Du lịch

Độc đáo nghề săn 'lộc biển' dưới chân cầu Cửa Nhượng

Dưới chân cầu Cửa Nhượng (xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) khi thủy triều xuống, nhiều phụ nữ dùng dao, búa... để bới cát cào ngao, đục hàu bám vào bãi đá, mỗi buổi kiếm vài trăm nghìn đồng.

Cầu Cửa Nhượng bắc qua cửa biển Cửa Nhượng, nối liền 2 xã Cẩm Nhượng - Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên. Cầu nằm trên tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng. Các tuyến đê, kè, bãi đá, bãi cát gần cây cầu này từ lâu đã trở thành nơi trú ngụ của ngao, hàu.

Khi thủy triều bắt đầu rút xuống cũng là lúc người dân địa phương mang theo đồ nghề đi dọc theo tuyến đê, kè, bãi đá, bãi cát để khai thác "lộc biển". Nghề cào ngao, đục hàu ở dưới chân cầu Cửa Nhượng chủ yếu là phụ nữ bởi công việc này đòi hỏi sự cần mẫn và khéo léo.

Dụng cụ cào ngao là chiếc ghế, cái môi, liềm cũ cùng vài cái rổ đựng... dùng để đào bới làm cát mỏng mềm trên bãi biển.

Nghề cào ngao phụ thuộc hoàn toàn vào con nước. Những lúc thủy triều xuống cũng là thời điểm người dân bắt đầu công việc của mình.

Khi thủy triều rút, ngao biển sẽ ẩn dưới lớp cát khoảng 5-10 cm và có một lỗ nhỏ trên mặt cát, phải để ý kỹ mới nhận ra.

Ngao sau khi được tìm thấy sẽ chọn lọc và rửa sạch rồi cho vào túi lưới. Mỗi người có thể đào được khoảng 20-30 kg ngao/ngày.

Theo người dân nơi đây, nghề này muốn đi sớm cho đỡ nắng cũng không được mà cứ phải phụ thuộc vào con nước. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu thị trường nhiều thương lái đã thuê người dân địa phương đi đào ngao với mức tiền công mỗi ngày 100.000-150.000 đồng.

“Làm nghề này tuy vất vả nhưng mỗi khi nhìn lại thành quả của mình chúng tôi lại cảm thấy ấm lòng. Chiếc giỏ đựng đầy ngao không chỉ là niềm vui của tôi mà đó là niềm vui của cả gia đình”, bà Nguyễn Thị Châu (80 tuổi, trú tại xã Cẩm Lĩnh) nói.

Bên cạnh những người bới cát tìm ngao là những tốp phụ nữ mang theo chiếc giỏ cùng chiếc búa để săn những con hàu bám trên thành đá.

Việc đục hàu cũng phải phù thuộc vào con nước lên, xuống. Cứ sau mỗi lần thu hoạch 3-4 ngày, người dân lại tìm hàu đục.

Người đi đục hàu thường phải mang ủng, tất chân, tay để tránh bị thương do vỏ hàu sắc nhọn trên các tấm lưới, dưới lớp cát trên bãi biển.

Đục hàu đòi hỏi phải chịu khó và tỉ mỉ bởi hàu rất giống đá, rất khó phân biệt. Có những con bám chặt vào thành đá, phải đục mạnh nhiều lần mới lấy được.

"Để đục được hàu, chúng tôi phải đi trên những mỏm đá nhọn hoắt, trơn trượt, hoặc lội xuống vùng nước sâu phía dưới chân cầu. Làm nghề này bị búa đập vào tay, đá nhọn, vỏ hàu cứa chảy máu là chuyện bình thường. Mỗi ngày tôi có thể đục được 1-2 kg ruột hàu. Hàu sẽ được bán với giá 70.000-90.000 đồng", bà Nguyễn Thị Lành (trú tại xã Cẩm Lĩnh) cho hay.

Theo người dân, mỗi ngày đục hàu tại bãi đá dưới chân cầu Cửa Nhượng từ 3-4 tiếng đồng hồ nếu may mắn có thể thu về khoảng 2-3 kg ruột hàu, bán được trên 200 nghìn đồng.

Mặc dù phải đứng dưới cái nắng mùa hè để tìm "lộc biển" song những người phụ nữ vẫn nở nụ cười rạng ngời.

Khi thủy triều bắt đầu lên cũng là lúc họ mang chiến lợi phẩm xuyên qua bãi bồi ven biển để trở về.

Tác giả: Cẩm Kỳ

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP