“Việt Nam có 23 VĐV tham dự Thế vận hội, theo quota của BTC Olympic Rio 2016 11 cán bộ Đoàn gồm 1 Trưởng đoàn, 9 cán bộ và 1 suất tùy viên báo chí (Press Attache). Trong thành phần 9 cán bộ này, Đoàn đã bố trí 3 bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho các VĐV. Trên thực tế, lịch thi đấu của các đội tuyển hầu như không trùng khớp nên các bác sĩ đã đảm bảo tốt việc chăm sóc, hồi phục chấn thương cho VĐV.
Đoàn Việt Nam dự Olympic 2016 chỉ có 3 bác sỹ
Đây cũng là lần đầu tiên Đoàn TTVN đi Olympic với thành phần gồm nhiều bác sĩ như vậy. Và cũng là lần đầu tiên ở một kỳ Olympic mà Tiểu ban y tế đã sớm được thành lập để chăm sóc sức khỏe, hồi phục cho các VĐV trọng điểm trong quá trình chuẩn bị tranh vé dự Đại hội.
Đoàn TTVN mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp trên tinh thần xây dựng và trung thực”, thông báo của đoàn Việt Nam cho hay.
Thực tế, việc đoàn TTVN có 3 bác sĩ đi cùng là có, đó là các bác sĩ Nguyễn Văn Phú, Dương Tiến Cần (bệnh viện Thể thao Việt Nam), bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền (Trung tâm HLTTQG Nhổn). Tuy nhiên, điều mà báo chí lên tiếng không phải chuyện thiếu bác sĩ, mà chủ yếu là nói về một số quan chức không hiểu vì sao lại đi thay suất của các HLV, chuyên gia.
Theo đó, hai tay vợt Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang (cầu lông) không có HLV đi cùng. Người được giao nhiệm vụ hỗ trợ họ là Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II (Tổng cục TDTT) Nguyễn Trọng Hổ, nguyên là HLV…điền kinh. Việc hai tay vợt hàng đầu Việt Nam này không có HLV được giải thích là họ ở trình độ cao, không có HLV trong nước có đủ chuyên môn đáp ứng trong các buổi tập, thi đấu. Lý giải này cũng có thể chấp nhận được bởi từ trước tới nay, Tiến Minh vẫn thường ra nước ngoài thi đấu một mình.
Tiến Minh và Vũ Thị Trang không có HLV đi theo đợt này
Tuy nhiên trường hợp của nữ võ sĩ Judo Văn Ngọc Tú không có HLV, không chuyên gia theo cùng là một điều đáng tiếc, bởi VĐV này không nhận được sự hỗ trợ chuyên môn cũng như tâm lý khi thi đấu. Tại Olympic 2016, Văn Ngọc Tú sau khi vượt qua Mocastt Valentina của Italy ở vòng 1/16 hạng dưới 48kg nhờ bị phạt ít điểm hơn, đã thua chóng vánh ở vòng tiếp theo với đòn Ipon.
Điều đáng nói là trong khi Văn Ngọc Tú không có HLV hay chuyên gia, thì Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng không hiểu sao lại được làm HLV của Tú. Ông Hùng vốn là dân võ, nhưng không phải là thầy của Ngọc Tú. Hơn nữa, ông Hùng là nhà quản lý, khó có thể giúp về mặt chuyên môn cho VĐV. Trước đó, từ Asiad quảng Châu 2010, ông Hùng không vắng mặt ở bất cứ đại hội thể thao nào. Thường thì ông Giám đốc trung tâm HLTTQG Nhổn được giao làm Phó đoàn.
Nguyễn Thị Lụa và Vũ Thị Hằng (vật) đã không có chuyên gia người Gruzia – Fridon đi cùng. Cả hai VĐV này sẽ có “HLV đóng thế” Nguyễn Thế Long – Trưởng bộ môn vật. Ở môn bơi, VĐV Hoàng Quý Phước cũng không có HLV đi cùng, thay vào đó là Tổng thư ký Đinh Việt Hùng.
Chuyện thiếu bác sĩ, HLV với các VĐV khi ra nước ngoài thi đấu không phải bây giờ báo chí mới nói. Các nước thường cử rất đông đội ngũ này đi theo nhằm giúp cho VĐV thi đấu đạt kết quả cao nhất, còn ở Việt Nam thì thường có các nhà quản lý “đi ké”.
Văn Ngọc Tú không có HLV đi theo để chỉ dẫn chuyên môn
Đoàn Việt Nam tham dự Olympic 2016 gồm 50 thành viên, do Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn làm Trưởng đoàn. 23 VĐV gồm: Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Quý Phước (bơi), Trần Quốc Cường, Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Tiến Minh, Vũ Thị Trang (cầu lông), Hoàng Tấn Tài, Thạch Kim Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn, Vương Thị Huyền (cử tạ), Phạm Phước Hưng, Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thành Ngưng (điền kinh), Văn Ngọc Tú (judo), Vũ Thành An, Nguyễn Thị Như Hoa, Nguyễn Thị Lệ Dung, Đỗ Thị Anh (kiếm), Hồ Thị Lý, Tạ Thanh Huyền (rowing), Nguyễn Thị Lụa, Vũ Thị Hằng (vật). Như vậy, trong tổng số 50 thành viên, đoàn Việt Nam có 27 thành viên bao gồm lãnh đạo, cán bộ, HLV, chuyên gia, bác sĩ, săn sóc viên, truyền thông…
Tác giả bài viết: Thùy Anh