Trong tỉnh

Di cư trái phép sang Lào: Cuộc sống không như là mơ

Quan hệ thân tộc, tập quán sản xuất du canh du cư, thiếu đất sản xuất, bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo...là những nguyên nhân khiến một bộ phận người Mông di cư trái phép sang Lào.

Để nâng cao nhận thức của đồng bào người Mông, sáng 28/8, Đồn Biên phòng Nậm Càn đã phối hợp với UBND xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) tổ chức hội nghị chống di cư trái phép sang Lào. Ngoài cán bộ và nhân dân trong xã, còn có sự có mặt của những hộ di cư và trở về cùng những câu chuyện kể về cuộc sống di cư.

Nậm Càn là xã có 100% đồng bào dân tộc Mông với 25 km đường biên giới giáp nước bạn Lào. Trong 8 tháng đầu năm, xã này đã có 6 hộ di cư trái phép sang Lào, trong đó nhiều nhất là ở các bản Nậm Khiên, Liên Sơn. Hiện tại đã có một hộ trở về do cuộc sống quá khó khăn.

Bản Nậm Khiên (Nậm Càn) nơi có nhiều hộ di cư trái phép sang Lào. Ảnh: Đào Thọ

Đánh giá tình hình này, ông Và Bá Dì - Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, nguyên nhân bà con người Mông di cư trái phép sang Lào là do họ có quan hệ thân tộc bên nước bạn; tập quán sản xuất du canh du cư từ lâu đã ăn sâu vào nếp sống người dân.

Một số bộ phận khi tách hộ thiếu đất sản xuất làm nương rẫy nên khó khăn trong đời sống; đặc biệt hơn, nhiều người vì nghe lời kẻ xấu dụ dỗ, lôi kéo với lời hứa hẹn có một cuộc sống tốt đẹp hơn phía bên kia biên giới nên đã không ngần ngại rời bỏ làng bản để sang Lào.

Anh Và Xồng Xo, từ Lào trở về chia sẻ với mọi người trong hội nghị chống di cư trái phép sang Lào. Ảnh: Đào Thọ

Anh Và Xồng Xo (28 tuổi) trú tại bản Liên Sơn vừa từ đất Lào trở về từ tháng 7/2017 tâm sự: Tháng 4/2017, anh nghe lời của một người hứa hẹn sang Lào sẽ có cuộc sống đầy đủ, không phải làm việc nhưng vẫn có cái ăn. Không ngần ngại, Và Xồng Xo bán nhà cửa đất đai mang theo vợ con sang Lào theo đường tiểu ngạch.

Tuy nhiên cuộc sống bên đó không như những gì người kia hứa hẹn. “Không có một chế độ ưu tiên nào, muốn làm rẫy cũng phải thuê đất với giá đắt đỏ, ốm đau thì không được đến trạm xá vì sợ bị phát hiện...Cực khổ quá nên phải về lại Việt Nam, no đói còn có anh em bản làng và nhà nước” - Và Xồng Xo nói trong nước mắt. Câu chuyện của Xồng Xo về cuộc sống "thiên đường" bên kia đất bạn khiến cả hội trường ngồi im.

Khi đi, họ bán hết đất đai, nhà cửa nên lúc trở về rất khó khăn. Ảnh: Đào Thọ

Bên lề câu chuyện, chúng tôi được gặp lại anh Xồng Bá Chả ở bản Huồi Nhao từ Lào trở về sau 3 năm. Anh kể: năm 2010 cuộc sống gia đình khó khăn, nghe một số người bên Lào tuyên truyền rằng sang đó sẽ được chu cấp toàn bộ, cuộc sống sung sướng không lo vất vả. Vậy là anh đưa cả gia đình sang Lào bằng đường tiểu ngạch.

Nơi anh đặt chân đến là một địa phương của tỉnh Pôlykhămxay. Không như những gì anh tưởng tượng, mơ ước: “Năm 2010 mình bán hết đất đai nhà cửa để đi Lào. Nhưng sang đó, không có công ăn việc làm, tiền bạc và những cái ăn được mang theo cũng hết dần. Những người trước kia gọi sang họ bảo đi buôn thuốc phiện với họ nhưng mình sợ lắm vì vi phạm pháp luật. Con cái thì không được đi học vì không biết cái chữ của họ. Đi ra ngoài thì sợ bị bắt vì đi trái phép. Khổ không nói hết, phải trở về may ra mới sống sót được”.

Khi được hỏi: “Vậy những người bảo anh sang đây không giúp đỡ gì cho mình à?”. Anh trả lời: “Họ chỉ muốn mình sang để vận chuyển thuốc phiện cho họ thôi, họ không tốt đâu”. Khi nói những điều này, anh Chả vẫn còn rơm rớm nước mắt

Nhiều năm qua, đồn biên phòng đã phối kết hợp để tuyên truyền, vận động bà con người Mông không di cư trái phép sang Lào. Ảnh: Đào Thọ

Ông Nguyễn Tư Hóa - Chính trị viên Đồn Biên phòng Nậm Càn cho hay: “Những năm qua, Đồn biên phòng đều phối hợp để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con dân bản. Các hộ di cư trái phép sang Lào đều vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, khi họ trở về Đồn đều có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ để động viên họ yên tâm định cư lâu dài”./.

Tác giả: Đào Thọ

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP