?

Ở Mỹ, sinh viên được đánh giá toàn diện hơn về cả ý thức học, thảo luận trên lớp (0-10%), các điểm kiểm tra (2 bài giữa kì (~15-20%), và 1 bài cuối kì (20-30%)) và bài tập về nhà (10-20%) trong suốt quá trình học, điểm làm đề tài nhóm (~20%).

Do đó, kiến thức của sinh viên sẽ được kiểm tra và đánh giá trong toàn bộ quá trình học, không chỉ dựa vào điểm thi kết quả cuối kì như ở Việt Nam. Đề tài nhóm còn giúp sinh viên phát triển khả năng thảo luận, làm việc nhóm, đồng thời áp dụng kiến thức đã học vào một project cụ thể.

TS Đỗ Văn Đăng: hiện là nghiên cứu sinh tại ĐH phủ Osaka (Nhật Bản): Sinh viên năm cuối không nên học bất kì môn nào trên lớp?

Trước đó, trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, TS Đỗ Văn Đăng cho rằng, ở bậc đại học nên làm đồ án/ khóa luận hoặc project, vì làm như vậy sẽ giúp sinh viên tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn trong công việc sau này.

TS Đăng cũng chỉ ra, ở Việt Nam có một điểm khác đó là thời gian cho đồ án và khóa luận khá ngắn (thường là 1 học kỳ) cộng với cơ sở vật chất thiếu thốn. Trong khi các nước tiên tiến, trong đó có Nhật, sinh viên vào năm 4 sẽ không phải học bất cứ 1 môn nào trên lớp mà sẽ làm việc trong phòng thí nghiệm hoặc thực hiện một dự án nào đó trong vòng 1 năm cho đến khi báo cáo tốt nghiệp. Chỉ cần sau 1 năm… cày trong LAB , sinh viên Nhật tiến bộ vượt bậc về mọi mặt: kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc, cũng như kỹ năng xin việc.

Tác giả bài viết: Đỗ Hợp (thực hiện)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP