Xã hội

Đồng bào Khơ Mú ở biên giới Việt - Lào khát... điện

Huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống. Trong toàn bộ 20 xã, một thị trấn của huyện này, hiện còn hơn 50% bản, làng chưa có điện khiến cuộc sống người dân còn rất nhiều vất vả, cực nhọc.

Bản Phà Khảo xã Phà Đánh dù đường điện chạy qua vào trung tâm xã nhưng người dân chưa được sử dụng điện. Ảnh: Trần Tuấn

Lạc hậu vì chưa có điện

Chúng tôi có mặt tại xã Phà Đánh huyện Kỳ Sơn chỉ cách trung tâm hành chính huyện Kỳ Sơn 10km nhưng nơi đây vẫn chưa có điện. Chị Chon Thị Lành (19 tuổi, người dân tộc Khơ Mú, trú bản Phà Khảo) - cho biết, dù đường điện chạy qua bản nhưng ở cả bản này chưa ai được dùng điện. Hỏi tại sao đường điện đã chạy qua ngay trước nhà mà lại không có điện, chị Lành chỉ biết lắc đầu, nói “không biết mô”. Chị Lành nói rằng, do không có điện nên cuộc sống của người dân bản rất vất vả. Mùa hè thời tiết nóng nực, con trẻ kêu khóc, cha mẹ cứ phải dùng quạt mo cau quạt liệt tay thì con mới nín khóc. Nấu nướng cơm, nước phải dùng bếp củi nên cơm bữa nhão, bữa sống... “Điện kéo về trung tâm xã từ năm ngoái, mới có vài bản gần trung tâm xã có điện thôi. Không biết răng mà người ta không bắt điện cho các bản còn lại, trong đó có bản em” - chị Lành nói.

Không chỉ người dân không có điện sử dụng, mà Trường Tiểu học Phà Đánh đóng ở bản Phà Khảo cũng không có điện. Cô Nguyễn Thị Châu - dạy toán tại trường này, nói: “Không có điện gây khó khăn lớn cho việc dạy và học. Vào mùa đông, ở đây mây mù bao phủ, âm u, không có điện nên phòng học tối om. Mùa hè thì nóng nực, học sinh mồ hôi nhễ nhãi nên rất khó tập trung tiếp thu bài vở”.

Thầy giáo Nguyễn Thiện Hiếu - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, trường có 5 cơ sở, (4 cơ sở còn lại đóng ở các bản Kim Đa, Phà Phốm, Viêng Hòm, Huồi Dúc) thì tất cả đều không có điện. “Việc không có điện đã gây khó khăn lớn cho hoạt động dạy, học của trường. Đối với cán bộ, giáo viên, có việc gì sử dụng đến máy tính, photo giấy tờ, in tài liệu... đều phải chạy ra thị trấn Mường Xén cách trường 10km để có điện mà làm” - thầy Hiếu nói. Thầy Hiếu còn lo ngại, hầu hết các thiết bị như quạt, bóng đèn, công tơ, công tắc.... đã lắp đặt nhiều năm nay nhưng chưa có điện sử dụng đã hư hỏng vì gỉ sét, ẩm mốc... Ngoài khó khăn do không có điện, tất cả các điểm trường của Trường tiểu học Phà Đánh hiện còn phải sử dụng nước ngầm tự nhiên dưới núi hoặc nước khe. “Có năm do hạn sớm, mới giữa tháng tư đã cạn nước ngầm, thầy cô và học sinh ở nội trú phải xách can đi xuống suối lấy nước về dùng” - thầy Hiếu kể.

Với câu hỏi bao giờ trường sẽ có điện, thầy Hiếu không thể trả lời mà cho biết, tại một số cuộc họp với địa phương, nhà trường đã kiến nghị và lãnh đạo xã nói sẽ tiếp thu. Thế nhưng rồi lại tiếp tục phải chờ, chứ chưa thể biết cụ thể bao giờ mới có điện.

Còn Trường Mầm non Phà Đánh có 9 điểm trường thì hiện nay mới chỉ có một điểm trường Triệu Lực 3 ở trung tâm xã có điện. “Không có điện nên quá khó khăn, vất vả cho cô, trò. Đối với hệ mầm non, các cháu ăn bán trú tại trường nên mùa hè không có điện việc nấu nướng và cho các cháu ăn rất vất vả. Nóng nực mồ hôi nhễ nhãi, các cháu kêu khóc khiến các cô rất khổ sở. Thêm nữa, việc không có điện khiến các cô không thể áp dụng dạy bằng powerpoint để có hình ảnh sinh động cho các cháu” - cô Lô Thị Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Phà Đánh trải lòng.

Cuộc sống của người dân tộc thiểu số ở xã Phà Đánh còn rất vất vả, lạc hậu vì chưa có điện. Ảnh: Trần Tuấn


Hơn 50% bản, làng bao giờ có điện?

Ngày 12.5, bà Vi Thị Thanh - Chủ tịch UBND xã Phà Đánh - cho biết, toàn xã có 10 bản, 703 hộ dân với 2.624 nhân khẩu. Nhưng từ đầu năm 2016 mới có đường điện về trung tâm xã. Hiện toàn xã mới chỉ có 2 bản ở trung tâm có điện là bản Phiêng Phô và Triệu Lực 3. Cũng theo bà Thanh, theo như thông tin từ lãnh đạo huyện thì phải đến năm 2020 tất cả các bản của xã mới có điện.

Ông Nguyễn Anh Đoài - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Kỳ Sơn - cho biết, đầu năm 2016 có dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia cho tỉnh Nghệ An do Tập đoàn Điện lực VN đầu tư. Riêng huyện Kỳ Sơn, dự án có tổng kinh phí 397 tỷ đồng để cấp điện cho toàn bộ 20 xã, một thị trấn. Giai đoạn 1, đầu tư 99 tỷ đồng đưa đường dây về trung tâm các xã.

Giai đoạn 2, kết thúc vào năm 2020 với mục tiêu phủ sóng điện 100% cho các xã, thị trấn. Cũng theo ông Đoài, hiện toàn huyện Kỳ Sơn mới có 95/193 bản có điện (49%) và không còn xã nào chưa kéo điện về trung tâm xã. Việc kéo điện sẽ làm đồng bộ bằng cách tăng dần các bản ở các xã, chứ không phải là lần lượt phủ sóng 100% từ xã này đến xã khác. “Đúng là việc chưa có điện không chỉ gây khó khăn, vất vả cho hoạt động dân sinh mà còn ảnh hưởng đến tiến độ về đích trong xây dựng nông thôn mới của huyện. Bởi điện là một tiêu chí trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới” - ông Đoài nói.

Tác giả bài viết: Trần Tuấn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP