Kinh tế

Tỉ phú huỳnh đàn

Nhờ trồng cây huỳnh đàn, vợ chồng ông Phạm Văn Nấu (57 tuổi, dân tộc Hrê ở Quảng Ngãi) trở thành tỉ phú.

Ông Nấu trong vườn cây huỳnh đànẢNH: PHẠM ANH

Ngôi nhà của ông Nấu 2 tầng, khang trang mọc lên giữa làng KRầy (xã Ba Tiêu, H.Ba Tơ) bên sông Re, dưới chân đèo Viôlắc. Nheo mắt nhìn mảnh vườn chừng 4.000 - 5.000 m2 toàn huỳnh đàn, ông Nấu kể cách đây 30 năm, cha ông nói ở dưới chân đèo Viôlắc có cây kà rắc (huỳnh đàn) làm cây nỏ, cán rìu, cán dao và rựa chắc không cây gì bằng, phải mang về trồng trong rẫy, trong vườn để mai này có việc dùng đến. Ông Nấu khi đó đang làm cán bộ y tế thôn bản, tuy chưa biết giá trị của cây huỳnh đàn nhưng nghe lời cha đã mua cây về trồng. "Hồi đó làm công một ngày 15.000 - 20.000 đồng, nhưng tôi đã mua 5.000 đồng/cây giống mọc tự nhiên từ những người đi rừng mang về”, ông Nấu cho biết.

Năm 2010, cơn sốt gỗ huỳnh đàn lan đến tận làng KRầy. Thương lái từ ngoài miền Bắc vào lùng sục khắp các núi rừng đào bới, tìm mua. Lúc này ông Nấu mới biết đó chính là loại cây mà mình đang trồng. Dân làng KRầy thi nhau bán với giá 4 - 5 triệu đồng/cây, lấy tiền mua ti vi, xe máy, tủ lạnh. Còn ông Nấu cũng bán trên dưới chục cây được 50 triệu đồng.

“Họ từ ngoài bắc vào mua chắc là cây này đắt tiền, nhưng dân làng mình không biết giá nên bán vậy thôi. Sau đó, tôi không bán cây nữa”, ông Nấu nói. Đến năm 2013 thì những cây huỳnh đàn của gia đình ông đã có giá cao ngất ngưởng. Cây chu vi 90 - 100 cm được trả giá 300 triệu đồng/cây.

Cây huỳnh đàn còn gọi là cây sưa đỏ, trắc thối thuộc gỗ nhóm 1A cực kỳ quý hiếm. Loài cây này có mùi thơm như trầm, vân gỗ có bốn mặt, đưa ra ánh sáng thấy có màu óng ánh rất đẹp. “Vì giá của nó nên ở đây từng xảy ra tình trạng tìm đào gốc gỗ huỳnh đàn, lùng sục khắp các làng quê, núi rừng mua huỳnh đàn”, ông Phạm Văn Ê, Trưởng công an xã Ba Tiêu, cho biết.

Theo những người làng KRầy, thương lái khi vào mua huỳnh đàn không được thường tìm mọi cách hại cây để mua với giá rẻ. Họ đi mỗi tốp 3 - 4 người vào mua, chủ nhà sơ ý là họ sẽ đưa máy khoan ngay một lỗ dưới gốc và đổ thuốc vào, cây vài ngày sẽ chết đứng.

Đưa tôi ra một góc vườn, chỉ một cái hố nhỏ có nhánh non mọc lên đã to bằng cổ tay, ông Nấu nói trong tiếc nuối: “Cách đây hơn 2 năm, cây này chu vi gần 100 cm. Ngày nào cũng có thương lái vào ra hỏi mua 300 triệu đồng. Thiệt tình tôi cũng muốn bán, nhưng cây này dạo đó trái nhiều vô kể, chưa chín. Tôi tính đợi trái chín, hái hết trái rồi bán cây, ai ngờ bị bọn gian hại chết mất”. Vợ ông Nấu, bà Phạm Thị Nga, nói thêm: “Đến nước này, vợ chồng tôi đành bán cây và bán thêm 3 cây nữa, thu về gần 800 triệu đồng”.

Không riêng nhà ông Nấu, ở làng KRầy, ông Phạm Văn Ớ (59 tuổi) có cây huỳnh đàn lớn, thương lái hỏi mua 200 triệu đồng không bán, cuối cùng bị cưa trộm. Hay như nhà bà Phạm Thị Trôi (50 tuổi), có cây huỳnh đàn đường kính 90 cm cũng bị đổ a xít chết đứng trong đêm, đành phải bán 80 triệu đồng, giảm hơn một nửa so với giá hỏi mua...

Thấy tình hình "nóng", vợ chồng ông Nấu phải mua kẽm gai về rào xung quanh mấy cây huỳnh đàn 30 năm tuổi, chu vi 90 - 100 cm để đề phòng kẻ gian. Rào kẽm gai cũng chưa yên tâm, ông Nấu còn lắp điện sáng choang cả khu vườn, rồi nuôi chó, cắt cử người trực 24/24.

Đưa tôi ra xem hai cây huỳnh đàn đỏ cao chót vót, vòng ôm khoảng hơn 80 cm, ông Nấu khoe: “Hai cây này là già tuổi nhất, to nhất, quý nhất ở đây. Bây giờ, nếu bán cũng được 600 - 700 triệu đồng/cây. Có điều cả nhà tôi không ai đồng ý bán mà để làm giống”.

Tác giả: Phạm Anh

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP