Những ngày này, thời tiết bất ngờ trở lạnh. Một số người dân ở xã Tân Thủy (huyện Ba Tri, Bến Tre) thấy ông Hai Ẩn (tên thật là Võ Văn Ẩn, lớn lên trong trại trẻ mồ côi ở TP.HCM, không người thân) vẫn phong phanh quần cộc, mình trần đi khắp nơi cắt cỏ cho bò, hái lá cho dê. Ông cứ lầm lũi làm, không trò chuyện với ai. Buổi chiều, ông vào khu mồ mả nằm ngủ chèo queo bên cạnh một ngôi mộ.
20 năm lên tỉ phú xuống bần cùng
Ông Hai Ẩn sinh năm 1958, bị bỏ rơi ngay từ lúc lọt lòng, được người dân đưa vào cô nhi viện Gò Vấp trong tình trạng đói lả, một con mắt đã bị kiến đục hỏng.
Năm 1975, rời cô nhi viện, ông Ẩn lang thang khắp nơi để làm thuê, kiếm ăn qua ngày. Đến năm 1982, ông đến làm thuê cho nhà ông PVC và được ông PVC nhận làm con nuôi. Sau đó, ông đi làm thuê quanh khu vực chợ Thị Nghè. Một hôm, ông cảm thấy “có điềm may” nên vay mượn tiền để mua 21 tờ vé số. Dịp may đến với ông thật không ngờ, 21 tờ vé số trúng độc đắc với tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng. Đó là số tiền trúng số rất lớn ở thời điểm năm 1996.
Vì ông Ẩn không có giấy tờ tùy thân nên ông PVC đi lãnh giúp tiền. Sau đó bỗng xuất hiện giấy tờ ông Ẩn cho ông PVC 650 triệu đồng cùng với số tiền mà ông Ẩn phải đóng thuế khi nhận tiền trúng số và số tiền dành để bố thí cho người nghèo. Còn lại 250 triệu đồng, ông C. bảo đã trả hết cho ông. Rồi sau đó, ông Ẩn bị đuổi ra khỏi nhà “cha nuôi”, phải quay trở lại cuộc sống bần cùng, lang thang làm thuê quanh chợ Thị Nghè. Bà con tiểu thương chợ Thị Nghè bức xúc, tìm luật sư giúp ông đi kiện đòi lại tiền. Tòa tuyên ông PVC phải trả lại cho ông Ẩn 250 triệu đồng, còn số tiền 650 triệu đồng thì ông không thể đòi được.
Khi nhận lại số tiền từ thi hành án, ông Ẩn đã phải trả các “khoản nợ” cho các tiểu thương, phí luật sư rồi nhờ một tiểu thương ở chợ là bà Lan giữ và đếm giúp. Bà Lan cho ông biết ông còn 154 triệu đồng. Bà Lan thân tình trò chuyện, mời ông về nhà bà ở Bến Tre sinh sống. Ông đã theo bà về Bến Tre ngay hôm đó. Ông cũng để bà Lan giữ giúp tiền.
Ông Hai Ẩn tối ngày quần quật cắt cỏ nuôi bầy bê, đàn bò cho gia đình “con nợ” nhưng ông không có một đồng. Ảnh: HỒNG MINH |
Trắng tay lần thứ hai khi về Bến Tre
Ở nhà bà Lan, ông Ẩn đi chăn bò, chăn dê. Ông cho bà Lan một ít tiền, số còn lại vẫn gửi bà giữ giùm. Đến năm 2007 thì xảy ra xích mích. Ông lại đi lang thang, được bà con ở đây đưa về nhà thờ Giồng Giá tá túc. Sau đó, ông ba Dũng, một người tốt bụng đưa ông về nhà ở. Ông Ẩn quen làm lụng, không chịu ở không, vẫn đi chăn bò. Bà con ở xã Tân Thủy giúp ông đi kiện bà Lan đòi lại 118 triệu đồng. Tòa án huyện Ba Tri tuyên bà Lan phải trả số tiền này cho ông Ẩn.
Ở nhà ông Ba Dũng được một thời gian, không hiểu vì lý do gì, ông Ẩn lại quay về nhà bà Lan. Kể từ đó đến nay, ông vẫn ở nhà bà Lan, vẫn đi cắt cỏ chăn bò không ngày nào nghỉ ngơi. Nhiều người dân xót xa, gặp ông hay cho ông ăn cơm, ăn mì. Họ hỏi ông sao cứ ở nhà bà Lan miết, ông không trả lời, ăn xong rồi đi.
Cách đây chưa lâu, bà Lan mất vì bệnh. Số tiền của ông Ẩn vẫn chưa được hoàn trả. Mặc dù “con nợ” đã mất, ông Ẩn vẫn cứ ở nhà cùng chồng con bà Lan, vẫn ngày ngày đi cắt cỏ cho bò. Ông Ẩn có lần nói chuyện với hàng xóm: “Con bò này là của tui, đàn dê là của ổng (là ông TCB, chồng bà Lan)”. Người hàng xóm hỏi lại: “Vậy mấy lần bán bò, ông có giữ tiền không?”. Ông Ẩn trả lời: “Tôi đâu biết xài tiền”. Lo lắng ông Ẩn bị lợi dụng, ngược đãi vì trí tuệ của ông Ẩn chậm phát triển, nhiều hàng xóm đã nhờ nhà thờ, ban ấp can thiệp.
Muốn sống trong tình thân
Ông ốm nhom, khắc khổ nhưng có một sức khỏe đáng nể. Ông đội trên đầu giỏ cỏ nặng trĩu đi thoăn thoắt. Rồi ông về dọn chuồng bò, chuồng dê sạch bóng, sau đó cho bầy bò, bầy dê mập mạp ăn. Ông không giấu nổi niềm vui, khoe: “Bầy bò này là của tôi đó. Tôi nuôi bò, bán được nhiều rồi”. Nhưng ông không biết mình có bao nhiêu tiền từ việc chăn nuôi. Hỏi ông có thấy cực khổ không, ông trả lời: “Nhỏ lớn tôi đi làm thuê làm mướn, có ngày nào không đi làm đâu. Không đi làm dễ bịnh lắm”. Và chỉ có những ngày đổ bệnh ông mới nghỉ ở nhà. Ông không cảm thấy như vậy là cực khổ.
Về món tiền khổng lồ đã có và mất, ông dựa lưng vào chuồng bò, nói rất buồn: “Từ khi có tiền, tôi bị người ta lường gạt, làm hại. Đến cha nuôi tôi còn muốn hại tôi để lấy tiền của tôi. Tiền không mang lại điều gì cho tôi hết. Tôi biết mình không như người ta, không biết chữ, không biết mặt tiền, không biết xài tiền. Nên gặp người không tốt là tôi bị lường gạt. Hồi xưa có cãi lộn với anh chị Ba (vợ chồng bà Lan), tôi có muốn đòi tiền lại. Nhưng rồi chị nói với tôi thôi về ở lại, có anh em, có con cháu lo cho tôi đến cuối đời thì tôi về lại. Chứ tôi không về, chị phải bán nhà bồi thường tiền cho tôi, tội nghiệp chị”.
Chọn cách sống không cần tiền
Để không bị tổn thương thêm lần nào nữa, ông đã chọn cách sống không cần tiền. Ông không ra quán uống cà phê, ăn sáng. Ông tắm rửa bằng nước lã, không dùng xà bông. Ông cũng không mặc quần áo mới, chỉ mặc mỗi chiếc quần đùi cũ. Ông TCB cho biết ông Ẩn nhất định không chịu mặc áo, còn quần đùi thì mặc rách ông mới thay quần khác. Tiền bán phân bò, tiền bán bò, ông cũng bỏ trong ống và nói: “Anh Ba cần tiền cứ lấy xài, em không cần xài tiền đâu mà”. Ông TCB cho biết ông cũng có “mượn” tiền đó đi đám giỗ, đám cưới, lo ăn uống trong nhà, ông Ẩn không bao giờ đòi lại.
Nhiều người dân trong xã lo lắng với trí tuệ chậm phát triển, ông Ẩn bị lợi dụng, dễ bị dụ, dễ bị “tẩy não”.
Có lẽ vì đã tạo ra số phận của ông quá éo le nên ông trời cũng cho ông một bản tính rất dễ tha thứ và dễ bằng lòng. Chỉ mong rằng họ đã ràng buộc với nhau bởi một nhân duyên kỳ lạ, họ sẽ thực sự là gia đình cuối cùng của ông.
Ông Ẩn cho biết ông sẽ ở lại nhà bà Lan. Ông đã bỏ qua, đã tha thứ hết những món nợ trần gian. Ông muốn có một gia đình để được ăn cơm chung, để được nói chuyện, để có người rầy rà. Ông sợ cầm tiền một lần nữa, sợ trôi dạt lang thang một lần nữa, sợ phải chống chọi với những mưu tính của cuộc đời một lần nữa. Ông cảm thấy mình thuộc về nơi này. |
Tác giả: HỒNG MINH
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM